Bí quyết giảm đau lưng khi mang thai

Đau mỏi lưng là triệu chứng thường gặp ở 80% phụ nữ trong thời kỳ mang bầu. Khi thai càng lớn, cơn đau lưng thường có xu hướng tăng lên. Vậy đâu là nguyên nhân khiến mẹ bị đau lưng khi mang thai? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Mời mẹ đón đọc bài viết dưới đây của chuyên gia Bibo Care để được giải đáp nhé!

 

1. Nguyên nhân gây đau lưng khi mang thai

đau lưng khi mang thai
Nguyên nhân khiến mẹ bị đau lưng khi mang thai là gì?

Do thay đổi nội tiết tố

Khi mang thai, cơ thể mẹ sinh ra một hormone gọi là relaxin. Hormone này có tác dụng giãn nở khung chậu để chuẩn bị cho quá trình sinh sau này. Khi đó, các dây chằng, cơ ở vùng xương chậu giãn ra và các khớp xương trở nên lỏng lẻo hơn. Điều này dẫn tới tình trạng đau lưng, thường kèm theo đau vùng chậu hông, và càng gần tháng sinh thì càng đau rõ rệt.

Do căng thẳng, stress

Tình trạng lo lắng, căng thẳng trong quá trình mang bầu cũng sẽ khiến cơn đau lưng thêm nghiêm trọng hơn. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những người thường xuyên căng thẳng sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp khá cao. 

Do thay đổi tư thế

Ở những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi lớn dần và làm bụng mẹ to ra. Trọng tâm của cơ thể mẹ cũng thay đổi nên mẹ phải ngả về phía sau để giữ thăng bằng, vô tình gây tổn thương cột sống. Kết quả là mẹ dần thay đổi tư thế và dáng đi của mình, lâu dần dẫn đến đau lưng.

Do tăng cân

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể của người mẹ sẽ có những thay đổi rõ rệt. Mẹ có thể thèm ăn và ăn không kiểm soát, dẫn tới tình trạng mỡ thừa tích tụ. Tăng cân sẽ làm tăng gánh nặng cơ thể lên cột sống, khiến mẹ bầu bị đau lưng.

Do bệnh lý cột sống

Một số mẹ bầu có thể đã bị những bệnh lý về cột sống trước khi mang thai. Hay gặp nhất là do đau thần kinh tọa; với những biểu hiện là sản phụ đau lưng, cơn đau thường lan xuống mông, đùi, bắp chân kèm theo cảm giác tê bì. Các triệu chứng này có thể trở nên tồi tệ hơn trong quá trình mẹ mang bầu vì cơ thể trở nên nặng nề hơn.

Do động thai

Biểu hiện kèm theo đau lưng là ra máu âm đạo nâu hay đỏ tươi; tiết dịch âm đạo bất thường; mẹ bị đau bụng và đau mỏi vùng thắt lưng. Nếu thai phụ bị đau lưng kèm theo những triệu chứng trên thì hãy đến ngay các cơ sở y tế khám để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

 

2. Bí quyết giảm đau lưng khi mang thai

2.1. Luôn giữ tư thế chuẩn để hạn chế đau lưng khi mang thai

Song song với sự phát triển của thai nhi, bụng của mẹ bầu sẽ ngày càng lớn; dẫn tới trọng tâm cơ thể dần dồn về phía trước. Khi đó, mẹ bầu sẽ có xu hướng ngả người về phía sau để giữ cho cơ thể thăng bằng. Điều đó sẽ vô tình làm căng các cơ và dây chằng vùng thắt lưng, tạo ra áp lực. Lâu dần khớp xương bị cong và dẫn tới đau lưng.

Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu nên ghi nhớ điều chỉnh tư thế của mình:

  • Luôn đứng thẳng người.
  • Nên đứng uỡn ngực, không khom người.
  • Hạ vai và buông xuôi tự nhiên.
  • Cố gắng thả lỏng đầu gối.
  • Khi đứng, mẹ nên dạng rộng hai chân vừa phải để tạo sự thăng bằng và thoải mái.
  • Nếu phải đứng hoặc ngồi làm việc trong thời gian dài, hãy lưu ý dùng thêm một chiếc ghế nhỏ để kê chân và gối để tựa lưng.
  • Nhớ dành thời gian để nghỉ ngơi thường xuyên.

2.2. Nằm ngủ nghiêng

Thai phụ không nên nằm ngửa khi ngủ để tránh gây áp lực cho vùng thắt lưng. Nằm nghiêng khi ngủ giúp bà bầu giảm bớt các cơn đau lưng do không bị thai nhi đè ép. Bên cạnh đó, tư thế ngủ nghiêng này còn tốt cho tuần hoàn máu.

Lời khuyên cho mẹ bầu là nên nằm nghiêng sang trái, co một hoặc cả hai đầu gối. Mẹ cũng có thể sử dụng thêm các tấm đệm thiết kế dành riêng cho bà bầu; hoặc tham khảo các hướng dẫn kê gối ở chân, bụng và lưng để tạo cảm giác thoải mái nhất khi ngủ.

đau lưng khi mang thai
Mẹ bầu nên nằm nghiêng để giảm áp lực cho cột sống

2.3. Thay đổi vật dụng sinh hoạt phù hợp với mẹ bầu

Một trong những điều đầu tiên cần đặc biệt lưu ý trong thai kỳ chính là các đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như giày dép, quần áo, đệm nằm ngủ,… Lựa chọn các sản phẩm phù hợp sẽ hỗ trợ mẹ đi đứng, ngủ nghỉ dễ dàng hơn.

Nếu triệu chứng đau lưng khi mang bầu xuất hiện thì việc lựa chọn những đôi dép có đế mềm, êm ái là điều rất cần thiết. Phần đế dép hơi dày một chút sẽ giúp cho bà bầu có thể thoải mái hơn rất nhiều.

Ngoài ra, nên chọn loại nệm nằm êm ái, có độ đàn hồi tốt. Điều này sẽ giúp cho mẹ bầu cảm thấy dễ chịu, chìm vào giấc ngủ nhanh và ngủ sâu hơn. Mẹ cũng có thể chuẩn bị thêm một chiếc ghế lười có phần dựa lưng uốn cong, có đệm ghế và tựa lưng. Không chỉ giúp mẹ đỡ đau lưng, những vật dụng này còn giúp mẹ thư giãn trong thời gian dưỡng thai.

2.4. Tập thể dục đều đặn

Triệu chứng đau lưng khi mang thai sẽ ngày càng tăng vào cuối thai kỳ. Việc tập thể dục thường xuyên với những bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe hiệu quả.

Mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các hoạt động thể thao đơn giản, ví dụ như đi bộ, yoga hoặc bơi lội. Bên cạnh đó, các bài tập vật lý trị liệu cũng có thể giúp phòng và ngăn ngừa triệu chứng đau lưng khi mang thai.