Có rất nhiều thói quen, cách chăm sóc con của bố mẹ bị lầm tưởng là xuất phát từ tình yêu thương, sự che chở cho con nhưng thực ra lại cản trở sự phát triển bình thường của trẻ và khiến trẻ hay bị ốm.
Tâm lý “béo khỏe, béo đẹp” khi nuôi con của phần lớn các gia đình hiện nay khiến cho cách chăm sóc và nuôi dưỡng con ở giai đoạn đầu đời của các bố mẹ Việt vấp phải rất nhiều sai lầm. Những sai lầm từ việc chăm sóc và nuôi dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, khiến trẻ thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật, kéo theo việc sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều, thậm chí là lạm dụng thuốc kháng sinh. Điều này khiến cho vòng luẩn quẩn “ốm – dùng thuốc – ốm – dùng thuốc” kéo dài mãi, trở thành nỗi ám ảnh của bố mẹ đang nuôi con nhỏ.
Dưới đây là những lời khuyên của các bác sĩ có uy tín với nhiều bố mẹ Việt để giúp trẻ tăng sức đề kháng và có hệ miễn dịch khỏe mạnh, hạn chế tối đa phải dùng thuốc kháng sinh.
1. Giữ cho cơ thể con “sạch”
Tiêu chí đầu tiên để có thể nuôi con khỏe mạnh là phải giữ cho con thể của con “sạch”. “Sạch” không chỉ là việc giữ vệ sinh cơ thể cho con bằng cách thường xuyên rửa tay, tắm rửa… mà còn là “sạch” từ bên trong, một cơ thể “sạch” là một cơ thể không có “rác”. Theo Ths Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn, Giảng viên bộ môn sinh lý học, ĐH Y Hà Nội, để làm được điều này, bố mẹ tuyệt đối không nên cho con ăn “rác” hàng ngày. “Rác” của cơ thể là tất cả những gì không tham gia vào quá trình trao đổi chất, tạo năng lượng của cơ thể, không dùng để xây dựng và tái tạo tế bào cơ thể, làm suy giảm miễn dịch khiến cơ thể dễ mắc các bệnh viêm nhiễm… như các thực phẩm sinh a-xít là đường trắng, tất cả các sản phẩm tinh chế, chế biến công nghiệp như bánh kẹo, các đồ ăn liền, ăn nhanh, nước ngọt có ga,…
Ths Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn, Giảng viên bộ môn sinh lý học, ĐH Y Hà Nội cho rằng: “Những lầm lạc của bố mẹ khi nuôi dạy con chính là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ hay bị ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tiêu hóa”.
Vì thế, hãy nói không với đồ ngọt, đồ chế biến sẵn, đồ ăn nhanh như bim bim, bánh kẹo, nước ngọt, kem, gà rán KFC, mì ăn liền,… thậm chí là một số thực phẩm bố mẹ vẫn hay tẩm bổ cho con nhưu sữa, sữa chua, váng sữa… vì có rất nhiều đường. Bố mẹ nên tập cho trẻ làm quen với một chế độ ăn lành mạnh và cân đối, với thực đơn ưu tiên các loại rau xanh, củ quả tươi ngon hay các loại hạt hoặc ngũ cốc nguyên cám…
2. Chăm sóc giấc ngủ cho con
Bác sĩ chuyên khoa nhi người Pháp Phillippe Collin, với hơn 40 năm kinh nghiệm, là một bác sĩ được các bố mẹ vô cùng tín nhiệm cho rằng: “Giấc ngủ chất lượng rất quan trọng đối với sức khỏe của mọi đứa trẻ vì nó giúp trẻ xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh”.
Theo lời khuyên của BS Collin, trẻ ở mỗi lứa tuổi cần một thời lượng ngủ khác nhau, tuy nhiên dù ở lứa tuổi nào thì việc đi ngủ đúng giờ và “chất lượng giấc ngủ” của trẻ cũng là điều bố mẹ nên quan tâm.
Theo BS Collin, muốn biết một đứa trẻ có giấc ngủ chất lượng hay không, có ngủ ngon hay không thì hãy quan sát trẻ lúc thức dậy. Nếu trẻ cáu kỉnh, không vui vẻ thì có nghĩa là trẻ ngủ chưa đủ và không ngon giấc, ngược lại trẻ ngủ đủ giấc sẽ nhanh chóng trở nên hoạt bát, vui vẻ sau khi thức dậy để tham gia vào các hoạt động của ngày mới. Bố mẹ nên tạo thói quen đi ngủ sớm cho con từ nhỏ, trước giờ đi ngủ không nên cho con hoạt động mạnh, ăn đồ ăn có quá nhiều đường hay sử dụng các thiết bị điện tử… để con ngủ đủ thời lượng khuyến cáo theo từng lứa tuổi.
3. Để con khám phá, trải nghiệm và vận động ngoài thiên nhiên
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, cây xanh và các trải nghiệm trong thiên nhiên không chỉ giúp trẻ thư giãn, kích thích phát triển não bộ mà còn góp phần cải thiện đáng kể sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ nhỏ. Vì thế, bố mẹ cần dành nhiều thời gian để con được vận động ngoài trời, hòa mình với thiên nhiên, làm quen và tập thích nghi, chịu đựng các điều kiện thời tiết khác nhau như nóng, lạnh, mưa, nắng, kể cả là khí hậu bất thường…
Thời gian tốt nhất để trẻ vui chơi, vận động và tắm nắng ngoài thiên nhiên là vào buổi sáng (trưa), điều này sẽ giúp cho “bộ não buổi sáng” của trẻ được kích thích để qua đó giúp các hóc-môn có lợi cho tinh thần và sức khỏe của trẻ phát triển. Trẻ được vận động nhiều vào thời gian này thường ăn ngon, ngủ kĩ và hiếm khi ốm vặt.
Bố mẹ nên hình thành và duy trì thói quen vận động, tập luyện thể thao cho trẻ ngay từ khi trẻ còn nhỏ, có thể bắt đầu bằng những bài tập đơn giản như đi bộ, đi dạo đều đặn mỗi ngày, khi trẻ lớn dần lên, có thể hướng con tập luyện những môn thể thao mà trẻ thích như bơi lội, bóng rổ, bóng đá…
4. Bổ sung “vitamin yêu thương” cho con hàng ngày
Có một chân lý mà bạn không thể quên khi nuôi con, đó là “trẻ con lớn lên bằng tình yêu”. “Vitamin yêu thương” có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành về thể chất và tâm hồn của trẻ. Niềm vui, cảm giác hạnh phúc, bình an, tin tưởng… ảnh hưởng rất nhiều đến hệ miễn dịch của trẻ nhỏ nói chung và bản thân tất cả chúng ta nói riêng.
Đó chính là lý do vì sao bố mẹ nên không ngừng thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương của mình dành cho con mỗi ngày bằng những điều hết sức giản dị như ôm con khích lệ, nắm tay con thật chặt mỗi khi con sợ, nhấc bổng con lên cao thật nhiều, nói “bố mẹ yêu con” mà không cần lý do nào cả, hôn chúc con ngủ ngon, hôn tạm biệt con ở cửa lớp học, hát ru cho con… Đó là những điều kì diệu nhất mà bố mẹ có thể làm để tặng cho con một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Một điều quan trọng mà bố mẹ cần phải nhớ, đó là trẻ chỉ có thể khỏe mạnh và hạnh phúc nếu chúng được “hấp thu” năng lượng đó từ những ông bố, bà mẹ khỏe mạnh và hạnh phúc. Hãy học cách thư giãn, chăm sóc và yêu thương bản thân mình nữa, các bố mẹ nhé!
Happy Moms / Theo Trí Thức Trẻ