7 câu mẹ nào cũng hay nói khiến con tổn thương và hư hơn

Đôi khi, những lời nói vô tình của cha mẹ nhưng lại để lại ấn tượng không tốt với con trẻ và là cách giáo dục sai lầm.
Trẻ em từ 5 tuổi trở đi đã bắt đầu có nhận thức đầy đủ và hoàn chỉnh về thế giới xung quanh. Vì thế, những lời cha mẹ nói thực sự có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Đôi khi, chỉ là một câu nói vô tình hay câu cửa miệng cha mẹ quen nói hàng ngày cũng khiến trẻ tổn thương và dẫn đến kết quả tiêu cực.
Dưới đây là một số điều cha mẹ cần thận trọng khi nói với con:
7. “Con nên nghe lời người lớn”
Đứa trẻ sẽ nghĩ: “Tất cả người lớn đều tốt. Chúng ta cần phải nghe và làm theo những gì họ nói”.
Câu nói này sẽ dẫn đến cách hiểu sai lệch của trẻ. Vì bé được dạy là phải nghe lời người lớn (đối tượng chung chung không phân biệt rõ ràng) nên rất có thể các con sẽ tin tưởng vào cả những người bé mới gặp lần đầu. Khi ấy, khả năng trẻ bị bắt cóc sẽ rất cao.
Cụm từ chính xác nên nói: “Con cần nghe lời cha mẹ”.
Bố mẹ nên nhớ việc chỉ rõ những người cụ thể mà trẻ có thể tin tưởng được là một điều hết sức quan trọng nhằm giúp con tự bảo vệ mình khi đi ra ngoài. Trẻ cần biết chúng cần phải nghe lời cha mẹ và tránh làm theo những gì người lạ nói.
6. “Đừng có khóc nữa”
Đứa trẻ sẽ nghĩ: “Thật tệ khi thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Mình sẽ bị mắng vì những giọt nước mắt”.
Người lớn có quyền thể hiện sự vui, buồn, sung sướng thì trẻ con cũng vậy. Nếu bố mẹ cấm đoán con trẻ giải tỏa căng thẳng, thể hiện cảm xúc hay giãi bày tâm trạng của mình, chúng sẽ có xu hướng sống khép kín và hạn chế sự chia sẻ.
Cụm từ chính xác nên nói: “Hãy nói cho mẹ biết điều gì đang làm phiền con nào”, “Tại sao con lại khóc vậy?”
Khi thấy trẻ khóc, thay vì quát mắng bắt trẻ im lặng, bố mẹ hãy nhẹ nhàng tìm hiểu nguyên do. Một cuộc nói chuyện nhẹ nhàng sẽ giúp các bé biết được chúng nhận được sự quan tâm của bố mẹ.
5. “Đừng có tham lam”
Đứa trẻ sẽ nghĩ: “Tôi phải chia sẻ mọi thứ. Không có gì là của riêng mình cả”
Theo thời gian, suy nghĩ này của trẻ sẽ phát triển thành hành vi “hiến tế”. Chúng sẽ không bảo vệ được giá trị và tài sản của bản thân bởi chúng nghĩ rằng mình không xứng đáng với những thứ đó.
Cụm từ chính xác nên nói: “Con nghĩ sao nếu con trao đổi đồ chơi với bạn trong vài phút?”, “Con có muốn trao đổi đồ chơi với bạn không?”
Khi bắt trẻ chia sẻ điều gì, bố mẹ đừng ép buộc trẻ, thay vào đó hãy nhẹ nhàng hỏi ý kiến của con. Hãy cung cấp cho con cơ hội có quyền quản lý những thứ thuộc về mình.
4. “Ai đã dạy con làm điều này?” (Nói về một trò nghịch ngợm)
Đứa trẻ sẽ nghĩ: “Bố mẹ không biết rằng chính tôi đã nghĩ ra trò đó”
Điều này có thể khiến trẻ hình thành thói quen đổ lỗi cho người khác. Các bé sẽ không bao giờ tự nhận lỗi hoặc nhận trách nhiệm về mình.
Cụm từ chính xác nên nói: “Tại sao con làm điều đó?”
Khi trẻ làm điều gì đó không đúng, bố mẹ hãy cố gắng tìm hiểu xem con bị người khác xúi giục hay chính bản thân con muốn làm thế. Hãy tạo cơ hội cho con được giải thích hành động của mình.
3. “Hãy nhìn con người ta đi”
Đứa trẻ sẽ nghĩ: “Tôi tệ hơn người khác”
Việc bố mẹ so sánh con với những đứa trẻ khác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng cũng như suy nghĩ của con, khiến con nghĩ rằng bản thân mình sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì.
Cụm từ chính xác nên nói: “Con yêu à. Con cũng có thể làm được điều đó”
Bố mẹ hãy động viên, khuyến khích trẻ phát triển. Hãy nhớ rằng con của bạn là duy nhất, là một cá thể riêng biệt và cũng có tài năng của chính mình.
2. “Chúng ta sẽ nói chuyện ở nhà”
Đứa trẻ sẽ nghĩ: “Khi về nhà, bố mẹ có thể sẽ đánh tôi. Tôi không muốn trở về nhà nữa”
Khi đi ra ngoài, nếu trẻ làm sai điều gì đó, bố mẹ đừng đe dọa con kiểu “Chúng ta sẽ nói chuyện ở nhà” bởi như vậy sẽ hình thành cho trẻ ý nghĩ không tốt về ngôi nhà của mình. Chúng sẽ nghĩ đó là nơi bố mẹ dùng để trừng phạt con cái.
Cụm từ chính xác nên nói: “Để bố/mẹ nói cho con biết điều gì khiến bố mẹ buồn nhé”
Khi đi ra ngoài, nếu trẻ không may phạm sai lầm, bố mẹ hãy nhẹ nhàng nói chuyện trực tiếp với trẻ ngay tại thời điểm đó. Bố mẹ hãy nói quan điểm của mình về việc làm vừa rồi của con. Khi lắng nghe ý kiến của bố mẹ, đứa trẻ sẽ học cách quan tâm đến suy nghĩ của người khác và biết cách hành xử đúng hơn.
1. “Con còn quá nhỏ để biết điều đó”
Đứa trẻ sẽ nghĩ: “Con thực sự muốn biết điều đó. Nếu bố mẹ không chịu nói, con sẽ đi hỏi người khác”
Bố mẹ thường hạnh phúc và hân hoan biết bao nhiêu khi các thiên thần bé nhỏ của mình bắt đầu biết nói và dần dần biết trò chuyện. Nhưng khi đến tuổi lên 3, lên 4, khả năng ngôn ngữ của các con đã tốt lên, các bé sẽ không ngừng đặt ra những câu hỏi “chất vấn” bố mẹ, thậm chí sẽ có những câu hỏi khiến các mẹ “đứng hình”.
Khi đó, bố mẹ đừng vội gạt đi những câu hỏi của con, đừng viện vào lý do “con còn nhỏ, không cần biết những thứ đó làm gì” để từ chối đưa ra câu trả lời.
Trẻ một khi đã hứng thú, tò mò với cái gì thì chắc chắn con sẽ cố gắng đạt được mới thôi. Nếu bé không nhận được câu trả lời thỏa đáng, bé sẽ tìm đến người khác để hỏi. Khi đó, nếu bé tìm đến những người kém hiểu biết thì bé sẽ nhận được nguồn tin sai lệch.
Cụm từ chính xác nên nói: “Bố/mẹ chưa trả lời con lúc này được. Bố mẹ cần chút thời gian để tìm hiểu. Cho bố mẹ nợ câu hỏi này nhé”.
Trả lời sao cho khéo và thỏa mãn được trí tò mò của trẻ là điều không phải ai cũng có thể làm được. Nếu con hỏi, hãy cố gắng trả lời con. Nếu câu nào quá hóc quá, bố mẹ nên hẹn trả lời con khi khác, nhưng chắc chắn là phải trả lời. Bằng cách đó, bố mẹ sẽ trở thành những người đáng tin cậy trong mắt trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *