Các lần xét nghiệm quan trọng nhất trong thai kỳ

Xét nghiệm khi mang thai rất quan trọng. Mẹ bầu hoàn toàn theo dõi được sự phát triển của thai nhi cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân. Từ đó sẽ có những hướng điều trị cụ thể nếu xuất hiện những nguy cơ bất lợi xảy ra. Dưới đây là các lần xét nghiệm quan trọng nhất trong thai kỳ và lý do tại sao bạn cần phải thực hiện chúng.

 

Tầm quan trọng của các lần xét nghiệm khi mang thai

Khi mang thai, việc tiến hành các xét nghiệm đã trở thành một phần cốt lõi của việc quản lý sức khỏe. Xét nghiệm trong thai kỳ không chỉ là việc làm định kỳ mà còn là việc mang tính quyết định trong việc duy trì sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện xét nghiệm trong 9 tháng của thai kỳ được chia thành 3 giai đoạn quan trọng: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Những xét nghiệm này đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các vấn đề sức khỏe có thể gây ra nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.
Hiện nay, có hai dạng chính của các xét nghiệm dành cho phụ nữ mang thai: xét nghiệm tầm soát và xét nghiệm chẩn đoán.

Các lần xét nghiệm quan trọng mà mẹ bầu cần nhớ 

1. Xét nghiệm trước khi thụ thai – Sàng lọc di truyền

Việc khám sàng lọc sẽ thực hiện trước khi bắt đầu mang thai. Khám sàng lọc di truyền nhằm phát hiện xem cha mẹ có mắc một số rối loạn di truyền nghiêm trọng hay không. Vì mặc dù cha mẹ không mắc bệnh thì không có nghĩa là họ không mang một loại gen bệnh có thể lây truyền cho con cái của mình.
Các sàng lọc được thực hiện thông qua xét nghiệm nước bọt hoặc máu.

2. Lần hẹn đầu tiên – Kiểm tra miễn dịch Rubella

Rubella là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus thuộc nhóm Rubivirus. Rubella còn được gọi là bệnh Sởi Đức hay sởi 3 ngày, vì đặc trưng của bệnh phát ban 3 ngày sẽ hết. Virus Rubella có thể khiến thai chết lưu, sẩy thai, sinh non, trẻ mang dị tật bẩm sinh. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm khi người mẹ mang thai trong 13 tuần lễ đầu.
Virus gây bệnh có thể truyền qua nhau đến thai nhi gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Bệnh gây ra các dị tật bẩm sinh như: mắt (đục thủy tinh thể), tai (điếc), tim mạch, não (tật đầu nhỏ), viêm màng não… Độ trầm trọng sẽ tùy thuộc vào độ tuổi thai nhiễm virus, có thể chiếm đến 90% nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kì.

 

Các lần xét nghiệm quan trọng các mẹ bầu phải biết
Mẹ bầu nên cân nhắc và có lựa chọn sáng suốt khi làm những xét nghiệm trong thai kỳ. (Ảnh minh họa)
Vacxin ngừa rubella được chế tạo từ virus gây bệnh Rubella sống. Vacxin này có tác dụng làm giảm độc lực. Do đó, để an toàn, thai phụ không nên tiêm ngừa Rubella khi mang thai. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường được khuyên dùng biện pháp tránh thai trong 3 tháng sau khi tiêm, hoặc ít nhất 1 tháng sau tiêm ngừa vắc xin này. Phụ nữ chuẩn bị có thai nên kiểm tra tình trạng miễn dịch của bệnh. Nếu chưa được miễn dịch thì nên đi chích ngừa.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai chưa có miễn dịch nên tránh tiếp xúc với người bệnh rubella. Nếu lỡ tiếp xúc thì nên đi khám bệnh để các bác sĩ cân nhắc và xử trí đúng đắn nhất nhé.

3. 10 tuần – Kiểm tra CVS

Lông nhung màng đệm sẽ phát triển sớm hơn so với nước ối. Việc kiểm tra mẫu lông nhung màng đệm có thể cung cấp thông tin có giá trị về gene và nhiễm sắc thể trước khi chọc dò ối. CVS chính là phương pháp lấy mẫu nhung màng đệm.
Trong sản khoa, CVS có mục đích phát hiện sớm các bất thường của thai nhi. Cách này được chỉ định cho những trường hợp có nguy cơ thai dị tật cao như người mẹ trên 35 tuổi hoặc có tiền sử rối loạn gene, sinh con không bình thường.
Đây là một phương pháp được áp dụng trong giai đoạn đầu thai kỳ (thường là từ tuần thứ 10 – 12 của thai kỳ). CVS được thực hiện dưới sự kiểm soát của siêu âm, trước khi các túi ối hoàn toàn lấp đầy khoang tử cung.
Các thiết bị có thể được đưa qua cổ tử cung hoặc bụng của người mẹ (như chọc dò ối) để lấy mẫu xét nghiệm. Một dụng cụ giống như mỏ vịt được đưa vào cổ tử cung, trên khoang tử cung và sau đó vào các cạnh bên ngoài của nhau thai. Một lượng nhỏ mô lông nhung màng đệm sau đó được lấy ra phân tích.
Làm CVS đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại và đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Nếu không đủ những yêu cầu trên, thai nhi rất dễ mắc phải các dị tật. Vì thế các mẹ nằm trong nhóm chỉ định cần lựa chọn cơ sở y tế kỹ càng để tránh gặp phải những hậu quả đáng tiếc.

4. Khi thai được 16 tuần – Chọc dò nước ối

Chọc ối là thử nghiệm chẩn đoán phổ biến nhất của hầu hết thai phụ. Vì nước ối chứa các tế bào từ da của em bé và các cơ quan trong tử cung của mẹ. Đây là phương pháp sử dụng để chẩn đoán giới tính thai nhi, chuẩn đoán một số bệnh di truyền như Down… Phương pháp này được thực hiện khoảng giữa tuần thứ 16 đến 20 để phát hiện các bất thường nhiễm sắc thể.
Những phụ nữ mang thai trong trường hợp sau đây thì nên được tiến hành chọc dò ối:
  • 35 tuổi trở lên tính tới thời điểm chuyển dạ (bất thường nhiễm sắc thể sẽ tăng lên theo tuổi của người mẹ).
  • Tiền sử có thai hoặc sinh con khuyết tật.
  • Có người trong gia đình bị dị tật bẩm sinh.
  • Kết quả siêu âm hoặc có xét nghiệm di truyền bất thường kể từ khi mang thai.
Bác sĩ sẽ dùng cây kim nhỏ đâm xuyên qua da bụng để rút ra một lượng nước ối nhỏ (khoảng 14g) mà không cần phải gây tê cục bộ. Nước này sẽ được quay ly tâm để tách riêng các tế bào ra, sau đó đem cấy các tế bào này trong thời gian từ 2,5 – 5 tuần. Việc này giúp sàng lọc nguy cơ Down của bé dễ dàng nhất so với các phương pháp khác.

5. Khi thai được 20 tuần – Sàng lọc AFP

Xét nghiệm AFP thường ít khi được tiến hành một mình. Nó là một trong số bộ ba của xét nghiệm Triple test. Có ba chất được sử dụng trong xét nghiệm này là AFP, hCG và Estriol. Xét nghiệm AFP thường được thực hiện từ tuần thứ 15 đến 20 của thai kỳ.
Alpha-fetoprotein (AFP) là một chất của thai nhi và được tìm thấy trong nước ối, máu thai nhi và máu của người mẹ. Mức độ bất thường của AFP có thể chỉ ra một khiếm khuyết về ống thần kinh, thai nhi mắc bệnh hội chứng Down, thiểu ối ở người mẹ hay chỉ ra các biến chứng trong thời kỳ mang thai (như tăng nguy cơ thai chết lưu).
Khi có kết quả AFP bất thường, thai phụ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm trong thai kỳ là chọc dò ối, hoặc sinh thiết gai nhau. Tuy nhiên, để ước tính chính xác mức độ nguy cơ phải kết hợp kết quả xét nghiệm ba chất trên. Kết quả AFP cũng bị ảnh hưởng bởi tuổi của người mẹ, chủng tộc, cân nặng, chiều cao, tiền sử bản thân người mẹ như tiểu đường, hút thuốc, một thai hay song thai, tuổi thai…

6. Khi thai được 28 tuần – Kiểm tra Glucose

Phụ nữ trên 25 tuổi nên được test glucose và tiểu đường thai kỳ giữa tuần 25 và 28. Một đồ uống có đường nhưng không có ga được trao cho người mẹ để uống trước khi làm xét nghiệm. Thai phụ có thể được làm xét nghiệm máu trong vòng 1 tiếng sau khi uống xong. 
Những người mẹ với lượng glucose cao sau các xét nghiệm sàng lọc sẽ được thử nghiệm dung nạp glucose. Các mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm và chờ đợi 1-2 ngày để biết kết quả. Nếu mức độ đường cao, người mẹ cần được theo dõi cẩn thận. Trường hợp mức độ đường quá cao, tiêm insulin là cần thiết.
Thai nhi do người mẹ mắc tiểu đường không được kiểm soát có thể bị quá cân, sinh non, tật bẩm sinh và các biến chứng nghiêm trọng do áp lực máu. Việc bé sơ sinh nặng cân là khó khăn đối với cả mẹ và bé. 
“Hầu hết phụ nữ phát triển bệnh tiểu đường khi mang thai, lượng đường trong máu sẽ quay lại mức bình thường trong vòng vài ngày sau sinh” – theo tiến sĩ Jame Proulx (bác sĩ sản khoa tại bệnh viện William). Tuy nhiên, vẫn có một số phụ nữ phát triển bệnh tiểu đường sau sinh. Vậy nên thai phụ cần được kiểm tra định kỳ cho tình trạng này sau đó.
Các lần xét nghiệm quan trọng mẹ bầu nên nhớ
Hãy kiểm tra glucoso khi thai được 28 tuần

7. 36 tuần – Strep nhóm B

Liên cầu nhóm B (GBS) là một loại nhiễm trùng do vi khuẩn có thể được tìm thấy trong âm đạo hoặc trực tràng của một phụ nữ mang thai. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh (CDC) đã đề nghị tất cả các phụ nữ mang thai nên kiểm tra strep B cho âm đạo thường xuyên. Kiểm tra này được thực hiện giữa tuần 35 – 37 của thai kỳ. Học viện Nhi khoa Mỹ cũng khuyến cáo tất cả phụ nữ có yếu tố nguy cơ trước khi được sàng lọc GBS cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh IV cho đến khi tình trạng GBS của họ được kiểm soát.
Không phải tất cả các em bé được sinh ra từ một người mẹ kiểm tra dương tính với GBS sẽ bị bệnh. Mặc dù GBS là hiếm khi xảy ra ở phụ nữ mang thai nhưng kết quả sẽ nghiêm trọng nếu mắc phải. Do đó các bác sĩ khuyến nghị các thai phụ coi xét nghiệm GBS như là một phần của thói quen chăm sóc trước sinh.
Trên đây là tổng hợp các lần xét nghiệm quan trọng mà mẹ bầu nhất định phải nhớ để có thể theo dõi sát nhất tình trạng của thai nhi. Hy vọng những thông tin trên sẽ giải đáp được nỗi băn khoăn của các mẹ mang thai lần đầu. Các mẹ có thể ghé Cẩm nang BiBo Mart để có thêm nhiều kiến thức hay về chăm sóc sức khoẻ cho bé cũng như cho chính mình nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *