9 sai lầm bố mẹ nên tránh làm khi phát hiện con nói dối

Chúng tôi biết những lí do khiến cho trẻ em nói dối và đây là những điều mà mỗi bậc phụ huynh cần bình tĩnh, tránh phạm phải khi phát hiện ra trẻ nói dối.
Hầu như ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần nói dối trong đời. Chúng ta có thể gặp những kẻ ba hoa, khoác lác hoặc nói dối hàng ngày. Nhưng liệu điều gì sẽ xảy ra nếu như người nói dối là đứa con mà ta thương yêu?
Đừng quá căng thẳng và lo lắng, chúng tôi biết những lí do khiến cho trẻ em nói dối và thật sự là chúng cảm thấy rất có lỗi khi quyết định nói dối bố mẹ. Và đây là những điều mà mỗi bậc phụ huynh cần bình tĩnh, tránh phạm phải khi phát hiện ra trẻ nói dối:
9. Bởi trẻ biết hậu quả khi nói thật
Rất thường tình, trẻ con nào cũng biết nếu mình thú nhận tất cả sự thật, rất có thể sẽ bị bố mẹ trừng phạt. Do đó, bạn đừng tỏ ra quá nghiêm khắc mà hãy nhẹ nhàng và khuyến khích con nói ra sự thật, xử sự hợp tình hợp lý, tránh lạm dụng hình phạt khiến trẻ sợ hãi.
8. Trẻ không muốn làm bố mẹ buồn
Bé rất yêu bạn và dĩ nhiên không muốn bạn buồn vì chúng. Nếu biết được sự thật, phản ứng thất vọng của bạn sẽ làm trẻ thấy khó xử, do đó chúng nghĩ rằng thà nói dối một chút mà bố mẹ sẽ đỡ bị tổn thương hơn.
7. Trẻ nhầm lẫn giữa nói dối và sự tưởng tượng
Đôi khi trẻ dễ nhầm lẫn giữa mong muốn với thực tế: trẻ có thể đi kể với mọi người rằng mình được đi chơi ở nước ngoài vui như thế nào hoặc bé có một em gái rất đáng yêu ra sao (trong khi thực tế đó là những gì trẻ tưởng tượng). Đó hẳn là những lời nói dối vô hại và rất đáng yêu bởi vì trẻ khao khát những điều đó, nó sẽ dần biến mất khi trẻ lớn lên nên bạn không cần quá lo lắng.
6. Trẻ lựa chọn nói dối vì không nhớ
Có những tình huống đặc biệt mà trẻ nói dối và hoàn toàn tin vào điều đó, điều này có thể giải thích rằng vì trẻ quên những trò “láu cá” đó do mình gây ra và tác hại phía sau của chúng. Bạn hãy kiên nhẫn giải thích cho con hiểu những hành động đó xuất phát từ đâu và người làm sai cần phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
5. Trẻ nghĩ rằng nói dối là phép lịch sự
Đôi khi trẻ con cho rằng nếu mình nói ra suy nghĩ thật sự thì có thể khiến người khác không vui, cũng như kém lịch sự. Do đó trẻ có thể giả vờ thích món quà bạn tặng chúng nhân ngày sinh nhật mà thật sự trong đầu chúng đang rất thất vọng về điều này.
4. Vì chúng ta luôn lập trình sẵn câu trả lời cho trẻ
Bố mẹ thường hay hỏi con mình một câu hỏi nào đó và mong đợi câu trả lời duy nhất. Ví dụ: bạn hỏi “Thức ăn hôm nay có ngon không con?” và trẻ sẽ nói “Dạ ngon ạ” – trong khi rõ ràng bạn có thể nhìn thấy nét mặt chán ngán của con với toàn bộ thức ăn trên đĩa.
Trong những trường hợp như vậy, nếu không muốn tập cho con nói dối, tốt hơn hết bạn hãy hỏi rằng: “Hôm nay con muốn ăn gì nào?”, như vậy mọi vấn đề đã được giải quyết.
3. Trẻ sợ mình bị biến thành “người xấu”
Lí do khiến cho trẻ lựa chọn nói dối vì trẻ em thường tin vào những câu chuyện cổ tích, rằng chỉ có những kẻ phản diện mới làm những điều sai trái. Vì thế, trẻ nghĩ rằng nếu như nói ra sự thật thì sẽ không còn là một đứa bé ngoan ngoãn, đáng yêu trong mắt mọi người nữa, mà bị biến thành một người xấu bị mọi người xa lánh.
Hãy nói cho con hiểu rằng người tốt cũng chỉ là người bình thường, cũng sẽ có những lúc phạm phải sai lầm. Bố mẹ cũng thế và con cũng sẽ có lúc phạm lỗi. Học cách nhận sai và đối diện với lỗi lầm của mình mới là một đứa bé ngoan.
2. Người lớn cũng nói dối
Trẻ có xu hướng học theo tất cả những gì người lớn làm. Sống trong môi trường mà xung quanh toàn những người thích nói dối thì làm sao trẻ có thể nói thật?
Giải pháp cho cả người lớn và trẻ em trong trường hợp này rất đơn giản: bạn chỉ cần thành thật với chính mình và trở thành tấm gương tốt cho con noi theo.
1. Trẻ tự ti vào bản thân mình
Nếu bạn lúc nào cũng xem thường con mình, cho rằng chúng ngốc nghếch, hay la hét mỗi khi con làm sai và đổ mọi lỗi lầm lên đầu chúng, thì càng khiến cho trẻ tin rằng mình đúng là người vô dụng. Trẻ sẽ không còn muốn tiếp thu những gì là tốt và đúng, kể cả việc nói sự thật.
Làm cha mẹ là một công việc không hề dễ dàng, hãy cố gắng giao tiếp với con thật nhiều bằng cách làm bạn thân của con, giải thích và phân tích cho trẻ hiểu rằng người làm sai không phải là kẻ tội đồ. Mọi lỗi lầm đều có thể được tha thứ, miễn là chúng ta biết cách sửa sai từ những sai lầm đó và quan trọng là phải biết thú nhận sự thật cũng như đối diện với những gì mình đã làm.
Nguồn: Brightside

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *