Sau sinh, cơ thể mẹ bỉm chưa thể hồi phục nhanh chóng đã phải cung cấp sữa nuôi bé. Vì thế việc bồi bổ dưỡng chất cho người mẹ là điều hết sức cần thiết. Vậy chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh cần có gì để mẹ đủ chất, lợi sữa? Cùng chuyên gia Bibo Care tìm hiểu trong bài viết dưới đây mẹ nhé!
1. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh
1.1. Về các nhóm chất:
Nhu cầu năng lượng của mẹ sau sinh là từ khoảng 2.200-2.800 kcal/ngày tùy thể trạng. Phụ nữ sau sinh cần ăn uống nhiều chất để dinh dưỡng cân đối, hợp lý; từ đó mau chóng phục hồi sức lực, có đủ sữa cho con bú.
– Chất đạm: Mẹ nên ăn thịt nạc (heo, gà, bò, tôm), tránh thịt nhiều mỡ; ăn nhiều loại đậu như đậu nành, đậu phộng, đậu đen, đậu đỏ, đậu hà lan; nên tăng cường sữa bò, trứng gà, sữa chua, sữa đậu nành…
– Chất béo: Mẹ nên dùng dầu thực vật, ít mỡ động vật. Hạn chế ăn đồ chiên rán, đồ ăn nhanh.
– Chất bột đường: Mẹ nên thường xuyên ăn cơm, cháo, mì sợi, phở… Hạn chế ăn bún và các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, kem lạnh…
– Chất xơ, vitamin: Ăn nhiều loại rau có lá xanh đậm như rau ngót, rau dền, mồng tơi; các loại củ quả có màu cam, đỏ như bí đỏ, cà rốt, khoai lang. Các loại rau này cung cấp nhiều vitamin, chất xơ, phòng chống táo bón rất tốt. Ngoài ra, chúng còn rất giàu betacaroten, giúp cung cấp vitamin A cho cả mẹ và bé.
– Khoáng chất: Bổ sung các loại thực phẩm giàu khoáng chất như lòng đỏ trứng gà, vịt, tim cật heo, cá, mực, tôm, thịt bồ câu, đậu hũ, mè, rau đay, đậu đen, đậu trắng, hạt sen, đậu hà lan, súp lơ xanh, cải xanh…
– Trái cây: Nên ăn nhiều loại trái cây để bổ sung nguồn vitamin C, các chất khoáng, hoạt chất dinh dưỡng khác nhau như nho, cam, táo, chuối, đu đủ, lê, bơ, mít, vải… Tuy nhiên, các loại trái cây nên được cắt nhỏ, nhai kỹ (để làm ấm trong miệng) trước khi nuốt.
1.2. Về cách chế biến thực phẩm:
Cách chế biến món rau: Với rau thì mẹ nên hấp, luộc ít nước, nấu canh. Cần nấu nhanh để giảm sự thất thoát các vitamin và chất xơ. Khi ăn cũng cần nhai kỹ cho dễ tiêu. Không nên dùng các món chiên xào nhiều dầu mỡ để tránh khó tiêu.
Cách chế biến thịt: Thịt, cá, tôm nên kho mềm cho dễ ăn, dễ tiêu. Khi nấu thì nêm ít gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi, gừng… Không nên nêm gia vị quá mặn hoặc quá nhạt.
Mẹ nên ăn khi thức ăn còn nóng ấm (40-50 độ C). Tránh ăn các thức ăn sống, quá nhiều chất chua như chanh, quýt,… Mẹ cũng cần hạn chế thức ăn có tính hàn như nghêu, sò, ốc, hến, bí đao, dưa leo, khổ qua, dưa hấu, nước dừa vì dễ sinh lạnh bụng, đầy hơi, khó tiêu.
Nên uống nhiều nước (2,5-3 lít/ngày) gồm sữa, nước trái cây, nước sôi để nguội, nước khoáng, canh, trà thảo mộc,… Tuy nhiên, cần hạn chế ăn canh rau vào buổi chiều tối để tránh đi tiểu nhiều lần vào ban đêm.
2. Một số thực phẩm lợi sữa mẹ nên ăn
Trong Đông Y, có một số món ăn được khuyến khích dùng cho sản phụ sau sinh để kích thích tuyến sữa như:
– Móng giò heo: Gọi là trư đề, có vị mặn ngọt, tính bình, tác dụng bổ huyết thông sữa. Rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh bị thiếu sữa.
– Gạo nếp: Gọi là nhu mễ, có vị ngọt, tính ấm, tác dụng làm mạnh tỳ vị, làm mạnh phổi, dễ tiêu hoá, rất tốt cho sản phụ thiếu sữa.
– Thịt cá mực: Gọi là ô tặc ngư nhục, có vị ngọt mặn, tính bình, tác dụng bổ trung ích khí, nhiều chất dinh dưỡng có ích cho sản phụ.
Nếu sản phụ có sữa nhưng bị tắc, sữa không xuống, bầu vú đau nhức, bạn nên dùng rau bợ nước (còn gọi là cỏ bợ) hay lá cây bồ công anh (còn gọi là mũi mác, diếp dại) rửa thật sạch, giã nát, đắp lên vú.
3. Mẹ sau sinh cần lưu ý:
– Trong sinh hoạt hàng ngày, nên tránh nắng nóng hoặc gió lạnh. Chỗ ở nên thoáng mát, dễ chịu, không bị ảnh hưởng của khói bụi, mùi hôi, tiếng ồn.
– Giữ tinh thần thanh thản, không lo lắng, buồn phiền.
– Thường xuyên xoa ấm vùng bụng quanh rốn (xoa quanh rốn theo chiều kim đồng hồ, ngày xoa 2 lần, mỗi lần 40–50 vòng, cách bữa ăn khoảng 2 giờ).
– Vận động và xoa bóp tay, chân với liều lượng thích hợp, vừa phải để giúp khí huyết lưu thông, giúp ăn ngủ tốt hơn.
Nguồn: Vnexpress