Việc mang thai và sinh con là vấn đề cần có sự chuẩn bị chu đáo. Một trong số những vấn đề mà không ít cha mẹ luôn đau đáu chính là khoảng cách thời gian giữa các lần sinh nở như thế nào mới là lý tưởng. Vậy nên sinh con cách nhau mấy năm? Hãy để chuyên gia Bibo Care giải đáp cho mẹ trong bài viết dưới đây!
1. Sinh con quá dày hay quá thưa có tác hại gì?
Nếu sinh con quá dày:
Nhiều bậc cha mẹ có tư duy sinh con gần nhau để tiện chăm sóc các bé. Các bé cùng lớn lên sẽ giúp cha mẹ có thể yên tâm làm việc, công tác sau này. Chưa kể, các con gần bằng tuổi nhau sẽ dễ gắn bó, thân thiết. Mặt khác, có nhiều gia đình đẻ dày là do vợ chồng vỡ kế hoạch. Em bé sau đến vì bố mẹ chưa quan hệ an toàn.
Tuy nhiên, sinh con quá dày sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và bé. Cả thể chất lẫn tinh thần của mẹ con đều sẽ chịu áp lực như:
- Khi vừa mới sinh con, cơ thể người mẹ chưa hoàn toàn phục hồi. Những tổn thương sau quá trình sinh nở chưa thể tạo môi trường tốt nhất cho lần thụ thai tiếp theo. Sức khỏe của mẹ sẽ dần chuyển biến xấu về sau.
- Mẹ thường xuyên căng thẳng, dễ stress. Mẹ sẽ vô cùng vất vả trong việc vừa nuôi dạy, chăm sóc em bé, vừa đối diện với những mệt mỏi trong quá trình mang thai.
- Nếu mẹ mang thai khi còn cho con bú, nguy cơ sảy thai sẽ rất cao. Lý do là vì Oxytocin tiết ra trong quá trình bú mẹ sẽ gây co bóp tử cung. Điều này đe dọa đến tính mạng của thai nhi.
- Các bé đầu bị thiếu chất do phải dùng sữa công thức từ sớm. Nhiều mẹ có sức khỏe sinh sản yếu nếu mang thai thì cần ngưng cho bé bú ngay để tránh sảy thai. Lúc này, sữa ngoài sẽ là nguồn dinh dưỡng chính cho bé. Bé bú sữa công thức sẽ không thể nhận đủ dưỡng chất và kháng thể như sữa mẹ.
Nếu sinh con quá thưa:
Ngược lại, nhiều bố mẹ chọn sinh con thưa để giảm bớt gánh nặng kinh tế và chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý. Sinh con cách nhau xa sẽ gúp mẹ không cần tất bật chăm sóc cả 2 bé. Mẹ có nhiều thời gian cho bản thân hơn. Trẻ lớn hơn đã có nhận thức, biết giúp đỡ mẹ và tự làm những việc đơn giản như vệ sinh cá nhân, ăn uống,…
Dù vậy, sinh con quá thưa cũng có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến mẹ và các bé. Đặc biệt là ở tâm lý và cách chăm sóc con của mẹ khiến bé lớn hơn cảm thấy bị bỏ rơi, ra rìa. Về lâu dài, điều này sẽ làm giảm sự gần gũi giữa các bé. Chưa kể, nếu lần mang thai sau xảy ra khi mẹ đã hơn 30 tuổi sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
2. Nên sinh con cách nhau mấy năm thì hợp lý?
2.1. Sinh con cách nhau 2 năm
Từ 20 – 30 tháng là khoảng thời gian hợp lý đủ cho mẹ phục hồi sức khỏe cho lần sinh tiếp theo. Bạn cũng sẽ tiết kiệm được không ít chi phí; vì có thể sử dụng lại hầu hết các vật dụng trẻ em của bé đầu cho bé thứ hai. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Notre Dame, khoảng cách tuổi 2 năm tạo điều kiện thuận lợi cho bé lớn học tốt môn toán và tập đọc.
Tuy vậy, 2 năm cũng là khoảng thời gian mà con lớn phát triển tính cách và hình thành những nhận thức ban đầu. Điều này dễ dẫn đến khả năng bé sẽ ghen tị khi thấy mẹ chăm sóc em nhỏ hơn. Những trẻ nhạy cảm có thể khóc lóc ầm ĩ, tủi thân khi phải san sẻ tình cảm với em.
2.2. Sinh con cách nhau 3 năm
Ở độ tuổi này, bé lớn đã tương đối độc lập. Do đó bé sẽ không đòi hỏi mẹ phải chăm nom suốt cả ngày. Bé cũng biết thấu hiểu, thông cảm hơn với sự mang thai của mẹ. Nhiều bé còn thích thú với cảm giác sắp được làm anh, làm chị. Không những thế, ở độ tuổi lên 3, bé còn có thể giúp mẹ những việc nhỏ như lấy bình sữa hoặc ngồi chơi với em bé.
2.3. Sinh con cách nhau 4 – 5 năm
Đây là sự lựa chọn của những gia đình muốn dành nhiều thời gian nhất có thể cho mỗi đứa trẻ. Bé lớn lúc này đã vững vàng hơn, có thể trở thành một “trợ thủ đắc lực” giúp cha mẹ để mắt tới em bé. Vì thế, cha mẹ sẽ không bị nhiều căng thẳng và mệt mỏi như khi phải chăm sóc hai con nhỏ sát tuổi nhau. Đồng thời, khoảng cách này cũng tạo cơ hội cho cha mẹ phát triển kinh tế gia đình và thực hiện những kế hoạch cuộc sống khác.
Mỗi gia đình đều có những lý do riêng trong việc lựa chọn khoảng cách giữa hai lần sinh. Cho dù khoảng thời gian ấy là bao lâu đi nữa, hãy chắc chắn rằng cơ thể của mẹ đã hồi phục hoàn toàn. Hãy đảm bảo cả bố mẹ đều sẵn sàng tinh thần và sức khỏe để chăm sóc và nuôi nấng cả 2 bé nhé!
Nguồn: Afamily