Những thay đổi trong tâm lý mẹ bầu phổ biến và 5 cách giải quyết

Tâm lý người mẹ khi mang thai khá bất ổn trong suốt các thời kỳ tam cá nguyệt. Vào từng giai đoạn, tâm lý mẹ bầu lại trải qua những trạng thái vui-buồn khác nhau. Cùng tìm hiểu về những biến đổi trong trạng thái tinh thần của bà bầu với bài viết dưới đây của chuyên gia Bibo Care nhé!

 

1. Tâm lý mẹ bầu khi mang thai

1.1. Nguyên nhân mẹ thay đổi tâm lý khi mang thai

Đa số phụ nữ khi làm mẹ sẽ không lường trước được những bất ổn tâm lý diễn ra trong suốt thai kỳ. Đặc biệt trong khoảng 3 tháng đầu, mẹ có thể bị ốm nghén nên có cảm giác mệt mỏi kéo dài. Nhiều mẹ có thể bị buồn nôn, nôn mửa, thèm ăn vô cớ, khó chịu trong người, dễ quên, cáu gắt… Hầu hết sự khó chịu này đều đến từ sự thay đổi sinh lý, khi nồng độ các hooc-mon bên trong cơ thể thay đổi.

1.2. Những thay đổi tâm lý thường gặp trong thai kỳ

Tâm lý mẹ bầu có thể biến đổi khá rõ rệt qua từng giai đoạn mang thai. Hầu hết mẹ sẽ cảm thấy nhạy cảm và thường xuyên suy nghĩ quá xa. Đặc biệt, bản năng làm mẹ sẽ luôn thúc đẩy bạn tìm cách lắng nghe, cảm nhận và tìm hiểu về em bé trong cả thai kỳ. Dù ban đầu mẹ chưa có ý định sinh em bé, nhưng sự kết nối với sinh linh trong bụng có thể khiến mẹ cảm thấy gần gũi.

Tuần đầu mang thai:

Người mẹ thường có tâm lý vui mừng, bất ngờ và hồi hộp khi phát hiện mình mới có em bé. Tuy nhiên, nhiều mẹ lại có tâm trạng ngờ vực, lo sợ. Những tình cảm lẫn lộn có thể thay đổi liên tục trong suốt những ngày đầu phát hiện tin vui.

Trong 3 tháng đầu:

Do bị ốm nghén, nhiều thai phụ cảm thấy mệt mỏi, khó tính, cáu kỉnh và dễ quên. Những thay đổi về nội tiết tố khiến mẹ nhạy cảm và dễ xúc động hơn hẳn. Mẹ có thể có những suy nghĩ tiêu cực về sự an toàn của thai nhi, nuối tiếc những dự định dang dở; thậm chí còn ghen tuông vô lý.

Từ tháng thứ 4-6:

Thai nhi mỗi ngày một lớn và nồng độ hooc-mon Oxytocin tăng tiết ngày một nhiều. Đây là loại hooc-mon tăng tình cảm mẹ con. Người mẹ bắt đầu phát sinh những tình cảm đặc biệt với em bé, với những người thân xung quanh.

3 tháng cuối thai kỳ:

Người mẹ cảm thấy nặng nề và lo lắng về kỳ sinh sắp tới. Nhiều phụ nữ có thể phát sinh tâm lý buồn chán, cô đơn. Cơ thể nặng nề cũng khiến mẹ lo lắng về vóc dáng, nhan sắc sau sinh. Tuy nhiên mẹ cũng sẽ rất háo hức chờ đón ngày em bé ra đời.

Tâm lý mẹ bầu khi mang thai
Tâm lý mẹ bầu có thể thay đổi liên tục trong suốt thời gian mang thai

2. Lời khuyên cho bà bầu khi đang gặp trở ngại tâm lý

2.1. Sinh hoạt lành mạnh, bồi bổ cơ thể

Hãy làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý, không nên làm việc nặng và quá sức. Mẹ cần lưu ý để cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc. Chế độ sinh hoạt khoa học sẽ giúp cơ thể mẹ luôn tràn trề sức lực; hạn chế cảm giác mệt mỏi khi mang thai; giúp thai nhi phát triển ổn định.

Mẹ cần chú ý cẩn trọng trong ăn uống. Có thể phân chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày để đảm bảo không có lúc nào bị đói. Thực đơn của bà mẹ mang thai nên đầy đủ các nhóm chất chính, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Có thể thay thế các món ăn vặt thành các loại đồ ăn lành mạnh như sữa chua, hạt, ngũ cốc,…

Mẹ cũng có thể thường xuyên tập luyện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như tập yoga, đi bộ. Các bài tập này vừa giúp thai phụ giữ vóc dáng, vừa giảm các cơn đau thường gặp khi mang thai, lại vừa giúp tinh thần được thoải mái.

>>> Xem thêm: Mẹ mang thai không nên ăn gì? 11 loại thực phẩm mẹ bầu cần tránh

2.2. Tâm sự để được chia sẻ

Hãy tâm sự những điều làm bạn sợ hãi và lo lắng với bất cứ ai bạn tin tưởng. Đó có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp,.. đã từng mang thai và sinh con. Nhất là người bạn đời của bạn. Họ có thể không hiểu hết những cảm xúc mà bạn phải trải qua trong quá trình mang thai. Việc bày tỏ những điều bạn suy nghĩ sẽ giúp họ thấu hiểu, cảm thông và sẵn sàng đồng hành cùng bạn. Nếu cứ giữ những cảm xúc tiêu cực trong lòng, em bé của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng đấy!

2.3. Nghỉ ngơi và thư giãn

Thai phụ nên nghe, đọc, xem những loại phim ảnh, sách báo tích cực, vui tươi, trong sáng. Mẹ cũng có thể làm những điều mình yêu thích trong thời gian dưỡng thai như đan len, nấu ăn, đi dạo,… Những hoạt động này có lợi cho việc điều hòa cảm xúc, nâng cao sức khỏe cho cả mẹ và bé. Ngoài ra, việc nghỉ ngơi và ngủ đủ cũng giúp tâm trạng tốt hơn, thoải mái hơn.

2.4. Giữ suy nghĩ tích cực

Thai nhi không thể nhìn thấy nụ cười của mẹ, thế nhưng lại hoàn toàn có thể cảm nhận được niềm vui hay nỗi buồn của mẹ. Vì thế, khi mẹ vui vẻ sẽ kích thích đại não hưng phấn; huyết áp, mạch đập, hít thở, dịch tiêu hóa ở trạng thái cân bằng. Điều này vừa có lợi cho sức khỏe của mẹ, vừa cải thiện lượng máu đưa đến phôi thai, giúp thai nhi phát triển tốt.

2.5. Chủ động khắc phục tinh thần không ổn định

Mang thai, sự thay đổi trong hoocmon sẽ làm cho trạng thái tinh thần của người mẹ không ổn định, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ. Thời gian này rất quan trọng vì các cơ quan trong cơ thể trẻ đang hình thành. Do vậy, nếu trong thời gian này tinh thần người mẹ không tốt sẽ dễ gây nên sự dị thường của thai nhi. Mẹ có thể tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia và bác sĩ tâm lý nếu thấy cần thiết. Những thông tin từ việc thăm khám sẽ giúp mẹ có biện pháp khắc phục tâm lý không ổn định của mình để giúp trẻ phát triển tốt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục