Trước những lời đồn về việc ba mẹ mà cho bé ăn đậu nành sẽ dẫn đến tình trạng yếu sinh lý hay vô sinh khiến nhiều bà mẹ hoang mang, lo lắng, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng đã có câu trả lời chính xác về thực hư câu chuyện này, mời các bố mẹ cùng lắng nghe!
Cho đến nay, vẫn có sự tranh luận rất nhiều về vấn đề: Đậu nành nói chung và sữa đậu nành nói riêng có tốt cho nam giới hay không, đặc biệt là những bé trai. Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng đã đưa ra lời giải thích đánh tan hoài nghi sữa đậu nành không tốt cho nam giới.
Lợi ích đặc biệt dành cho nam giới
Bác sĩ Tường Vi cho biết: “Tháng 5 vừa qua Hội thảo “Dinh dưỡng đậu nành và sức khỏe nam giới” đã diễn ra tại TP.HCM với tham gia của các nhà khoa học của Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Hội thảo đã đưa ra những bằng chứng khoa học khẳng định đậu nành không chỉ không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý của nam giới mà còn mang lại những lợi ích đặc biệt dành cho nam giới”.
Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi
Tại hội thảo, Tiến sĩ Mark Messina (Giám đốc Viện Dinh dưỡng Đậu nành Hoa Kỳ) cho biết, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy không có tác động của đạm đậu nành hay Isoflavones lên nội tiết tố ở nam giới;
TS.BS Chisato Nagata (Đại học Y Khoa Gifu, Nhật Bản) cũng trình bày những nghiên cứu trên 1.600 nam giới Nhật Bản cho thấy, chất lượng tinh trùng của nam giới nước này không có sự khác biệt với nam giới Đan Mạch (một trong những quốc gia có chất lượng cuộc sống cao nhất thế giới).
“Như vậy đậu nành là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất đạm, hàm lượng lysine cao hơn ngũ cốc, có thể bổ sung lượng lysine còn thiếu trong gạo và bột mì. Chất béo trong sữa đậu nành còn rất phong phú, hơn nữa còn chứa nhiều axit béo cần thiết, thích hợp cho quá trình phát triển của trẻ. Do đó, có thể sử dụng sữa đậu nành xen kẽ với sữa bột cho con uống”, bác sĩ Vi khuyến cáo.
Hàm lượng các chất dinh dưỡng
“Sữa đậu nành được làm từ đậu tương có giá trị dinh dưỡng khá cao, cứ 100ml sữa đậu nành (100g đậu/lít) cung cấp 28kcalo, 3,1g chất đạm (protein), 1,6g chất béo, 0,4g gluxit, 18mg canxi, 1,2mg sắt và còn nhiều vitamin và chất khoáng khác”, bác sĩ Tường Vi chỉ ra hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa nậu nành.
Ngoài ra, đạm trong sữa đậu nành cũng chứa đầy đủ các axit amin cần thiết, chất béo trong đậu nành chứa nhiều các axit béo chưa no rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Sữa đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao
Bác sĩ Tường Vi cũng đưa ra lời khuyên dành cho các bà nội trợ cách bảo quản sữa đậu nành: “Sữa đậu nành được nấu sôi tiệt trùng tại nhà hay mua ở ngoài chợ đựng trong chai/túi, nên cất trữ trong tủ lạnh (đặc biệt vào mùa hè) và uống hết lượng sữa trong chai/túi đã mở trong vòng 24 giờ. Với loại sữa đậu nành đựng trong hộp giấy đã được tiệt trùng, khi đã được mở hộp thì buộc phải được bảo quản trong tủ lạnh và dùng hết trong vòng 48 giờ”.
Một số thực phẩm không nên kết hợp với đậu nành
“Khi dùng sữa đậu nành cho trẻ em từ l tuổi đến 5 tuổi chỉ nên thay thế một phần sữa động vật, không nên thay thế hoàn toàn vì khi uống nhiều sữa đậu nành sẽ gây khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy do các chất dinh dưỡng trong đó không được hấp thu hết” bác sĩ Tường Vi cho hay.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng đưa ra những lưu ý đối với việc kết hợp thực phẩm đối với sữa đậu nành:
– Không cho trứng gà vào đun sôi với sữa đậu nành để uống. Bởi chất trypsine của sữa đậu nành kết hợp với protein có tính miễn dịch của trứng gà sẽ sinh ra một chất ảnh hưởng đến sự hấp thụ của cơ thể.
Không cho trứng gà vào đun sôi với sữa đậu nành để uống
– Trước hoặc sau khi uống sữa đậu nành 1 giờ, không nên ăn cam, quýt. Vì chất acid và vitamin trong cam, quýt tác dụng lên các protein trong sữa đậu nành và kết thành khối ở ruột non, làm ảnh hưởng đến tiêu hóa, có thể gây ra đầy bụng, đau bụng hoặc tiêu chảy.
– Tránh uống sữa đậu nành trong khi đang đói. Tốt nhất là uống sữa đậu nành sau bữa ăn sáng 1-2 giờ.
– Không dùng đường đỏ để pha sữa đậu nành vì loại đường này có acid hữu cơ, khi kết hợp với protein trong sữa sẽ sinh ra chất lắng đọng, có hại cho sức khỏe.
– Không đựng sữa trong phích nước nóng vì chất xúc tác của sữa tác dụng lên các chất cáu bẩn trong phích sẽ sinh ra nhiều vi khuẩn, khi uống sữa dễ bị đau bụng, tiêu chảy.
– Sữa đậu nành để lâu rất dễ hỏng.
Theo Eva.vn