Các triệu chứng của hiện tượng “Chết đuối trên cạn” không xuất hiện ngay lập tức mà sau đó nhiều giờ, thậm chí là gần một ngày. Vì vậy có rất nhiều người hoang mang và bối rối khi gặp tình huống này xảy ra. Dưới đây là tất cả những gì cha mẹ cần biết về mối hiểm họa đáng sợ ở hồ bơi này.
Lên bờ nói chuyện, vẫn tử vong
Mới đây, thông tin bé trai người Mỹ 10 tuổi tử vong sau khi đi bơi về đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là những ông bố, bà mẹ có con nhỏ.
Cụ thể, bé trai Johnny khi đi bơi về thấy mệt mỏi, đã nói với mẹ và đi ngủ. Tuy nhiên bà mẹ không biết đó là dấu hiệu nguy hiểm. Sau đó, bà hoảng hốt khi vào đánh thức con thấy bọt trắng tràn đầy mặt Johnny, cậu đang rất khó thở. Bà đưa con đến bệnh viện ngay nhưng vẫn không cứu được cậu bé. Các bác sĩ tại đó cho biết bé mắc hội chứng “secondary drowning”. Chia sẻ với kênh NCB News, Mỹ về trường hợp “chết đuối trên cạn” xảy ra với chính cậu con trai nhỏ Johnny, cô Cassandra Jackson cho biết: “Tôi chưa bao giờ biết rằng, một đứa trẻ có thể đi lại, nói chuyện trong khi phổi của nó bị ngập nước”.
Chuyên gia sức khỏe thể thao ở New York, tiến sĩ Lewis Maharam cho biết hội chứng “chết đuối trên cạn” khiến nhiều trẻ ở Mỹ nhập viện mỗi năm.
“Chết đuối trên cạn” là gì?
“Chết đuối trên cạn” xảy ra khi bé suýt chết đuối nhưng may mắn được cứu, cơ thể tưởng không sao, trở lại bình thường. Nhưng thực chất một lượng nước uống trong lần chết hụt đó vẫn đang tích tụ trong phổi… Chất lỏng này tiếp tục tích tụ trong phổi sau khi nạn nhân được cứu lên và gây ra tình trạng khó thở hoặc không thể thở được. Không giống như chết đuối bình thường, triệu chứng của “chết đuối trên cạn” không xuất hiện ngay lập tức. Nạn nhân vẫn có thể thở được với lượng nước ít trong phổi và nghĩ rằng mình đã loại bỏ hết nước ra khỏi cơ thể.
Trên thực tế, lượng nước đọng trong phổi có thể lấp khoảng trống chứa ôxy của phổi và làm giảm khả năng ôxy hóa máu khi nó đi qua. Tim lúc đầu cũng không bị làm chậm nên nạn nhân vẫn đi bộ và nói chuyện được. Thậm chí trong một số trường hợp, “chết đuối trên cạn” có thể xảy ra 72 giờ sau khi nạn nhân gặp vấn đề. Ngoài việc lấp đầy phổi với chất lỏng, “chết đuối trên cạn” còn khiến cơ thể tiếp xúc với các hóa chất nếu môi trường nước là một hồ bơi hay bồn tắm nước nóng…
Bố mẹ nên làm gì để hạn chế nguy cơ đuối nước ở trẻ?
Tại Mỹ, một khảo sát được thực hiện tại bể bơi với nhiều phụ huynh song phần lớn đều mới nghe lần đầu. Một số bà mẹ còn rất sốc khi biết con em mình có thể đuối nước sau khi đã rời bể bơi gần 1 ngày. Do triệu chứng “chết đuối trên cạn” không biểu hiện ngay lập tức nên nhiều người không biết làm thế nào để nhận biết hoặc phải làm gì nếu nó xảy ra. Đây là lý do việc tuyên truyền về hội chứng này là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần phải tìm hiểu cụ thể chi tiết về cách nhận biết và luôn cảnh giác để tránh những đáng tiếc có thể xảy ra.
1. Cho trẻ học bơi từ bé
Bác sĩ Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, trẻ được làm quen với bộ môn bơi lội từ khi còn rất nhỏ. Đặc biệt đây là bộ môn bắt buộc trong trường học. Trong khi ở Việt Nam, bờ biển khá dài và địa hình rất nhiều ao hồ sông suối nhưng rất nhiều người không hề biết bơi: “Song song với việc học văn hóa, tôi nghĩ các bậc cha mẹ cũng cần chú trọng cho con học các kỹ năng sinh tồn từ nhỏ. Trong đó bơi lội là một bộ môn không thể thiếu” – bác sĩ đưa ra lời khuyên.
2. Có sự giám sát chặt chẽ của người lớn
Nếu không sát sao với trẻ trong suốt quá trình vận động, bố mẹ sẽ không thể nắm rõ được tình hình sức khỏe của con cũng như các biểu hiện bất bình thường để theo dõi hoặc kịp thời xử lý.
3. Lựa chọn những địa chỉ hồ bơi uy tín
Khi quyết định cho trẻ đi bơi, bố mẹ nên chú ý lựa chọn những cơ sở tổ chức dịch vụ bơi lội có uy tín, được cấp phép, đầy đủ điều kiện như có giáo viên dạy bơi hay người bảo vệ, cứu hộ…
Nếu mẹ không an tâm khi cho con ra ngoài bơi thì có thể cho bé bơi tại nhà bằng bể bơi phao, vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí cho con, vừa đảm bảo con trong tầm nhìn của bố mẹ. Mẹ có thể tham khảo một số mẫu bể bơi phao cho bé tại Bibo Mart hoặc đến trực tiếp cửa hàng để được nhân viên tư vấn và hỗ trợ chi tiết hơn.
4. Cho trẻ khởi động kỹ càng trước khi xuống nước
Việc khởi động kỹ trước khi bơi sẽ giúp cơ thể làm quen dần với các vận động mạnh; tăng tiết dịch nhờn trong các khớp, giảm nguy cơ bị bong gân, chuột rút và nhiều rủi ro khác; giảm đau mỏi cơ sau khi bơi… Thời gian bơi cũng không nên quá lâu, tùy theo thể lực của trẻ để cân đối; tránh tình trạng vận động quá sức, gây co rút, mệt cơ; hao tổn năng lượng…
Biểu hiện sớm của chứng “chết đuối trên cạn”
Giải thích về hiện tượng trên, TS. BS Vũ Đức Định (Bệnh viện E, Hà Nội) cho rằng, chỉ một chút nước cũng có thể gây chết đuối thứ cấp. Do đó nếu thấy người đi bơi rơi xuống nước suýt chết đuối; hoặc bị sặc nước, nuốt quá nhiều nước (nhất là trẻ em) thì người thân hãy chú ý quan sát. Nếu trong vòng 1 – 72 giờ mà phát hiện các dấu hiệu:
– Mệt mỏi quá mức sau khi tắm.
– Cảm thấy khó thở sau khi tắm.
– Người ngoài có thể nhận thấy biểu hiện khó chịu, thay đổi tâm trạng đột ngột (cáu gắt, hung hăng không rõ nguyên nhân). Hoặc ho dữ dội, mệt lả một cách bất thường; hành vi bất thường liên quan đến chức năng não (nói lắp, chậm chạp lờ đờ, thiếu nhận thức…) cần đưa đến bệnh viện sớm.
Trong vòng 72 giờ sau khi suýt đuối nước, hoặc bơi về nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, tức ngực, tím, mạch nhanh, khó thở… cần sơ cứu và gọi 115, hoặc đưa đi bệnh viện cấp cứu sớm.
Sơ cứu đuối nước dễ thực hiện
– Khi đưa nạn nhân ra khỏi nước cần vác lên vai, hai chân phía trước, đầu chúc ra sau cho nước trong phổi chảy ra. Làm động tác này chỉ 5 – 10 giây.
– Đặt nạn nhân nằm xuống, kiểm tra mạch còn đập hay không rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhấn cho tim đập lại và khẩn trương gọi người cấp cứu, cứu hộ.
– Nạn nhân chưa tỉnh lại thì không nên dừng hô hấp và hỗ trợ tim. Vì dừng lại và đưa đi cấp cứu là nạn nhân rất có thể bị tử vong. Triệt để giúp bệnh nhân tỉnh lại, ổn định rồi hãy đưa đi cấp cứu. Hoặc vừa đưa đi, vừa tiếp tục sơ cứu để nạn nhân nhanh tỉnh lại.
– Tuyệt đối không nên dốc ngược nạn nhân chạy bởi các hành động này dễ dẫn đến hiện tượng trào ngược, khiến bệnh nhân hít lại những chất trong ruột của mình. Những chất này chính là nguyên nhân gây sặc và tổn thương phổi sau này.
Tổng hợp