Cháo ăn dặm là nguồn thực phẩm chính cho những bé trong thời kỳ tập ăn, từ tháng thứ 6 đến tận 1 tuổi. Do đó, các bậc cha mẹ phải nghiên cứu thật kỹ cách nấu cháo ăn dặm cho bé sao cho vừa thơm ngon; vừa tiết kiệm thời gian; lại vừa cung cấp đầy đủ dinh dưỡng mà con cần. Vậy khi nấu cháo ăn dặm cần tránh những sai lầm nào? Mời mẹ đón đọc ngay bài viết của chuyên gia Bibo Care!
1. Đập trứng sống vào cháo
Trứng được coi là thực phẩm vàng ăn dặm đối với trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi vì chứa nhiều protein. Cháo trứng được nấu cho bé ăn vừa bổ dưỡng lại vừa nhanh gọn. Tuy nhiên, thói quen của nhiều mẹ là khi nồi cháo chín, mẹ mới đập trứng vào và đảo đều lên; sau đó tắt bếp và cho bé ăn ngay. Bởi mẹ có suy nghĩ rằng cháo nóng đã đủ làm chín trứng rồi.
Tuy nhiên, cách nấu này rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Vì trứng khi được đun nóng ở nhiệt độ cao sẽ chín rất nhanh; nhưng không đảm bảo vi khuẩn trong trứng đã bị tiêu diệt hết. Cho bé ăn trứng kiểu này có thể khiến con bị đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc.
Vì vậy, cách nấu cháo trứng tốt nhất, mẹ nên đập trứng trộn cùng cháo hoặc bột trước khi nấu. Sau đó cho lên bếp, đun lửa nhỏ và khuấy đều tay từ từ khoảng 5 – 10 phút, tới khi thấy cháo đã hơi bén ở đáy nồi là được.
2. Nấu cháo cùng ngũ cốc
Ngũ cốc là thực phẩm dinh dưỡng cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu; đặc biệt là rất giàu chất xơ giúp tiêu hóa ổn định. Tuy nhiên, với trẻ dưới 1 tuổi, nếu muốn dùng ngũ cốc cho bé thì cần ngâm nước cho mềm trước khi nấu cháo cho bé. Đặc biệt khi trẻ mới ăn dặm, mẹ chỉ nên cho con ăn các loại bột loãng hoặc rau củ quả nghiền; vì ngũ cốc gây cảm giác lưng lửng ở dạ dày khiến trẻ luôn ở trạng thái no bụng, không muốn ăn.
3. Chỉ dùng nước hầm xương để nấu cháo
Nhiều bà mẹ ngày nào cũng cặm cụi hầm xương để lấy nước nấu cháo cho con. Thế nhưng chẳng hiểu sao bé vẫn gầy gò, còi cọc. Thực tế, việc hầm xương chỉ có tác dụng cho vị ngọt và mùi thơm. Hầm xương quá lâu còn khiến cho các dưỡng chất bị biến đổi; không giữ được vẹn nguyên giá trị dinh dưỡng. Do đó, bé sẽ không nhận được nhiều chất bổ dưỡng nếu chỉ ăn cháo hầm xương.
4. Nêm nhiều mắm muối vào nồi cháo
Nêm gia vị vào nồi cháo cho bé dưới 1 tuổi sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm và ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể. Với trẻ dưới 1 tuổi, thận trẻ còn rất yếu nên không thể chịu được lượng muối vào cơ thể thường xuyên. Khi thận bị quá tải vì muối sẽ gây ra rối loạn chức năng tim rất nguy hiểm. Nếu ăn nhiều đường, trẻ sẽ bị bệnh về huyết áp, tim mạch. Cũng theo các chuyên gia, nêm gia vị quá sớm cho trẻ có thể khiến con bị rối loạn vị giác, biếng ăn.
Vì vậy, với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ nên sử dụng các gia vị làm ngọt từ nhiên từ rau củ quả như cà rốt, su hào, củ cải, thịt, cá. Mẹ không nêm thêm muối, bột ngọt, đường,… để tránh các hiểm họa bệnh tật về sau ở trẻ nhé!
5. Vo gạo nấu cháo quá kỹ
Các loại gạo nếu bị chà xát hoặc vo với nước quá kỹ sẽ làm mất đi hàm lượng vitamin B1 tự nhiên. Như vậy, gạo chỉ là “xác” và không còn chất. Mẹ nên tìm loại gạo còn nguyên cám để nấu cho trẻ. Nếu vo gạo thì mẹ chỉ cần vo nhẹ tay để làm sạch lớp bẩn bên ngoài là được.
6. Lạm dụng máy xay sinh tố khi nấu cháo cho con
Có nhiều trẻ lớn 3 – 4 tuổi, mọc đầy đủ răng rồi mà vẫn còn phải ăn bằng máy xay sinh tố, vì cứ ăn lợn cợn là bị nôn mửa. Điều này có thể là do trẻ đã quen ăn đồ được nghiền mịn, không tự tập được các phản xạ nhai, nuốt thức ăn thô. Về lâu dài, việc tập cho bé ăn đồ ăn cứng, dai sẽ khó hơn; bé khó bắt kịp tốc độ ăn của các bạn cùng trang lứa khi bắt đầu đi nhà trẻ. Điều này còn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé.
Để tránh điều này, mẹ nên tập cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp trong từng thời điểm của trẻ. Khi trẻ 6 tháng tuổi thì tập ăn bột loãng rồi sệt dần; 7 – 8 tháng ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc; 12 tháng thì tập ăn với cháo nấu còn hạt và các thức ăn mềm như phở, bún… Đến khi 2 tuổi, trẻ đã mọc đủ răng hàm thì bắt đầu tập ăn cơm. Giữa mỗi giai đoạn chuyển tiếp, bé có thể sẽ nôn trớ do chưa quen với đồ ăn lợn cợn; tuy nhiên bé sẽ làm quen rất nhanh.
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care