Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa: Cha mẹ cần hết sức lưu ý
20 Th3
Thời tiết giao mùa chính là cơ hội cho vi-rút phát triển mạnh mẽ, uy hiếp hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ. Để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa, chuyên gia Bibo Care nhắc cha mẹ cần hết sức lưu ý những điều sau.
Thời tiết giao mùa không khí thay đổi lúc nóng, lúc lạnh thất thường, kèm theo đó là mưa rả rích. Đây chính là điều kiện lý tưởng cho các loại vi-rút gây bệnh phát triển. Trong khoảng thời gian này, nếu bé không được bảo vệ cẩn thận thì rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa và viêm hô hấp, nhiễm siêu vi.
Thế nên trong thời tiết giao mùa, ba mẹ cần phải chú ý nhiều hơn đến sức khỏe của trẻ. Trường hợp trẻ có biểu hiện sốt, ba mẹ nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để có những phương pháp ứng phó kịp thời, tránh để xảy ra những rủi ro đáng tiếc cho bé.
2. Những việc mẹ cần làm ngay khi trẻ bị sốt
Khi bị sốt, cơ thể bé sẽ mệt mỏi và bé cảm thấy khó chịu. Mẹ nên bình tĩnh, thực hiện những thao tác nhanh để giúp bé hạ sốt, cảm thấy thoải mái hơn:
Để trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, không ủ ấm.
Rất nhiều kinh nghiệm từ các mẹ, các bà truyền lại rằng khi trẻ sốt nên đắp chăn kín để ra mồ hôi sẽ dễ chịu hơn. Tuy nhiên, đây là hành động phản khoa học. Nếu bé sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cao khiến bé khó chịu. Nếu mẹ quấn thêm quần áo hay chăn cho bé thì con sẽ càng nóng, mồ hôi tuôn ra lại thấm ngược vào da. Cơn sốt sẽ không thể ngừng lại.
Vì vậy khi con sốt, mẹ cần cởi bỏ bớt quần áo của bé, chỉ cần cho con mặc đồ mỏng. Đồng thời mỗi khi thấy con ra quá nhiều mồ hôi, mẹ hãy dùng khăn thấm hoặc thay quần áo khác cho con.
Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, giảm nhiệt độ phòng, tránh gió.
Một không gian thoáng, yên tĩnh sẽ giúp bé thoải mái hơn là việc ở trong phòng đóng kín cửa, không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Phòng quá kín vừa làm con bí bách, vừa khiến bé ra nhiều mồ hôi hơn làm con nhiễm lạnh.
Lau người cho trẻ bằng nước ấm.
Cha mẹ có thể sử dụng khăn đắp vào nách và bẹn để giúp bé hạ sốt nhanh hơn. Tuyệt đối không sử dụng nước chanh hay rượu khi lau mát cho bé.
Cho bé uống nhiều nước.
Khi bị sốt, lượng nước trong cơ thể con sẽ bị thiếu hụt. Mẹ cần bù nước hoặc các dung dịch khác như sữa, nước trái cây, nước biển khô để bổ sung nước cho cơ thể, giúp bé giảm nhiệt nhanh hơn.
Cần theo dõi nhiệt độ trẻ bằng nhiệt kế sau mỗi 4 giờ.
Khi mà mẹ cảm thấy bé đột nhiên nóng người hơn bình thường, cần kiểm tra ngay lập tức vì có thể lúc đó bé đang lên cơn sốt.
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng.
Đây là thói quen các mẹ thường làm khi bé bị sốt. Tuy nhiên, các mẹ nên cẩn thận khi dùng thuốc cho con. Bởi nếu không được sử dụng đúng cách, thuốc sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại thuốc phù hợp cho bé uống.
3. Khi nào nên cho trẻ đi bệnh viện ngay?
Thông thường trẻ sốt trên 38.5 độ thì mẹ mới cần cho bé đi viện. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp dưới đây, mẹ cần đưa bé đi viện ngay cả khi trẻ mới sốt 38 độ.
Ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện khi bé bị sốt, kèm theo những triệu chứng nguy hiểm:
– Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38 độ.
– Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
– Co giật kèm tay chân lạnh, nôn hết những gì đã bú hoặc ăn uống.
– Thóp trước (mỏ ác) phồng cao, có triệu chứng cứng cổ.
– Xuất huyết: nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, máu lợi, ói ra máu, đi cầu phân đen như bã cà phê.
– Khó thở: thở nhanh, thở gấp lồng ngực, thở rít.
– Bỏ bú.
Ba mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám bệnh nếu:
– Trẻ sốt tái lại sau 2 ngày không đỡ, trẻ sốt cao trên 40 độ.
– Sốt kèm với các dấu hiệu: ho, khò khè, khó thở hoặc ói, tiêu chảy, hay phát ban, thậm chí đau tai, chảy nước tai, sưng đau sau tai.
– Sốt kèm đau đầu dữ dội, đau bụng và đau sưng khớp.
4. Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa như thế nào?
Để tránh tình trạng trẻ liên tục bị ốm sốt trong những ngày thời tiết giao mùa, cha mẹ nên lưu ý những biện pháp phòng bệnh cho con như:
Tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo khuyến nghị của Bộ Y tế. Chủ động nắm lịch tiêm mũi nhắc lại cho bé. Đặc biệt những mũi tiêm bệnh theo mùa như cúm, sởi,…
Vệ sinh không gian ở thường xuyên. Nhất là các vật dụng bé thường dùng như đồ chơi, dụng cụ ăn uống,… Mẹ có thể dùng nước rửa bình sữa để tẩy rửa các vật dụng này.
Hạn chế lây nhiễm bằng cách không cho con tiếp xúc với nơi đông người hay những người đang mắc bệnh trong gia đình. Nếu người lớn trong gia đình mắc bệnh thì nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bé.
Cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho thực đơn hàng ngày của bé. Bên cạnh đó là các dưỡng chất tăng sức đề kháng để hỗ trợ bé chống lại vi-rút gây bệnh bên ngoài.
Cần chú ý giữ ấm cho bé trong thời gian giao mùa. Vì giao mùa thường có mưa lạnh bất thường, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn áo mưa, áo khoác cho bé.
Với một vài tham khảo nhỏ ở trên, mẹ có thể hiểu hơn về cách chăm sóc khi trẻ bị sốt, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Những phản ứng nhanh này sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái. Nhờ vậy, bé sẽ phát triển khỏe mạnh và ba mẹ phần nào yên tâm về sức khỏe bé yêu của mình!