Ăn dặm là giai đoạn quan trọng để bé tập làm quen với các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Trước rất nhiều phương pháp cho con ăn dặm hiện đại, nhiều bậc cha mẹ Việt vẫn nhất quyết “trung thành” với kiểu ăn dặm truyền thống. Vậy ăn dặm truyền thống là gì; có những ưu, nhược điểm gì đối với sự phát triển của trẻ nhỏ? Hãy tìm hiểu ngay cùng Bibo Mart trong bài viết dưới đây!
1. Ăn dặm truyền thống là gì?
Phương pháp ăn dặm truyền thống là phương pháp tập cho trẻ ăn hết sức phổ biến ở Việt Nam. Trẻ đến tuổi ăn dặm sẽ bắt đầu ăn bột xay chung với thức ăn rau củ, thịt, cá nhuyễn. Đến khi trẻ mọc răng sẽ chuyển sang ăn cháo hạt; thức ăn kèm vẫn được xay nhuyễn và cho chung vào cháo. Cách ăn này hoàn toàn khác ăn dặm kiểu Nhật hay BLW; khi mà mọi dưỡng chất đều được tổng hợp trong 1 bát cháo thay vì nấu thành từng món riêng.
2. Ưu điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống
- Với phương pháp ăn dặm truyền thống, bé có thể ăn được rất nhiều ngay từ những ngày đầu tập ăn dặm; tăng cân rất nhanh trong khoảng thời gian đầu.
- Phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống chế biến đơn giản, không mất thời gian quá nhiều, phù hợp với những bà mẹ quá bận rộn
- Trẻ bắt đầu ăn dặm bằng những thức ăn được xay nhuyễn nên không gây áp lực cho hệ tiêu hóa non nớt của bé.
- Phương pháp này rất dễ được ông bà chấp nhận; vì đây là cách ăn uống truyền thống, lâu đời.
Nhiều ý kiến cho rằng phương pháp ADTT không còn phù hợp với ngày nay. Thực tế không hẳn như vậy! Mỗi năm vẫn có hàng triệu trẻ em Việt Nam đến tuổi ăn dặm được các bà các mẹ cho ăn theo phương pháp này. Thức ăn kèm vẫn được cho vào chung với cháo thành một bát đủ dinh dưỡng. Nhiều bé vẫn phát triển rất bình thường, ổn định đến khi lớn lên.
>>> Đọc thêm: Mẹ cần chuẩn bị gì khi cho bé ăn dặm truyền thống?
3. Nhược điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống
Tuy nhiên,các bà mẹ hiện đại lại khẳng định rằng ăn dặm truyền thống đã không còn là phương pháp khoa học. Một số mặt tiêu cực của phương pháp này có thể kể đến như:
- Ăn theo chế độ này trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa đạm, chất béo và thiếu vitamin. Bởi vì các loại vitamin cần thiết cho cơ thể khi bị nấu quá lâu trong nhiệt độ cao đã bị hao hụt đi rất nhiều. Hơn thế nữa dung nạp lượng protein cao trong thời gian tập ăn dặm sẽ gây khó khăn cho hệ tiêu hóa của bé. Về lâu về dài sẽ gây ra tình trạng biếng ăn, táo bón.
- Thức ăn được xay nhuyễn, trộn lẫn vào nhau nên bé sẽ không phân biệt được hương vị của từng loại thức ăn khác nhau. Do đó, sở thích và cảm nhận về các món ăn của bé sẽ không được phát triển. Và nếu như bé bị dị ứng đối với một loại thực phẩm nào đó thì cũng rất khó để chúng ta phát hiện ra.
- Bé không được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai từ sớm. Sau này khi ăn phải đồ ăn cứng sẽ gặp khó khăn và hay bị nôn, trớ do đã quen với thức ăn xay nhuyễn.
- Thức ăn xay nhuyễn rất mềm và dễ nuốt mà không cần nhai nhiều; thế nên các bé thường có xu hướng ăn nhiều hơn mức mình cần.
- Bé không tạo được thói quen ăn uống tự lập vì chủ yếu được bón thìa và vừa ăn vừa xem ti vi, đi ăn rong…
4. Lời khuyên nếu cho con ăn dặm truyền thống
- Nếu mẹ cho bé ăn theo phương pháp này thì chỉ nên nấu trộn chung tối đa là 2 loại thức ăn với nhau; không nên trộn quá nhiều loại để con không bị ngán mà lại có thể cảm nhận được mùi vị thức ăn.
- Nên hạn chế sử dụng nước hầm xương để nấu cháo cho trẻ. Suy nghĩ càng hầm xương lâu thì nước dùng càng chứa nhiều canxi là sai lầm. Thay vào đó, mẹ nên nấu nước dùng bằng các loại củ quả để tạo vị ngọt tự nhiên.
- Hãy để bé ăn theo nhu cầu của mình, không nên quá ép bé ăn.
- Tạo thói quen ăn uống tốt cho bé như ngồi ăn chỗ cố định trong ghế ăn dặm; tắt ti vi, nhạc và cho bé ăn cùng gia đình nếu có thể.
Trên đây là những thông tin cơ bản về phương pháp ăn dặm truyền thống cho bé, mẹ hãy lựa chọn cho con yêu một chế độ ăn dặm phù hợp nha. Chúc bé yêu luôn luôn khỏe mạnh!
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care