Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dụng cụ để hỗ trợ cho việc nấu thức ăn cho trẻ và giúp trẻ ăn nhanh ngon hơn. Nhưng không phải mẹ nào cũng biết lựa chọn dụng cụ nào là cần thiết hỗ trợ tốt khi cho trẻ ăn dặm theo kiểu Nhật. Trong bài viết sau, Bibo Mart sẽ gợi ý cho mẹ về 10 món dụng cụ nấu ăn dặm kiểu Nhật không thể thiếu. Mời mẹ tham khảo!
1. Những dụng cụ nấu ăn dặm kiểu Nhật
1.1. Nồi nấu cháo chậm
Khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ chắc hẳn không thể bỏ qua cháo. Bé sẽ được ăn cháo từ loãng đến đặc, từ mịn đến thô dần. Do đó, việc sắm một chiếc nồi nấu chậm để hầm cháo cho con là một ý tưởng tuyệt vời. Mẹ sẽ không lo cháo bị bén, khét; hàm lượng dưỡng chất của gạo và các loại thực phẩm được giữ nguyên vẹn; đồng thời cách sử dụng và vệ sinh nồi cũng rất dễ.
1.2. Bộ dụng cụ chế biến thức ăn
Bộ dụng cụ chế biến thức ăn cho bé bao gồm: chén nghiền/đĩa mài có nhiều rãnh; chày gỗ để nghiền thức ăn; lưới rây; bàn mài các loại củ quả; bàn vắt cam, chanh.
1.3. Cân nhà bếp
Các mẹ nuôi con ăn dặm nên sắm một chiếc cân 0.5 kg hoặc 1 kg để định lượng nguyên liệu và khẩu phần ăn của bé. Đây là vật dụng cần thiết khi mẹ muốn chia đều thức ăn thành từng phần cho các buổi trong ngày.
1.4. Ly, muỗng định lượng
Ly và muỗng định lượng cũng rất cần thiết khi chế biến món ăn cho bé. Khi dùng ly, muỗng định lượng, món ăn của bé sẽ không bị bữa mặn, bữa nhạt, bữa đặc, bữa loãng.
1.5. Đồng hồ hẹn giờ
Khi dùng đồng hồ hẹn giờ, mẹ sẽ canh được độ mềm chuẩn khi cần làm mềm các loại thực phẩm cho bé theo từng độ tuổi. Thức ăn dành cho bé ăn dặm cần đạt tới độ mềm nhất định; có như thế thì hiệu quả thành công trong việc tập cho bé ăn mới cao.
Ngoài ra, dùng đồng hồ hẹn giờ sẽ giúp các mẹ kịp theo dõi thời gian, áng chừng thười gian tắt bếp để tránh cho món ăn của con bị cháy khét.
1.6. Dao, thớt, nồi, chảo
Những vật dụng này các mẹ thường có sẵn trong bếp nhà mình. Tuy nhiên, các mẹ có thể sắm thêm 1 nồi nhỏ và 1 chảo nhỏ có nắp (đường kính 12-14 cm) để tiện chế biến một lượng ít thức ăn cho bé.
2. Những dụng cụ cho bé ăn dặm kiểu Nhật
2.1. Chén, muỗng, khay cho bé ăn dặm
Có thể sử dụng chén, muỗng nhỏ có sẵn trong gia đình khi cho bé ăn dặm. Tuy nhiên, nên phân biệt những đồ dùng của bé riêng để phòng tránh những bệnh lây nhiễm khi dùng chung đồ dùng với người lớn trong gia đình.
Cũng nên dùng chén, muỗng bằng nhựa khi cho bé ăn để tránh đổ vỡ và nên chọn loại nhựa tốt không có hại cho bé. Khi tập cho bé tự bốc, tự xúc thức ăn, bé còn vụng tay nên dễ làm rơi các thứ xuống nền nhà. Nếu dùng chén sứ đắt tiền mà bé lỡ làm rơi vỡ có khi bé lại bị mắng oan.
2.2. Ghế ăn dặm
Mẹ nên cho bé vào ghế ăn khi bé bắt đầu ăn dặm. Vì cho bé vào ghế ăn càng sớm, bé càng hình thành thói quen sớm. Ghế ăn nên chọn loại có thể ngả lưng nhiều nấc. Khi bé chưa ngồi vững, mẹ ngả lưng ghế cho bé ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm để ăn. Khi bé đã ngồi vững, mẹ dựng hẳn lưng ghế cho bé ngồi thẳng lưng khi ăn.
Nên chọn loại ghế ăn có thể sử dụng từ khi bé bắt đầu ăn dặm đến khi bé được 3 tuổi. Như vậy, mẹ không phải lo đến chuyện đổi ghế cho phù hợp độ tuổi của bé.
>>> Xem thêm: 6 chú ý khi mẹ mua ghế ăn dặm cho con
2.3. Yếm ăn
Yếm ăn của bé thường có yếm vải, yếm nilon, yếm nhựa rất đa dạng về mẫu mã lẫn màu sắc. Tùy vào độ tuổi và nhu cầu của bé, mẹ có thể chọn mua các sản phẩm yếm ăn phù hợp với bé. Lưu ý chọn các loại yếm không quá cứng để tránh làm xước xát cổ của bé trong quá trình ăn uống nhé!
2.4. Khăn ăn
Mẹ có thể dùng khăn giấy hoặc giấy ướt để lau cho con. Nhưng tiết kiệm nhất là dùng khăn xô của bé, vì khăn xô có thể giặt sạch dùng lại nhiều lần. Khi bé biết nhận thức, mẹ có thể hướng dẫn cho bé tự lau miệng, lau tay và lau thức ăn rơi xuống bàn. Dần dần, bé sẽ hình thành thói quen giữ vệ sinh khi ăn uống.
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care