Sốt là một trong những nguyên nhân thường xuyên khiến ba mẹ bị bối rối, hoang man. Mời ba mẹ cùng tìm hiểu về sốt qua những tư liệu đến từ bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo(*) để có cái nhìn tổng quan hơn về sốt ba mẹ nhé.
Tài liệu chỉ mang tính chất tham khảo, nếu ba mẹ có bất cứ băn khoăn, nghi ngờ gì, hãy đưa bé đến trung tâm y tế hoặc nhận chỉ dẫn từ những người có chuyên môn, ba mẹ nhé !
Theo bác sĩ chia sẻ:
– Nhiều ba mẹ cho bé uống thuốc hạ sốt ngay khi bé chỉ mới sốt nhẹ, với mong muốn kiểm soát được sốt, đánh thức bé khi bé đang ngủ chỉ để hạ sốt.
– Rất nhiều ba mẹ mong muốn kiểm soát sốt tốt nhằm kiểm soát được bệnh (hết sốt = hết bệnh), và rất lo lắng khi thấy bé không hạ sốt khi đã uống thuốc hạ sốt (“Vậy là bệnh nặng lắm phải không bác sĩ ?”).
– Một số đông ba mẹ còn có lo lắng, là sốt cao có thể làm tổn thương não của bé, và nguy cơ sốt cao cao giật.
– Không hiếm gặp nữa là những trường hợp ba mẹ ông bà xúm nhau lau mát nhằm hạ sốt tích cực cho con bé.
Nói chung, sốt ở bé gây ra rất nhiều lo lắng, phiền toái cho nhiều gia đình.
Bài viết này nhằm cung cấp một số thông tin chuyên môn khách quan để ba mẹ tham khảo, hy vọng giúp các bạn có một cái nhìn khác về sốt, và hy vọng có thể thay đổi cách tiếp cận sốt ở bé để ba mẹ, ông bà và cả các y bác sĩ đều được “dễ thở” hơn. Những thông tin này được lấy từ Guidelines về sốt của Hội Đồng Nhi Khoa Mỹ, Bệnh viện Hoàng Gia Nhi – Melbourne, Úc, và Hội Y Khoa Nam Phi.
Sốt là gì?
Sốt (định nghĩa là nhiệt độ cơ thể > 38 độ C) là một đáp ứng sinh lý bình thường đối với bệnh, nhằm hỗ trợ chống lại bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh. Đa số sốt thường xảy ra trong một thời gian ngắn, vài ngày, và bảo vệ bé bằng cách thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch chống lại bệnh mà bé đang có. Một số nghiên cứu còn cho thấy, sốt còn giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn ở những đợt nhiễm siêu vi (so với những bé được hạ sốt tích cực). Vậy thì, sốt không phải là bệnh, mà sốt là một phản ứng TỐT của cơ thể đối với bệnh.
Mức độ sốt, tần số sốt, sự đáp ứng với thuốc hạ sốt có ý nghĩa gì?
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng: mức độ sốt cao hay vừa, sốt nhanh hay chậm, thường xuyên hay không trong ngày, cũng như tính đáp ứng với thuốc hạ sốt không dự đoán được tốt mức độ nặng và diễn tiến của bệnh. Có nghĩa là, việc ba mẹ hạ sốt tốt cho con bạn hay không không làm thay đổi được tính chất của bệnh nền.
Vậy chúng ta có nên hạ sốt hay không? Mục tiêu chúng ta hạ sốt là để làm gì?
Hạ sốt có thể có ích trong việc giảm nguy cơ mất nước ở bé, điều này thường có ý nghĩa chỉ ở những bé nhũ nhi (có trọng lượng cơ thể thấp và bề mặt tiếp xúc cao), ngoài ra không có nhiều ý nghĩa cho bé lớn. Tuy nhiên, tác hại của việc giảm sốt cho bé là nguy cơ kéo dài thời gian tìm ra bệnh nền (có thể lúc đó ba mẹ chỉ muốn hạ sốt cho bé thật nhanh để an tâm hơn), và vì vậy gây chậm trễ trong điều trị bệnh (ở những bệnh có thể điều trị), và mang theo nguy cơ tiềm năng ngộ độc thuốc hạ sốt nếu quá liều (sẽ bàn ở phần sau).
Việc hạ sốt có gây giảm khó chịu cho bé hay không, còn có nhiều bàn cãi, vì những triệu chứng đau đầu, khó chịu, nhức mỏi cơ khớp vẫn có thể do bệnh nền gây ra. Khi cho bé uống thuốc hạ sốt, thuốc hạ sốt có hai chức năng: một là hạ sốt, hai là giảm đau, vì vậy bé sẽ có được hai lợi ích này.
Một lo lắng rất lớn ở nhiều gia đình là sốt cao gây co giật, và hạ sốt để tránh sốt cao co giật. Nhưng nghiên cứu lại chứng minh không có bằng chứng nào cho hiệu quả của việc giảm sốt trong việc giảm nguy cơ và tần suất sốt cao co giật!
Khuyến cáo chung hiện nay là: chúng ta tiếp cận “bệnh gây sốt” không phải với mục tiêu chính là hạ sốt nữa (vì sốt không phải là bệnh đâu mà trị) , mà với mục tiêu chính là giúp cho bé thoải mái hơn, giảm đau, giảm khó chịu nếu bé có triệu chứng này (bằng thuốc “hạ sốt”), và tránh mất nước (bằng cách cho bé uống nước thường xuyên). Đa số các bác sĩ lâm sàng đồng ý bắt đầu khuyến cáo dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ bé > 38.5 độ C và bé có triệu chứng đau/quấy, mệt mỏi.
Đồng thời khuyến cáo hiện nay nhấn mạnh, ba mẹ hãy chuyển sự tập trung vào “sốt” sang những triệu chứng “nguy hiểm” khác, có giá trị hơn và giúp ích được cho việc thăm khám và điều trị hơn: bé có lừ đừ hay tỉnh táo, nôn ói nhiều hay không, thở nhanh hay không, vân vân.
Phương pháp hạ sốt nào là tốt nhất?
Việc lau mát hạ sốt hiện nay không còn được khuyến cáo sử dụng. Vì lau mát hạ sốt chỉ có tác dụng đơn thuần là hạ sốt, không những không có tác dụng làm bé thoải mái hơn như thuốc hạ sốt, mà còn có thể làm cho bé và người nhà mệt mỏi, căng thẳng, sợ hãi hơn.
Khi so sánh Acetaminophen (paracetamol) và Ibuprofen, người ta thấy hai thuốc này có hiệu quả như nhau trong việc hạ sốt và giảm đau/khó chịu cho bé. Vì vậy khuyến cáo ở hai thuốc này là như nhau, mỗi thuốc đều có những tác dụng phụ riêng cần lưu ý – xin không dài dòng về phần này. Điều chính yếu là tránh cho thuốc không đúng chỉ định hoặc quá liều gây tác dụng phụ hoặc ngộ độc không mong muốn. Liều khuyến cáo an toàn là: Acetaminophen 10-15mg/kg/lần – mỗi 4-6 tiếng một lần (thường khuyến cáo không quá 5 lần/ngày), và Ibuprofen 10mg/kg/lần – tối đa 4 lần/ngày.
Kết hợp Acetaminophen và Ibuprofen xen kẽ cho thấy có thể có tác dụng giảm sốt tốt hơn một ít so với việc dùng hai thuốc này riêng lẻ, nhưng lại có nguy cơ dùng thuốc quá liều nhiều hơn, nên không được khuyến khích.
Vậy bé sốt có nên đi khám bác sĩ hay không?
Câu trả lời là rất nên. Bé nhỏ dưới 3 tháng bị sốt nên được đặc biệt quan tâm và đi khám khi bị sốt, vì bé tầm này có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng hơn, và diễn tiến bệnh có thể nhanh hơn và nhiều biến chứng hơn.
Bé lớn hơn, bị sốt >38 độ C, cũng nên được thăm khám để đánh giá khả năng nhiễm siêu vi hay nhiễm trùng để xác định theo dõi, điều trị, đồng thời cũng nên được theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian bệnh để được thăm khám và can thiệp đúng lúc.
Thông tin tóm tắt:
• Sốt là một phản ứng tốt của cơ thể để bảo vệ bé, chống lại nhiễm trùng.
• Sốt giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh.
• Sốt không gây tổn thương não, không tăng nguy cơ sốt cao co giật
• Tính chất của sốt không giúp tiên lượng mức độ nặng nhẹ cũng như diễn tiến của bệnh
• Không nên tập trung vào hạ sốt, mà nên làm cho bé dễ chịu, và theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh.
• Hạ sốt không làm giảm nguy cơ hay tần suất sốt cao co giật ở bé.
• Sử dụng hạ sốt khi bé có nhiệt độ từ 38.5 độ C và có triệu chứng đau, mệt mỏi, khó chịu.
• Paracetamol hay Ibuprofen đều có tác dụng tương đương trong hiệu quả giảm sốt và giảm đau
• Lau mát hạ sốt không còn được khuyến cáo sử dụng do không có hiệu quả mong muốn
Nguồn tư liệu sử dụng :
The American Academy of Pediatrics; Fever and antipyretic use in children;
Management of acute fever in children: Guideline for community healthcare providers and pharmacists;
RCH clinical practice guidelines: Febrile child
——————————————————————–
(*) Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo hiện đang làm việc tại phòng khám Bác sĩ Huyên Thảo và Cộng sự. Bác sĩ là tác giả của bộ ba sách tư vấn chăm sóc bé em: “Bước đệm vững chắc vào đời”, “Chào con ba mẹ đã sẵn sàng” và “Chat với bác sĩ”.