Thai tuần 16 đã có nhiều bước tiến đáng kể. Ở tuần này, bé đã nặng khoảng 140gr. Mẹ bắt đầu cảm thấy mình nặng nề hơn và di chuyển khó khăn hơn một chút.
Thai tuần 16 có gì mới?
Bạn biết không, thai 16 tuần đang khởi động cho một cuộc bứt phá về cả chiều dài lẫn cân nặng đấy. Chỉ trong vài tuần nữa thôi, bé sẽ nặng gấp đôi và dài thêm hàng chục centimet!
Ngay lúc này, chân của bé cũng đã phát triển hơn, phần đầu ngẩng lên hơn so với những thời gian trước. Các mảng da đầu của bé đã bắt đầu cố định, nhưng có thể vẫn chưa thấy rõ tóc của bé. Lúc này, bé cũng đã bắt đầu hình thành các móng chân.
Có rất nhiều hoạt động khác đang diễn ra để giúp thai nhi duy trì tốc độ phát triển cần thiết. Chẳng hạn, trái tim rất nhỏ của thai 16 tuần bơm khoảng 25 lít máu mỗi ngày. Lưu lượng này sẽ tăng dần cùng với sự phát triển của bé.
Ở tuần thai thứ 16, bé nặng khoảng 140gr và dài cỡ 13cm từ chóp đầu đến mông. Bé có thể xoay chuyển các khớp và tuyến mồ hôi bắt đầu phát triển. Lúc này, xương của bé đang chuyển dần từ dạng sụn dẻo thành xương cứng.
Hình ảnh thai nhi 16 tuần thuôi: Tuần này, con đã to bằng một trái bơ và nặng khoảng 140 gram
Tuần thứ 16 thường là một mốc khó quên với các mẹ bầu. Rất nhiều mẹ lần đầu tiên cảm nhận được sự chuyển động của con ở tuần này. Đó có thể chỉ là những âm thanh lèo xèo như sôi ruột, tiếng gõ bụp bụp vào thành bụng hay cảm giác bé đang búng tách tách ngay bên dưới làn da của mẹ. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận thấy những chuyển động này khi ngồi im hoặc nằm xuống. Sở dĩ bạn phải chờ đến tận 16 tuần là vì ở thời điểm này, bé mới đủ lớn để tạo ra được chuyển động đủ mạnh.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao khi thai 16 tuần?
Khi mang thai 16 tuần, tử cung của mẹ đã to bằng một quả dưa lưới nhỏ, đỉnh tử cung đã gần chạm tới rốn. Mẹ sẽ được đo chiều dài tử cung trong mỗi lần khám thai. Đây cũng là một trong những thông số quan trọng để bác sỹ xác định thai phát triển bình thường hay không. Cùng với sự mở rộng của tử cung, mẹ cũng sẽ nhận thấy áp lực của bụng dưới chèn lên vùng xương chậu của mình.
Với vòng bụng lớn và nặng nề hơn, mẹ có thể thấy mình dễ mất thăng bằng. Mẹ nên cẩn trọng khi di chuyển, mang những đôi giày thấp gót và đế không trơn trượt để giảm nguy cơ ngã vì trong giai đoạn đầu của quá trình mang thai, chấn thương vùng bụng có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Nếu đi xe hơi, mẹ nhớ thắt dây an toàn bên dưới bụng, vòng qua hông.
Bạncó thể thấy mắt của mình bị khô hơn. Nên dùng nước nhỏ chống khô mắt loại không cần kê đơn. Nếu kính áp tròng trở nên khó chịu, thử giảm thời gian dùng chúng hoặc chuyển sang dùng kính thường đến sau khi sinh bé.
Bé đang phát triển nhanh và cần nhiều dinh dưỡng. Đó là lý do bạn sẽ mau cảm thấy đói. Tốt nhất, nên chuẩn bị nhiều đồ ăn vặt giàu dinh dưỡng, đồng thời lên sẵn thực đơn hàng ngày để đảm bảo mình ăn đủ chất. Bạn cũng nên bổ sung thêm canxi dạng viên uống hoặc uống thêm sữa để hỗ trợ cho sự phát triển xương của bé.
Kinh nghiệm của một bà mẹ:“Tôi lên một danh sách các nhóm thức ăn cơ bản và dán vào tủ lạnh. Vào cuối ngày, tôi kiểm tra lại mình đã ăn những gì. Sau đó, tôi ăn món nào đó cho bữa khuya để có thể bổ sung vào bất kỳ mục còn thiếu nào như sữa chua hoặc một ly kem nếu cần thêm sữa, hoặc cam nếu cần thêm trái cây”, Thanh Nguyên, Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ.
Tuần thứ 16 cũng là thời gian thích hợp để bạn đi khám thai. Hãy ghi sẵn những câu hỏi mà bạn cần bác sỹ giải đáp để không bỏ sót. Đồng thời, đừng quên lưu lại những tấm hình siêu âm của con nhé. Đây sẽ là những hình ảnh rất quý giá để dành tặng con khi bé lớn lên đấy.
Gợi ý cho tuần này thai thứ 16
Lên danh sách tên cho bé
Bố mẹ có thể tạo một danh sách mười cái tên mỗi người thích. Dò danh sách tên của anh ấy, gạch bỏ những cái tên bạn không thích và để anh ấy làm tương tự. Tiếp tục như vậy đến khi có được danh sách tên cả hai cùng thích.
Mẹ cũng có thể tham khảo những ý tưởngđặt tên cho con của Marry Baby để tìm những cái tên hay và ý nghĩa cho bé.