Bí kíp giúp mẹ giảm đầy bụng khi mang thai

Trong quá trình thai kỳ, sự thay đổi nội tiết tố dễ khiến mẹ gặp phải tình trạng đầy hơi, khó tiêu. Đầy bụng khi mang thai xảy ra thường xuyên sẽ khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi. Đọc ngay bài viết sau của chuyên gia Bibo Care để biết những nguyên nhân và cách chữa đầy bụng khi mang thai!

1. Đầy bụng khi mang thai có nguy hiểm không?

Khi mang thai, hormone progesterone tăng cao, gây tích tụ hơi trong các cơ quan tiêu hóa. Điều này cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn, gây ra đầy bụng. Cộng thêm với những triệu chứng ốm nghén đầu thai kỳ; hay sự chèn ép của thai nhi lên các cơ quan khác vào những tháng thai cuối; tất cả sẽ làm cho mẹ bầu không tránh khỏi cảm giác khó chịu, mệt nhọc.

Mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe của bản thân thật kỹ; nhất là phân biệt giữa cảm giác đầy bụng và đau bụng lâm râm. Bởi đầy bụng thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ. Nhưng đau bụng có thể là dấu hiệu bất thường cho thấy tình trạng của thai nhi đang không ổn định. Mẹ cần lưu ý để đi thăm khám kịp thời.

2. Nguyên nhân bị đầy bụng khi mang thai

2.1. Sinh hơi do ảnh hưởng hormone:

Khi bắt đầu mang thai, các hormone trong cơ thể của mẹ sẽ thay đổi đột ngột. Các nội tiết tố như relaxin và progesterone tăng nồng độ sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại. Mẹ bị táo bón, ứ đọng khí trong đường ruột nên dễ bị ợ hơi hoặc đầy hơi.

2.2. Sự lớn lên của tử cung:

Thai nhi dần lớn lên sẽ kích thích tử cung to ra để tăng sức chứa. Trong những tháng cuối thai kỳ, mẹ sẽ cảm nhận rõ bào thai đang đè ép lên các cơ quan nội tạng khác. Điều này cũng có thể khiến mẹ có cảm giác đầy bụng.

2.3. Do tình trạng táo bón khi mang thai:

Thai nhi sẽ hấp thụ rất nhiều nước trong thức ăn của mẹ; cộng với việc tiêu hóa trì trệ sẽ dẫn đến tình trạng phân rất khô. Đây là tình trạng táo bón thai kỳ khá quen thuộc, khiến mẹ khó đi vệ sinh. Đường ruột cũng bị cản trở sẽ bị tích tụ hơi, gây cảm giác đầy bụng.

2.4. Do sự tăng lên về cân nặng của thai phụ:

Do nhu cầu sử dụng chất dinh dưỡng để nuôi bào thai nên hầu hết các thai phụ thường rất dễ đói và ăn nhiều; làm cho cơ thể tăng cân nhanh chóng. Đây cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng chướng bụng trong thai kỳ.

2.5. Do mẹ ăn các loại thức ăn gây ra hơi:

Một số loại thực phẩm được chiên rán; các sản phẩm từ sữa; các loại rau họ cải hoặc đồ uống có ga,… cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đầy hơi. Khi các loại thức ăn này được các lợi khuẩn trong cơ thể tiêu thụ, khí có thể được sản sinh ra và tích tụ trong đường ruột gây chướng bụng.

2.6. Đái tháo đường thai kỳ:

Nếu bị chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ sẽ thường xuyên gặp hiện tượng đầy bụng. Nguyên nhân thường là do ăn không tiêu, đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ.

Đầy bụng khi mang thai
Đái tháo đường thai kỳ là một trong các nguyên nhân gây ra đầy bụng khi mang thai

 

3. Cách chữa đầy bụng khi mang thai

3.1. Uống đủ nước:

Mẹ nên cung cấp đủ nước cho cơ thể trong suốt thai kỳ, ít nhất là 8-10 ly mỗi ngày. Nếu mẹ đầy bụng do bị hội chứng ruột kích thích thì nên tránh xa các loại nước trái cây chứa nhiều đường.

Theo mẹo dân gian, mẹ có thể uống nước chanh ấm hay uống nước hạt methi (hạt cỏ cà ri) hàng ngày. Các loại nước này được cho là rất hữu ích trong điều trị đầy hơi chướng bụng khi mang thai.

3.2. Tập thể dục khi mang thai: 

Tăng cường vận động trong thời kỳ mang thai sẽ làm cho hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt và ngăn ngừa khí và đầy hơi. Tuy nhiên, mẹ cũng nên lựa chọn hình thức tập thể dục nhẹ nhàng. Những bài tập yoga, đi bộ,… sẽ rất vừa sức với mẹ bầu đấy.

3.3. Hạn chế hoặc không ăn đường tinh luyện:

Mẹ nên loại bỏ các loại thực phẩm và đồ uống có chứa thành phần đường tinh luyện ra khỏi chế độ ăn của mình. Vì flactose có trong đường tinh luyện sẽ làm tình trạng đầy bụng trở nên tệ hơn.

3.5. Thực đơn ăn uống khoa học:

  • Mẹ nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau xanh, ngũ cốc,… để giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn.
  • Không ăn các thực phẩm dễ gây sình hơi như đồ uống có ga, đậu, hành, bắp cải, và các món ăn chiên với dầu mỡ,…
  • Mẹ có thể thử chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Thay vì ăn 3 bữa, mẹ có thể thực hiện chế độ ăn 5-6 bữa/ngày. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và ngăn chặn được tình trạng đầy hơi xuất hiện.

3.6. Ăn chậm và nhai kỹ:

Ăn chậm và nhai thức ăn kỹ trước khi nuốt sẽ làm giảm tình trạng nuốt phải khí khi ăn; đồng thời giúp hệ thống tiêu hóa không phải làm việc quá mức để tiêu hóa thức ăn và giảm khí bị ứ đọng.

 

Chỉ mục