Vàng da là hiện tượng thường gặp trong giai đoạn đầu của trẻ sơ sinh (dưới 15 ngày tuổi), tỉ lệ này khoảng 60% trẻ sơ sinh đủ tháng (tuổi thai trên 37 – 40 tuần) và 80% ở trẻ sơ sinh non tháng (tuổi thai dưới 37 tuần). Có hai loại là vàng da sinh lí và vàng da bệnh lí. Vàng da sinh lí không cần can thiệp về y tế (chỉ cần mẹ cho trẻ bú đủ theo nhu cầu), trong khi đó vàng da bệnh lí nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong tương lai lâu dài.
1. Vàng da sơ sinh là gì?
Vàng da sơ sinh là hiện tượng da, kết mạc mắt trẻ có màu vàng. Nguyên nhân là do gan của trẻ chưa đủ trưởng thành để loại bỏ Bilirubin trong máu (một hiện tượng sinh lí bình thường trong những ngày đầu đời của trẻ).
2. Phát hiện vàng da bằng cách nào?
Cha mẹ dùng ngón tay ấn vào da bé khoảng 5 giây, nhấc tay ra và quan sát dưới ánh sáng tự nhiên xem da bé có còn vàng không.
3. Vàng da sinh lí
Vàng da ở trẻ được coi là sinh lí khi có đủ các dấu hiệu sau đây:
- Xuất hiện từ ngày thứ 3 hoặc 4 và thường kết thúc vào ngày 12-15 sau sinh.
- Vàng da ở mức độ nhẹ (chỉ vàng da vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
- Chỉ có vàng da đơn thuần, trẻ tỉnh táo, bú mẹ tốt, đủ bữa (8-10 lần/24h) trong giai đoạn sơ sinh (dưới 30 ngày tuổi), không quấy khóc, ngủ ngon giấc, không sốt( nhiệt độ thân nhiệt từ 36,5-37,5 độ C), bé đi ngoài và đi tiểu tốt (đại tiện trên 5 lần/24h, tiểu tiện 8 lần/24h).
Vàng da được coi là bệnh lí khi:
+ Màu da vàng đậm, xuất hiện sớm (trước 72h sau sinh).
+ Tiến triển nhanh và có thể có các triệu chứng bất thường đi kèm (như bỏ bú, ngủ li bì, sốt nhẹ, lòng bàn tay bàn chân vàng,…).
Khi đó, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh hậu quả xấu ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe bé.
Chúc các bé có một giai đoạn sơ sinh an toàn, khỏe mạnh, ba mẹ hạnh phúc!
Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé Bibo Care
Phòng đào tạo và tư vấn – Bibo Care