Thời gian gần đây, cùng với sự gia tăng không ngừng số ca mắc mới, HMPV hiện đang là mối quan tâm của đa số người dân. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về loại virus này, từ nguyên nhân đến triệu chứng, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
1. Virus HMPV là gì?
hMPV (viết tắt của Human Metapneumovirus) là chủng virus thuộc họ Paramyxoviridae (cùng nhóm với virus hợp bào hô hấp RSV), lần đầu tiên được phát hiện bởi các nhà khoa học Hà Lan vào năm 2001.
Tương tự như các loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các loại virus phổ biến như cúm, RSV… hMPV cũng thường phát triển mạnh mẽ vào mùa đông hoặc mùa xuân, gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường như ho, sổ mũi hắt hơi, đau họng trong vài ngày. Một số trường hợp hiếm gặp xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, viêm phế quản,..
5 nhóm đối tượng cần đặc biệt thận trọng trước sự tấn công của hMPV gồm trẻ sinh non; trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là dưới 2 tuổi) mắc bệnh hô hấp mãn tính (bao gồm hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính); trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, các bệnh về miễn dịch hoặc ung thư ở trẻ em.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, hầu hết mọi người sẽ nhiễm hMPV một lần trong giai đoạn đầu đời, thậm chí trước khi lên 5 tuổi. Đây là một điều đáng báo động bởi hệ miễn dịch của trẻ em vốn non nớt, dễ bị tổn thương bởi sự lây nhiễm của hMPV. Sau khi nhiễm bệnh lần đầu, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tiếp tục phát triển, khiến các lần nhiễm sau đó thường ít nguy hiểm và triệu chứng nhẹ hơn tuy nhiên vẫn có khả năng tái nhiễm nhiều lần và có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây nhiễm Virus hMPV
Virus hMPV lây lan chủ yếu qua các giọt bắn có chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc nói chuyện. Đây được xem là phương thức truyền nhiễm chính của chủng virus này.
Bên cạnh đó, hMPV có khả năng tồn tại lâu trên các bề mặt, đồ vật và trong không khí. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể khi chạm vào các vật dụng hoặc bề mặt đã nhiễm khuẩn, sau đó đưa tay lên mặt, mắt, mũi hoặc miệng, từ đó mở rộng phạm vi lây nhiễm hMPV.
3. Các triệu chứng của hMPV
Sau khi lây nhiễm, thời gian ủ bệnh Metapneumovirus thường kéo dài khoảng 3-5 ngày. Các triệu chứng này khá giống với cảm lạnh thông thường, gồm: ho, nghẹt mũi, sổ mũi, rát họng, khó thở,…
3.1. Triệu chứng nhiễm HMPV ở trẻ em
Trẻ em nhiễm hMPV thường có các triệu chứng như:
- Ho nhiều, khò khè
- Sốt cao
- Khó thở, thở nhanh
- Bỏ bú, quấy khóc
Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu trên và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng nặng.
3.2. Triệu chứng nhiễm HMPV ở người lớn
Ở người lớn, triệu chứng nhiễm hMPV thường nhẹ hơn, giống với cảm lạnh hoặc cúm. Tuy nhiên, ở một số trường hợp nặng, virus hMPV có thể gây ra và chuyển biến thành viêm đường hô hấp dưới hoặc viêm phổi. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người có bệnh nền với các triệu chứng như:
- Sốt cao;
- Khó thở;
- Ho có đờm đặc;
- Khò khè;
- Da tím tái;
- Có dấu hiệu suy hô hấp.
4. Phương pháp điều trị hMPV
Hiện nay, các bệnh lý do virus hMPV gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như thuốc kháng virus điều trị nhiễm hMPV. Do đó, các phương pháp điều trị hiện có đều chủ yếu hướng đến điều trị thuyên giảm các triệu chứng đến khi cơ thể hồi phục. Người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng thông qua việc dùng thuốc không kê đơn như thuốc thông mũi, thuốc giảm đau… theo tư vấn của bác sĩ hoặc uống nhiều nước và bổ sung các chất khoáng, vitamin.
Một số phương pháp điều trị triệu chứng gồm:
– Hạ sốt: Trong trường hợp bệnh nhân sốt trên 38.5 độ, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng Acetaminophen hoặc Ibuprofen với liều lượng phù hợp để hạ thân nhiệt;
– Thông mũi
– Bù nước, điện giải: Truyền trực tiếp vào tĩnh mạch
– Co thắt: hỗ trợ bằng cách thực hiện phương pháp khí dung
– Khó thở: Liệu pháp oxy hỗ trợ suy hô hấp thông qua ống thở hoặc mặt nạ khí cho bệnh nhân;
– Sử dụng corticosteroid (steroid giảm viêm và làm giảm một số triệu chứng).
5. So sánh Virus hMPV với Covid-19
Tiêu chí | hMPV | Covid-19 |
Giống nhau | – Gây bệnh đường hô hấp ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, trẻ sơ sinh, người có bệnh lý nền. – Các triệu chứng: nghẹt mũi, sốt, ho, khó thở… – Lây lan chủ yếu qua tiếp xúc dịch tiết có chứa virus của người nhiễm bệnh… |
|
Tác nhân gây bệnh | Virus Metapneumovirus (họ Paramyxoviridae) | virus SARS-CoV-2 (họ Coronaviridae) |
Triệu chứng | Triệu chứng giống với cảm lạnh hoặc cảm cúm: sổ mũi, ho, đau họng, sốt nhẹ… | Đau đầu, sốt, ho, đau họng, sổ mũi, đau nhức cơ thể, tiêu chảy hoặc nôn, khó thở, mất khứu giác,… |
Mức độ nghiêm trọng | Ít khi để lại các biến chứng nghiêm trọng. Trường hợp bệnh nhân nặng có thể dẫn đến suy hô hấp hoặc viêm phổi | Có khả năng gây biến chứng hô hấp nặng, thậm chí tử vong. Ngoài ra còn để lại di chứng hậu Covid dai dẳng. |
Thời gian hồi phục | Hồi phục triệu chứng trong vòng vài ngày. | – Bệnh nhân nhẹ: hồi phục sau 7 – 10 ngày. – Bệnh nhân nặng: thời gian hồi phục là 2 – 3 tuần. |
Tính chất dịch tễ | hMPV đã tồn tại từ vài thập kỷ và có mức độ miễn dịch nhất định trong dân cư toàn cầu nên có nguy cơ bùng phát đại dịch thấp hơn. | Khi bùng phát lây lan nhanh ở cấp độ đại dịch. |
Vắc xin | Chưa có vắc xin phòng bệnh, các phương pháp điều trị chủ yếu hướng đến điều trị thuyên giảm các triệu chứng đến khi cơ thể hồi phục. | Đã có vắc xin phòng bệnh: AstraZeneca, Vero Cell, Comirnaty, Spikevax, Janssen, Abdala,… |
6. Làm thế nào để phòng tránh lây nhiễm Virus hMPV?
Cho đến thời điểm hiện tại, virus hMPV chưa có vacxin phòng ngừa. Vì vậy, để kiểm soát sự lây lan của virus và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp do hMPV, việc chủ động thực hiện tốt các phương pháp phòng ngừa bệnh là cực kỳ quan trọng. Mỗi người chúng ta cần tạo cho mình các thói quen sau để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất khử khuẩn trong ít nhất 20 giây;
- Không chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng nếu tay chưa được rửa sạch;
- Uống đủ nước, thực hiện chế độ ăn dinh dưỡng để cung cấp đủ chất cho cơ thể;
- Tiêm phòng vacxin đầy đủ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan;
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ;
- Khử khuẩn, lau dọn các bề mặt đồ dùng cá nhân và đồ chơi của trẻ thường xuyên;
- Thực hiện các biện pháp giảm tiếp xúc: đeo khẩu trang, hạn chế đến những nơi đông người,…
- Hạn chế tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc bị nghi ngờ nhiễm các bệnh đường hô hấp;
Nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng giống như cảm cúm, người bệnh nên thực hiện các hành động sau:
- Che kín mũi, miệng khi ho hay hắt hơi;
- Hạn chế việc tiếp xúc gần với người xung quanh;
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, khăn mặt với người khác;
- Thực hiện cách ly cho đến khi triệu chứng hoàn toàn biến mất.
Phần kết
Với tốc độ lây lan nhanh chóng cùng nguy cơ phát triển mạnh, virus hMPV đòi hỏi các biện pháp dự phòng kịp thời và đầy đủ. Hy vọng rằng, với các chia sẻ trên của Bibo Mart, các bạn đã có thêm kiến thức về hMPV để bảo vệ gia đình và những người xung quanh.
Mặc dù chưa có vắc xin hoặc thuốc điều trị nhưng các biện pháp phòng ngừa chung như vệ sinh cá nhân thường xuyên; hạn chế tiếp xúc nơi đông người; đeo khẩu trang khi ra ngoài vẫn là những thói quen cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus hMPV. Ngoài ra, ba mẹ có thể tham khảo các loại khẩu trang dành cho bé với nhiều mẫu mã đẹp cùng khả năng hạn chế 99% virus xâm nhập qua đường thở và ngăn cản bụi mịn để bảo vệ sức khỏe toàn diện cho con nhé.