Ăn dặm kiểu Nhật cho bé (phần 2)

Ăn dặm kiểu Nhật là một phương pháp ăn dặm để tập cho bé ăn thô tốt, tìm được niềm vui trong ăn uống. Bên cạnh đó còn giúp nâng cao khả năng tự lập của trẻ nên được nhiều mẹ quan tâm. Ở phần I, các ba mẹ đã biết ăn dặm kiểu Nhật là gì? Trong phần II, ba mẹ hãy cùng bác sĩ Bibo Mart tìm hiểu thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé theo từng giai đoạn nhé!

 

Mẹ nên nắm được cách chế biến ăn dặm kiểu Nhật cho bé theo từng giai đoạn

1. Ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 6 – 7 tháng tuổi

– Đây là giai đoạn bé tập nuốt. Mẹ có thể cho bé ăn dặm 1 bữa/ngày.

– Khi bắt đầu tập ăn, mỗi ngày 1 lần trước giờ cho bé bú sữa, mẹ cho bé ăn 1 thìa nhỏ 5ml cháo nghiền loãng. Sau 2, 3 ngày thì tăng dần số thìa cháo.

– Nên cố gắng cho trẻ ăn cố định 1 giờ nhất định và vào buổi sáng để nếu trẻ bị dị ứng hay gặp vấn đề gì cũng dễ dàng xử lý.

– Khi bé ăn được 3, 4 thìa thì có thể bắt đầu cho bé ăn thử trái cây, rau củ hầm nhừ.

– Sau 1 tháng ăn dặm, nếu bé nuốt thức ăn tốt, ba mẹ cho trẻ ăn 2 bữa/ngày.

– Tất cả các món ăn cho bé nên ở dạng dung dịch loãng và đặc biệt là không nên nêm thêm gia vị.

– Mẹ có thể điều chỉnh lượng thức ăn tùy theo sự thèm ăn, tốc độ phát triển của bé.

– Thực phẩm sử dụng ở giai đoạn này chủ yếu là:

  • Nhóm tinh bột: gạo, bánh mì, tinh bột, khoai tây, khoai lang…
  • Nhóm rau quả: cà rốt, chuối, rau chân vịt, bí đỏ, củ cải, cà chua…

 

2. Ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 7- 8 tháng tuổi

– Giai đoạn này, bé đã có thể nhai trệu trạo. Đo đó, mẹ có thể cho bé ăn 2 bữa (sáng và tối) mỗi ngày.

– Ngoài các thức ăn phổ biến như cháo, rau, mẹ có thể bổ sung thêm cho bé nhóm chất đạm như cá, thịt gà hay gan kết hợp nhiều loại rau củ, trái cây, ngũ cốc, thực phẩm giàu đạm.

– Độ cứng của thức ăn cho bé tương đương đậu phụ.

Khi bé được 7-8 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ăn 2 bữa theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

– Lượng thức ăn mỗi bữa như sau:

  • Nhóm tinh bột (50-80 gram): gạo, bánh mỳ, khoai tây, khoai lang.
  • Nhóm rau quả (20-30 gram): cà rốt, chuối, rau chân vịt, bí đỏ, củ cải, cà chua.
  • Nhóm chất đạm: Cá hoặc thịt (10-15 gram), đậu phụ (30-40 gram), các chế phẩm từ sữa (50-70 gram), lòng đỏ trứng (1/3 quả). Khi đã quen có thể ăn cả lòng trắng.

 

3. Ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 9 – 11 tháng tuổi

– Giai đoạn này, bé bắt đầu tập nhai. Mẹ có thể cho bé ăn ngày 3 bữa: sáng, trưa, chiều tối.

– Giữ thói quen và nhịp ăn uống của bé và cho bé thử cùng ăn với cả nhà.

– Độ cứng của thức ăn tương đương chuối.

– Lượng thức ăn mỗi bữa:

  • Nhóm tinh bột: Cháo trắng 90 gram cho đến cơm nát 80 gram.
  • Nhóm rau quả (30-40 gram): cà-rốt, chuối, rau chân vịt, bí đỏ, củ cải, cà chua.
  • Nhóm chất đạm: Cá, thịt (15 gram); đậu phụ (45 gram), các chế phẩm từ sữa (80 gram), trứng (1/2 quả). Khi đã quen có thể ăn cả lòng trắng.

– Trong giai đoạn này, cháo có thể để đặc hơn một chút. Thức ăn cắt nhỏ, mỏng và ninh mềm. Bé có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm và các loại gia vị như muối, xì dầu với lượng nhỏ.

 

 

4. Ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 12 tháng đến 18 tháng

– Giai đoạn này bé đã có thể nhai khỏe. Do vậy, mẹ cần giữ nhịp ăn uống ngày 3 bữa và tạo thói quen sinh hoạt cho bé.

– Tăng dần độ cứng thức ăn lên mức tương tự thịt viên.

– Lượng thức ăn mỗi bữa:

  • Nhóm tinh bột: Cơm nát 90 gram, cơm trắng 80 gram.
  • Nhóm rau quả (40-50 gram): cà-rốt, chuối, rau chân vịt, bí đỏ, củ cải, cà chua.
  • Nhóm chất đạm: Cá hoặc thịt (15-20 gram), hoặc đậu phụ (50-55 gram), hoặc trứng (2/3-1 quả), hoặc các chế phẩm từ sữa (100 gram).

 

Chúc các bé có thời kỳ ăn dặm thật bổ dưỡng và vui vẻ!

 

Phòng Đào tạo và Tư vấn Bibo Care