Ăn dặm kiểu Nhật đúng cách, mẹ đã biết?

Ăn dặm kiểu Nhật là một phương pháp khoa học cho bé từ 5 tới 18 tháng tuổi; được các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Nhật Bản nghiên cứu và đúc kết. Tuy nhiên không ít mẹ đã thất bại trong việc áp dụng phương pháp này, khiến bé không hợp tác và ăn uống như mẹ kỳ vọng. Trong bài viết sau, chuyên gia Bibo Care sẽ gợi ý cách để bé ăn dặm kiểu Nhật đúng cách, mời mẹ đón đọc!

1. Lợi ích của việc cho bé ăn dặm kiểu Nhật

Việc tập ăn cho bé theo kiểu Nhật Bản được thực hiện từng bước một trong suốt quá trình ăn dặm. Bé sẽ được tập ăn thức ăn từ loãng đến đặc dần, từ mịn đến thô dần trong khoảng thời gian hợp lý. Mỗi giai đoạn tập ăn không kéo dài; do đó bé không bị chán khi phải ăn một chế độ ăn quá lâu. Chính điều này giúp bé duy trì sở thích ăn uống và ăn ngon miệng.
Trong quá trình ăn dặm, ngoài việc tập ăn thức ăn, bé còn được học kỹ năng nhai thức ăn. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp bé chia nhỏ thức ăn cho tiêu hóa dễ dàng hơn; đồng thời giảm nguy cơ bị hóc, nghẹn.
Ngoài ra, bé còn được học kỹ năng bốc thức ăn bằng tay, ghim thức ăn bằng nĩa, xúc thức ăn bằng thìa. Tất cả những kỹ năng đó sẽ giúp bé sớm biết ăn một cách độc lập. Khi được tự mình bốc, ghim, xúc thức ăn, được tự thưởng thức món ăn, được tự cảm nhận mùi vị của món ăn; bé sẽ cảm thấy rất thú vị với bữa ăn của mình.
Vì được tập ăn từng bước từng bước một cách khoa học nên bé có thể ăn được nhiều loại thức ăn từ cá, gà, bò, heo, trứng, tôm; cho đến các loại rau, củ, quả. Bé được tập ăn cháo trắng với thức ăn riêng nên bé biết phân biệt mùi vị của từng loại thực phẩm. Từ đó mẹ sẽ biết rõ con thích và không thích món ăn nào.

2. Các giai đoạn khi tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật

Quá trình tập ăn của bé thường bắt đầu khi bé được 5 tháng tuổi và kết thúc khi bé 15 tháng tuổi. Các giai đoạn tập ăn của trẻ sẽ thay đổi dần dựa trên sự phát triển của cơ thể:
  • Giai đoạn từ tháng thứ 5-6, bé tập làm quen với thìa và tập ăn thức ăn nghiền mịn.
  • Đủ 7-8 tháng, bé sẽ tập nhai các loại thức ăn thô, mềm.
  • Từ tháng thứ 9-11, bé tập bốc và nhai thức ăn bằng lợi
  • Lên 1 tuổi, bé bắt đầu được tập ăn cơm nát rồi ăn cơm. 15 tháng tuổi, bé ăn được cơm và thức ăn gần như người lớn. 18 tháng tuổi bé có thể tự mình xử lý một phần suất ăn.
Ăn dặm kiểu Nhật
Có 4 giai đoạn chính khi cho trẻ tập ăn dặm kiểu Nhật

3. Cách ăn dặm kiểu Nhật đúng cách theo từng giai đoạn

3.1. Giai đoạn 1 (5~6 tháng tuổi) – Bé làm quen với muỗng

Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn. Vì thế, ở tuần đầu tiên chỉ cho bé ăn cháo trắng nghiền nhuyễn, rây qua lưới. Cháo không nêm gia vị; nấu theo tỉ lệ 1 gạo :10 nước để bé nuốt không cần nhai.
Từ tuần thứ hai trở đi, có thể cho bé ăn thêm một chút rau, củ, quả. Rau bina là loại rau xanh giàu vitamin và dễ tiêu hóa nên người Nhật thường dùng để chế biến món ăn dặm cho bé. Mẹ có thể dùng mình lá rau, bỏ cuống và luộc cho bé ăn.
Do giai đoạn này chủ yếu là tập cho bé nuốt thức ăn dạng bột, làm quen với các vị thức ăn khác ngoài sữa và làm quen với việc ăn bằng muỗng. Vì vậy, ban đầu nên cho bé ăn từ ít đến nhiều: 2 ngày đầu tiên cho bé ăn 1 muỗng (15 ml), 3 ngày tiếp theo 2 muỗng (30 ml), 3 ngày tiếp theo 3 muỗng (45 ml) , 7 ngày tiếp theo 4 muỗng (60 ml),…
Đối với những bé nhạy cảm, nếu bé không ăn, mẹ không nên ép bằng mọi cách mà hãy ngừng khoảng 2~3 ngày. Sau đó, tiếp tục chế biến thức ăn mịn hơn và thử cho bé ăn lại.
Cách nấu cháo từ gạo

3.2. Giai đoạn 2 (7 – 8 tháng tuổi) – bé tập nhai

Đây là giai đoạn bé biết nhai trệu trạo. Bé có thể đẩy mạnh lưỡi lên hàm trên để làm tan thức ăn. Do đó, những món hấp có độ mềm như cháo không cần nghiền nhuyễn bé cũng có thể ăn được. Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:7, 1 gạo 7 nước. Cũng có thể cho bé ăn các loại nui, mì ăn dặm được nấu với tỉ lệ tương đương.
Giai đoạn này nên tăng chủng loại thực phẩm để bé làm quen với nhiều vị thức ăn khác nhau. Thức ăn của bé chỉ cần nghiền nhỏ, không cần nghiền thành bột; có thể cho thêm bột gạo tạo độ trơn để bé dễ nuốt. Thịt nạc hoặc các loại cá có thịt màu đỏ nên thêm vào làm đa dạng thực đơn cho bé. Các loại rau nên được luộc hoặc nấu chín mềm vừa đủ.

3.3. Giai đoạn 3 (9 – 11 tháng tuổi) – bé tập bốc

Ở giai đoạn này, cho bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính. Bé đã có thể nhai tốt thức ăn bằng lợi. Vì vậy, thức ăn được nấu mềm sao cho bé có thể nhai bằng lợi (độ mềm như chuối là vừa). Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:5. Có thể tập cho bé ăn những món ăn cứng hơn một chút. Thức ăn của bé được cắt to khoảng 0,5 cm, dài khoảng 2 ~ 3 cm để bé có thể tự bốc ăn hoặc cầm nĩa ghim thức ăn cho vào miệng.
Bé có thể ăn được hầu hết các loại rau. Có thể cho bé ăn cả phần cuống rau bina nếu được cắt khúc vừa ăn. Với món trứng, bé có thể ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng; tuy nhiên phải là trứng đã nấu chín hoàn toàn. Bé có thể ăn hầu hết các món cá nấu chín. Nên cho bé ăn thêm gan gà, các loại thịt có màu đỏ, đậu quả, đậu hũ để bổ sung chất sắt.

3.4. Giai đoạn 4 (12 – 15 tháng tuổi) – bé tập ăn cơm

Bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính cùng thời gian với bữa ăn của người lớn. Giai đoạn này bé có thể ăn được thức ăn to và cứng hơn giai đoạn trước. Có thể cho bé ăn cơm nát rồi đến cơm. Ngoài ra, tập cho bé tự ăn bằng muỗng và nĩa.
Mục tiêu của giai đoạn này là cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để hướng đến việc ngừng cho bé uống sữa bột. Lúc này, bé có thể ăn gần như người lớn, vì vậy nên cho bé ăn cân bằng dinh dưỡng bằng nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, thức ăn của bé vẫn được nêm nhạt. Lượng muối nêm cho bé bằng 1/4 muỗng nhỏ (1 muỗng nhỏ bằng 2,5 g).
Để tập cho bé biết tự ăn, nên chế biến các món mà bé có thể tự bốc ăn như các món làm từ bánh mì lát hoặc cơm nắm. Nên tạo thức ăn có hình dạng và màu sắc bắt mắt để bé thích ăn hơn.
Bảng thời gian ăn dặm trong ngày
Bảng lượng thức ăn cho mỗi bữa

4. Lưu ý khi tập cho con ăn dặm kiểu Nhật

Khi mới cho ăn dặm, mẹ nên hạn chế dùng các gia vị có nhiều dầu, muối hay đường hoặc nêm muối. Như vậy, bé có thể biết được vị tự nhiên của thực phẩm, từ đó đưa ra lựa chọn (thích hoặc không thích, ăn ít hoặc ăn nhiều).
Bữa ăn dặm nên được tách ra riêng biệt so với cữ sữa của bé. Một phần là để cho bé nhận thức được đó là ăn dặm, phần khác quan trọng hơn là để phòng ngừa khả năng rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra nếu kết hợp thực phẩm nào đó với sữa.
Thời gian cho ăn thường được khuyên là 9 – 10h sáng, đây là thời điểm bé tỉnh táo và dễ dàng hợp tác. Tuy nhiên giờ ăn có thể thay đổi để phù hợp với lịch sinh hoạt của từng gia đình.
Mẹ có thể tham khảo các sản phẩm hỗ trợ mẹ chế biến đồ ăn dặm cho bé tại đây. Chúc các mẹ có được cho mình phương pháp cho trẻ ăn dặm khoa học nhất để bé tăng cân đều và khỏe mạnh nhé!
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *