Ăn dặm kiểu Nhật là một phương pháp tập cho bé làm quen với đồ ăn thô rất được lòng các mẹ Việt. Cho bé ăn kiểu Nhật như thế nào cho đúng chuẩn là mối quan tâm của nhiều mẹ bỉm. Nếu đang “nhắm trúng” kiểu ăn này cho bé cưng, mẹ đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Bibo Mart để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé!
1. Khi nào bắt đầu cho bé ăn kiểu Nhật?
Theo khuyến cáo, 5-6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để bé bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có sự phát triển của riêng mình, có bé bắt đầu ăn sớm, có bé sẽ ăn trễ hơn. Chính vì vậy, thay vì cứ “chăm chăm” vào một mốc thời gian nhất định, mẹ nên quan sát một số biểu hiện của con để chắc chắn bé đang muốn đa dạng hóa bữa ăn của mình.
Mẹ nên bắt đầu khi bé có thể ngồi vững, kiểm soát tốt đầu, cổ; bé biết mở miệng mỗi khi mẹ đưa muỗng vào và có khả năng dùng lưỡi đẩy. Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý đến tay và mắt của con mỗi khi nhìn thấy thức ăn. Bé có nhiệt tình “theo dõi” mỗi khi có ai ăn uống? Hay bé có cố gắng dùng tay bắt lấy thức ăn? Nếu câu trả lời là có, cục cưng của bạn đã sẵn sàng ăn dặm rồi đấy!
>>> Xem thêm: Dấu hiệu cho mẹ biết con muốn ăn dặm
2. Tiêu chí chọn thực phẩm ăn dặm kiểu Nhật cho bé
Mẹ nên cố gắng cân bằng 4 nhóm thực phẩm trong khẩu phần ăn của con, bao gồm: bột, đạm, béo và vitamin. Nhớ luân phiên đổi món để con tập làm quen với nhiều loại thức ăn khác nhau, mẹ nhé!
Mẹ có thể cho con bắt đầu với những món sau:
– Tinh bột: cháo loãng (gạo), bánh mì, bún, miến, khoai lang, chuối, khoai tây,…
– Đạm: đậu hũ, lòng đỏ trứng, cá, bột nếp, sữa chua, phô mai,…
– Béo: cá hồi, dầu oliu, dầu mè,…
– Vitamin: cải bó xôi, bí đỏ, cà chua, cà rốt, cải ngọt, bắp cải, củ cải, táo, cam, dâu, hành tây,…
3. Gợi ý thực đơn ăn kiểu Nhật cho bé 5-6 tháng
Tuần thứ nhất
Để bé tập quen dần, mẹ nên bắt đầu với cháo loãng, xay nhuyễn trong suốt tuần đầu tiên. Trong 1-2 ngày đầu, mẹ chỉ nên cho con ăn 1 muỗng cháo nhỏ, khoảng 5 ml, mỗi ngày 1 lần. Khi bé quen dần, mẹ có thể tăng thêm 1-2 muỗng mỗi lần ăn.
Tuần thứ 2
Ngoài cháo loãng, mẹ có thể bắt đầu cho bé thử một số loại rau, trái cây mềm, dễ tiêu như cà rốt, bí đỏ, chuối… Cho bé ăn từng ít một, bắt đầu với 4 muỗng cháo và 1 muỗng rau mỗi ngày; sau đó tăng lên 5 cháo và 2 rau mỗi bữa. Nên nhớ, con cũng chỉ cần ăn một bữa trong giai đoạn này thôi mẹ nhé!
Tuần thứ 3
Khi con đã quen dần với thức ăn, mẹ có thể tăng thêm khẩu phần cho bé với 6 muỗng cháo và 3 muỗng rau. Đây cũng là thời điểm thích hợp nếu mẹ muốn cho con nếm thử món cá, nhưng chỉ một muỗng nhỏ là được rồi mẹ nhé! Lưu ý, nếu cho bé ăn cá, mẹ nên lấy hết xương và nghiền nhuyễn cá để con không bị nghẹn khi ăn.
Tuần thứ 4
Ở tuần thứ 4, mẹ có thể tiếp tục cho con ăn khẩu phần như tuần thứ 3, và tăng dần số lượng khi bé quen dần. Hết tháng đầu tiên, mỗi bữa ăn, bé cưng đã có thể ăn được khoảng 30 g cháo, 15g rau và khoảng 5 g cá.
Tháng thứ 2
Sang giai đoạn 2, mẹ vẫn tiếp tục duy trì khẩu phần ăn với đủ các nhóm tinh bột, đạm, và rau xanh cho bé. Tuy nhiên, sang tháng mới này, thực đơn ăn dặm của con sẽ tăng lên 2 bữa/ ngày.
4. Lưu ý khi cho bé ăn dặm
– Đây là giai đoạn tập cho bé làm quen với các dạng thức ăn khác nhau. Tuy nhiên, sữa vẫn là thực phẩm chính trong ngày của bé. Mẹ nhớ nhé!
– Để bé không bị nghẹn, mẹ nên chú ý đến độ nhuyễn, mịn của các loại thực phẩm cho bé. Cháo nên được pha loãng với tỷ lệ 1 phần gạo và 10 phần nước. Nếu sử dụng cơm để nấu cháo cho con, mẹ cũng nên tuân thủ tỷ lệ 1: 4,5.
– Không nên ép con ăn, nếu con không thích. Khi bé từ chối, mẹ có thể ngưng một vài ngày. Sau đó tiếp tục thử lại trong những ngày tiếp theo.
– Tập cho bé ăn đúng bữa, và ngồi chung với ba mẹ trong khi ăn.
– Mỗi khi muốn giới thiệu món mới cho con, mẹ nên thử trong 3-4 ngày, để đảm bảo con không bị dị ứng.
– Vì phương pháp ăn dặm kiểu Nhật chủ yếu với mục đích giúp con làm quen với mùi vị của các loại thực phẩm, giúp bé phát triển khả năng vị giác nên mẹ không cần thêm bất cứ loại gia vị nào vào thức ăn của con. Bên cạnh đó, việc thêm muối, đường vào thực phẩm của bé trong giai đoạn này là không cần thiết.
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care