Bé 5 tháng có nên cho ăn dặm không?

Bé 5 tháng có nên cho ăn dặm không? Bé 5 tháng không chịu bú sữa mẹ, cũng không chịu ăn sữa ngoài thì phải làm sao? Thực đơn ăn dặm của bé như thế nào? Đây ắt hẳn là nỗi băn khoăn của không ít bậc làm cha mẹ khi con bước sang giai đoạn phát triển mới. Mời mẹ đọc bài viết tư vấn dưới đây của chuyên gia Bibo Care để được giải đáp những thắc mắc này nhé!

1. Bé 5 tháng ăn dặm được không?

Theo các bác sĩ, các mẹ vẫn nên cho bé ăn dặm khi bé đã được 6 tháng tuổi. Đây là thời điểm lý tưởng để cơ thể cũng như tâm lý của con có thể thoải mái tiếp nhận nguồn dinh dưỡng mới.
Nếu cho trẻ ăn bổ sung quá sớm sẽ không có lợi cho cả mẹ và con. Hệ tiêu hóa của bé dưới 6 tháng chỉ thích hợp để hấp thụ các thức ăn lỏng như sữa mẹ. Các loại thức ăn bổ sung chế biến ở mức độ lỏng như sữa mẹ thì thường có giá trị dinh dưỡng thấp hơn sữa mẹ; không đủ để đảm bảo cho sự phát triển bình thường của trẻ.
Ăn dặm sớm cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là bệnh tiêu chảy. Vì trong thức ăn bổ sung không có những yếu tố kháng khuẩn, yếu tố tăng cường miễn dịch và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như sữa mẹ.
Các loại ngũ cốc, rau quả từ thức ăn bổ sung cũng có thể làm hạn chế việc hấp thụ sắt trong sữa mẹ, dễ gây thiếu máu cho trẻ. Ngoài ra, trẻ ăn dặm sớm sẽ thường xuyên bỏ bú mẹ. Điều này gây giảm bài tiết sữa mẹ, khiến mẹ thường xuyên thấy căng nhức ở bầu ngực và đầu vú.
Bé 5 tháng ăn dặm được chưa?
Bé ăn dặm quá sớm có thể khiến mẹ bị giảm tiết sữa

2. Những nguyên tắc khi cho bé 5 tháng ăn dặm

Trong những trường hợp nhất thiết phải cho bé ăn dặm để bé có thể phát triển tốt thì cũng có thể cân nhắc để cho trẻ ăn ở tháng thứ 5. Ví dụ như cơ địa mẹ quá ít sữa, không đủ dưỡng chất cho con; hoặc khi bé phát triển toàn diện từ sớm; bé cần đến nguồn cung dưỡng chất mới để đủ năng lượng hoạt động.
Tuy nhiên, mẹ cần nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc cho bé ăn dặm dưới đây:

2.1. Cho bé ăn từ ít đến nhiều

Mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ăn bột với ½ bát ăn cơm bột mỗi bữa; 1-2 bữa một ngày. Ngay cả khi bé ăn rất ngon miệng và ăn “hết veo” nửa bát bột trong bữa ăn đầu tiên, mẹ cũng không nên cho bé ăn thêm. Nên tuân thủ quy tắc này vì hệ tiêu hóa của bé còn non nớt. Nếu mẹ cho bé ăn quá nhiều bột, bé có thể bị rối loạn tiêu hóa.

2.2. Ăn bột từ loãng đến đặc

Do bé đang quen với thức ăn chính là sữa nên khi mới cho ăn dặm, mẹ nên pha loãng bột cho con. Nếu mua bột ăn dặm bán sẵn (đóng hộp), mẹ nên tuân thủ cách pha bột theo hướng dẫn trên bao bì. Nếu là bột mẹ tự xay thì khi pha bột, mẹ nên pha thành hỗn hợp loãng, mịn và sánh như kem là được.

2.3. Cho bé ăn từ ngọt đến mặn

Khi tập cho bé ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn bột có vị ngọt (tức là bột gạo, bột yến mạch… nấu cùng rau, củ quả và không nêm gia vị). Sau khoảng 2-4 tuần, có thể nấu bột mặn cho bé (bột cùng với thịt, cá…).
bé 5 tháng ăn dặm
Mẹ nên tuân thủ các nguyên tắc cho bé ăn dặm để bé hấp thu tốt nhất

2.4. Để bé làm quen với loại thức ăn mới 3-5 ngày

Cách này giúp mẹ phát hiện xem bé có bị dị ứng với thức ăn dặm đó không. Sau khoảng 3 ngày, nếu bé không phản ứng với loại thức ăn nhất định như nổi ban, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài,… thì hãy chuyển sang cho bé tập ăn thực phẩm khác.

2.5. Cung cấp đủ chất béo cho bé

Thực tế, các loại chất béo tốt nếu biết cách dùng sẽ giúp bé dễ tiêu hóa, hấp thu các dưỡng chất khác; đồng thời lại rất giàu năng lượng giúp bé năng động cả ngày dài. Không những thế, mỡ hay dầu ăn còn cung là yếu tố quan trọng để cơ thể trẻ hấp thu vitamin D và canxi. Mẹ có thể bổ sung một số loại dầu thực vật an toàn với trẻ nhỏ như dầu oliu, dầu gấc, dầu mè,… vào bữa bột hàng ngày cho trẻ.

3. Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi

Khi trẻ đến giai đoạn ăn bổ sung, mẹ cần bổ sung 4 nhóm thực phẩm gồm:
  • Nhóm bột đường: bột gạo, bột mì, bánh mì, mì ăn dặm, cháo, khoai, bắp.
  • Nhóm đạm: nguồn động vật như thịt, cá, trứng, sữa, tôm tép, lươn…; nguồn thực vật như đậu nành, các sản phẩm chế biến từ đậu nành và các loại đậu đỗ khác.
  • Nhóm chất béo: dầu, mỡ, bơ, hạt có dầu.
  • Nhóm vitamin và chất khoáng: rau củ, trái cây các loại.

Tùy vào sự phát triển của bé mà mẹ có thể điều chỉnh thực đơn cũng như thời gian ăn dặm cho phù hợp. Mẹ cần kiên nhẫn để tìm ra phương pháp ăn dặm phù hợp nhất cho bé. Bibo Mart chúc mẹ “mát tay” trong việc nuôi con khỏe mạnh, lớn nhanh mẹ nhé!

Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *