Mít, xoài, vải là những loại trái cây mùa hè có hương vị đậm đà, thơm ngon và nhiều tác dụng chữa bệnh nên được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, một số người có quan niệm rằng, đó là loại trái cây nóng nên thường ít ăn, hoặc không cho trẻ ăn vì sợ mọc mụn nhọt, rôm sảy. Vậy sự thực, mít, xoài, vải có tốt cho sức khỏe không? Và làm thế nào để ăn vào mùa hè nhiều mà không lo nóng trong người?
Bibo Mart xin tổng hợp những giải đáp của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia về chế độ ăn uống trong mùa hè này.
Xem thêm: Ăn vải đúng cách để không bị nóng
Quan niệm sai lầm về trái cây nóng
Quan niệm về trái cây nóng – mát của nhiều người thực ra chưa chính xác. Bản chất chúng là những quả nhiều ngọt (đường). Vì vậy nếu ăn nhiều có thể cảm giác nóng sau khi ăn. Nhất là những người bị rối loạn đường máu hay tiểu đường, dư cân, béo phì nên hạn chế ăn các loại quả cho nhiều vị ngọt và cung cấp nhiều năng lượng.
Thực tế, quả ngọt vẫn cung cấp nhiều vitamin, chủ yếu là vitamin C nên những đối tượng nêu trên vẫn ăn được vừa phải. Tuy nhiên, ăn quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Còn những người không thuộc diện phải ăn kiêng thì vẫn ăn bình thường.
Bạn nên cho bé ăn đa dạng các loại quả khác nhau thì sẽ cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Mỗi lần nên khoảng từ 80-100 gram.
Giải đáp thắc mắc về việc ăn trái cây nóng
Xin bác sĩ tư vấn mùa hè này ăn gì để cơ thể mát và khỏe?
Để khỏe, bạn nên ăn cân đối, đa dạng thực phẩm (15-20 loại mỗi ngày). Bạn nên thay đổi các thực phẩm thường xuyên để cơ thể đủ chất dinh dưỡng hơn. Khẩu phần ăn phải đáp ứng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng: Năng lượng, chất đạm, chất béo thiết yếu, vitamin và khoáng chất.
Để mát, bạn nên ăn nhiều rau xanh các loại (300-500 gram/ngày), quả chín (100-300 gram) vào mùa hè. Bạn nên chọn các loại ít ngọt, có tính chất nhuận tràng như thanh long, chuối, đu đủ, lê, bưởi, cam, quýt… Ngoài ra, bạn nên uống đủ nước: người trưởng thành 2-2,5 lít/ngày.
Xin hỏi bác sĩ, có nên uống một số thực phẩm có khả năng giải độc gan, thận trong mùa hè không để da khỏi mụn nhọt?
Các bạn nên uống một số thực phẩm có khả năng giải độc gan theo Đông y, hoặc thức uống truyền thống của người Việt Nam như: trà atiso, giảo cổ lam, trà nụ vối, râu ngô, bông mã đề… Những thức uống này có tác dụng lợi tiểu, kèm theo thải chất cặn bã trong cơ thể ra ngoài. Điều này sẽ khiến da đẹp hơn và giảm tình trạng mụn nhọt.
Thưa bác sĩ, mùa hè là thời điểm tôi nổi rất nhiều mụn trứng cá. Tôi phải tránh các đồ ăn nào để giảm bớt mụn trứng cá?
Bạn nên tránh ăn những thực phẩm có nhiều đường ngọt như: nước ngọt, bánh kẹo ngọt, những quả chín nhiều đường, thực phẩm rán – nướng ở nhiệt độ cao. Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt, uống nhiều nước có tác dụng mát gan, có thể làm giảm mụn trứng cá. Bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được điều trị đúng cách, giảm mụn trứng cá.
Tôi rất thích ăn cà muối. Xin bác sĩ cho biết tại sao ăn cà lại nóng? Ăn vào mùa hè nhiều có tốt hay không? Làm sao để hạn chế tác hại của chúng?
Thực ra cà muối không gây nóng nhưng ăn vào mùa hè nhiều không tốt vì món này thường có nhiều muối. Nếu ăn nhiều và thường xuyên có thể làm tăng huyết áp. Lưu ý người bị tăng huyết áp, suy thận, suy tim nên hạn chế ăn.
Bác sĩ cho hỏi ăn nhiều ớt có tác hại gì không?
Ăn quá nhiều ớt có thể gây kích ứng, viêm niêm mạc dạ dày. Bạn không nên ăn quá nhiều ớt, nhất là những người có tiền sử đau dạ dày, viêm đại tràng.
Tôi nghe nói uống nước lạnh sẽ làm các mạch máu trong cơ thể cũng lạnh theo, có hại cho sức khỏe. Điều này đúng hay sai thưa bác sĩ?
Điều này có phần đúng. Bởi khi ta uống nước đá (hoặc nước để tủ lạnh), các mạch máu ở vùng họng sẽ co lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, nên dễ mắc viêm họng.
Các bạn nên hạn chế uống nước lạnh, ăn kem nhiều (dù mùa hè hay mùa đông). Nhất là các cháu bé, nếu ăn vào mùa hè nhiều dễ bị viêm họng mãn tính.
Một ngày uống bao nhiêu cốc nước là đủ thưa bác sĩ? Tôi nghe nói uống quá nhiều nước cũng không tốt.
Một ngày đối với người trưởng thành trung bình cần khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Nước bao gồm các dạng: nước uống, nước canh, sữa… Nếu bạn uống quá nhu cầu, thận sẽ phải làm việc nhiều để đào thải nước. Điều này không tốt cho sức khỏe, vì có thể làm mất một số khoáng chất.
Thực phẩm không nên ăn
Mùa hè tôi hay uống sắn dây cho mát nhưng cháu được biết sắn dây kết hợp cùng mật ong sẽ tạo thành chất độc chết người nên rất lo sợ. Xin hỏi bác sĩ điều này có đúng không? Khi uống sắn dây, chúng ta có cần lưu ý gì không?
Uống sắn dây kết hợp cùng mật ong tạo chất độc chết người là không chính xác. Bạn vẫn có thể nấu chè bột sắn dây và thêm mật ong cho thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng. Nhưng điều kiện là mật ong phải đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm khi chế biến.
Ngoài ra, cần lưu ý những người viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa không nên sử dụng vì sắn dây mát có thể gây nhuận tràng.
Xin bác sĩ tư vấn trong các thực phẩm ăn hàng ngày, có món ăn nào kỵ nhau gây nguy hiểm cần tránh không?
Thực tế, các thực phẩm không kỵ nhau đến mức gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chỉ có những thực phẩm có thể tác dụng hiệp đồng hoặc gây hạn chế tác dụng của nhau. Ví dụ: uống trà, cà phê đặc ngay sau bữa ăn có thể gây hạn chế hấp thu sắt. Nước, quả chín giàu vitamin C lại giúp tăng cường hấp thu sắt.
Nếu bạn ăn các loại rau nhuận tràng cùng với hải sản như hàu, ngao… (là những thực phẩm dễ nhiễm khuẩn) cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Xem thêm: Thực phẩm kỵ nhau, trẻ ăn vào dễ bệnh
Tôi thường xuyên bị dị ứng nổi mề đay. Xin bác sĩ cho biết cần lưu ý gì trong ăn uống và khám xét tại đâu, hay để tự khỏi?
Bạn nên tránh những thực phẩm gây dị ứng theo cơ địa. Nên uống thêm các loại lá có tác dụng lợi tiểu, thêm vitamin C, ăn loại quả mát (bưởi, cam, quýt, thanh long…) để giảm dị ứng. Bạn nên đi khám các bác sĩ da liễu, dị ứng để được hỗ trợ điều trị tốt hơn.
Thưa bác sĩ, nước đậu nành có tốt cho sức khỏe không? Trẻ nhỏ học lớp mẫu giáo trở xuống có nên uống nhiều vào mùa hè này không? Tôi nghe nói nước đậu nành dẫn tới vô sinh đúng hay sai?
Nước đậu nành tốt cho sức khỏe vì giàu đạm, canxi. Trẻ trước khi học mẫu giáo có thể uống được hàng ngày xen kẽ với sữa bò. Sữa đậu nành không dẫn tới vô sinh. Bạn có thể sử dụng thoải mái.
Thưa bác sĩ, con tôi 8 tháng tuổi. Do nắng nóng, rất oi bức nên em muốn hỏi chế độ ăn cho bé để tránh bệnh tật. Ngoài ra bé thiếu canxi mà cháu không chịu uống bất lỳ loại thuốc bổ sung canxi nào, vậy tôi nên làm thế nào?
Cha mẹ nên cho con ăn theo độ đa dạng thực phẩm và đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cháu. Nếu cháu không chịu uống canxi, cha mẹ cho cháu uống sữa (600 ml/ngày), bổ sung phô mai, sữa chua – những thực phẩm giàu canxi. Ngoài ra, bạn nên cho con tắm nắng trong 15-20 phút/ngày, vào lúc mới có ánh nắng mặt trời, để đủ vitamin D và giúp hấp thu canxi được tốt hơn.
Xin bác sĩ tư vấn thực đơn ăn cho bà bầu tháng thứ 8 trong mùa hè nóng bức này?
Bạn nên ăn chế độ bồi dưỡng hơn mức bình thường và thay đổi thực phẩm thường xuyên. Buổi sáng, bạn có thể ăn bún hoặc phở, giữa buổi nên uống một cốc sữa bà bầu. Buổi trưa ăn 2-3 lưng bát cơm, kèm theo thức ăn đủ chất (thịt, cá, tôm, cua, rau xanh, quả chín…). Giữa buổi chiều nên uống thêm một cốc sữa, hoặc bánh bà bầu. Buổi tối ăn tương tự bữa trưa. Quả chín bạn nên ăn 200-300 gram/ngày. Bạn nên uống viên đa vi chất bà bầu, ví dụ: Prenatal-DHA với 1 viên/ngày. Bạn nên bổ sung thêm canxi 200 mg/ngày.
Tổng hợp