Rất nhiều chị em mắc chứng đau dạ con sau sinh. Những cơn đau do co dạ con thậm chí còn được ví là kinh khủng hơn cả đau đẻ. Chuyên gia Bibo Care xin gợi ý một số cách giảm cơn đau dạ con trong bài viết sau. Các mẹ bỉm nhớ thuộc lòng những “bí kíp” dưới đây để đẩy nhanh quá trình phục hồi dạ con nhé!
1. Đau dạ con sau sinh là gì?
Dạ con, hay còn gọi là tử cung, là nơi thai nhi làm tổ và phát triển trong suốt thai kỳ. Sau sinh, chị em có thể cảm thấy đau đớn do tử cung co thắt để trở lại kích cỡ lúc trước khi mang thai. Dạ con co thắt càng mau, càng mạnh bao nhiêu, thì bạn càng ít có khả năng xuất huyết bấy nhiêu; đồng thời sức khỏe sinh sản cũng nhanh trở lại trạng thái bình thường.
2. Nguyên nhân gây đau dạ con sau sinh
Khi em bé ra đời, tử cung vẫn phải tiếp tục co bóp, gò để tống đẩy sản dịch ra ngoài, đồng thời trở về trạng thái ban đầu. Phần khác, do lúc này mẹ đã gần như vắt kiệt sức để rặn đẩy bé ra ngoài, cơ thể yếu đi nên sức chịu đựng rất kém; do đó sẽ cảm thấy cơn đau tê tái hơn khi tử cung co.
3. Cách giảm cơn đau tử cung cho mẹ bỉm hiệu quả
Cơn đau dạ con sẽ kéo dài một vài ngày sau sinh, thậm chí lâu hơn. Cho đến khi sản dịch được tống hết và dạ con trở về trạng thái ban đầu, mẹ sẽ phải “vật vã” khá nhiều để chịu đựng đấy! Để “xoa dịu” bớt cơn đau dạ con sau sinh, mẹ có thể tham khảo một số mẹo dân gian khá hiệu nghiệm dưới đây:
3.1. Ăn gà xào nghệ
Từ xa xưa, nghệ đã được biết đến với vô số công dụng làm đẹp, kháng viêm, tăng cường miễn dịch,… Nhờ đó mà loại củ này được coi như “thần dược” bảo vệ mẹ và em bé suốt thai kỳ. Không chỉ vậy, nghệ còn hỗ trợ giảm đau sau sinh cực kì hiệu nghiệm.
Chỉ cần một nhánh nghệ tươi thái lát, đem xào với thịt gà ăn mỗi ngày; mẹ sẽ bớt bị hành hạ bởi con co dạ con rất nhiều. Theo dân gian, nếu xào thịt gà trống nhỏ, chưa gáy cùng nghệ thì sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên mẹ có thể dùng thịt gà thường cũng rất tốt.
3.2. Ăn gân bò hầm đu đủ
Ngoài cách ăn gà xào nghệ để giảm đau dạ con, mẹ có thể chuẩn bị trước món gân bò hầm đu đủ xanh. Chưa kể món ăn này còn giúp sữa về nhanh, về nhiều sau sinh.
Mẹ nên chọn phần gân bò to, màu vàng (không phải gân lọc từ thịt). Với đu đủ, nên chọn quả non một chút sẽ giúp gân bò nhanh nhừ hơn. Đem 2 nguyên liệu sơ chế sạch rồi hầm cho nhừ rồi thưởng thức. Nếu phù hợp, mẹ sẽ thấy hiệu quả giảm đau tức thì, sữa cũng về dạt dào cho bé bú thỏa thích.
3.3. Mề gà nướng
Một kinh nghiệm giảm đau dạ con của rất nhiều các bà, các mẹ truyền lại nữa, đó là ăn mề gà nướng. Theo đó, đem thịt hai con gà còn tơ rồi lấy mề, cạo rửa sạch sẽ; tuy nhiên mẹ nhớ để nguyên phần màng màu vàng trong mề. Đem ướp muối nướng chín kĩ và ăn ngay sau sinh sẽ giảm đau cực hiệu nghiệm. Tuy nhiên, “tác dụng phụ” của món này là khá cứng và khô nên có thể khiến mẹ không mấy khoái khẩu.
3.4. Mát-xa bụng
Cách đơn giản nhất để cơn đau dạ con bớt hành hạ tức thì là mẹ có thể tự mát-xa hoặc nhờ người thân xoa bụng giúp. Cách này cũng hỗ trợ sản dịch ra nhanh hơn. Sinh xong, mẹ có thể sờ thấy một khối cưng cứng ở vùng bụng dưới. Đó chính là tử cung đang co bóp để trở về trạng thái ban đầu. Để bớt đau, mẹ hãy dùng tay xoa quanh vùng bụng cứng đó theo chiều kim đồng hồ cho đến khi thấy mềm dần.
3.5. Cho bé bú
Cách này được ví như là “lấy độc trị độc” vậy. Khi mẹ cho bé bú, dạ con được kích thích co bóp nhiều hơn và mẹ sẽ cảm thấy đau dữ dội nhất. Khi bé bú sẽ kích thích cơ mẹ sản sinh ra hormone oxytocin, kích thích tử cung co nhanh hơn. Thay vì cơn đau âm ỉ cả ngày dài, cách này có thể khiến mẹ ê ẩm khi cho con ti nhưng lại thấy thoải mái hơn khi bé bú xong đó.
4. Lưu ý khi bị đau dạ con
- Mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc giảm đau nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Bởi một số loại thuốc không được khuyên dùng cho mẹ đang cho con bú. Chúng có thể gây giảm tiết sữa hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé.
- Một số mẹ truyền tai nhau sử dụng viên giảm đau đặt hậu môn sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng. Thế nhưng cách này tuyệt đối không nên sử dụng vì làm giảm cơn co tử cung, dễ gây xuất huyết trầm trọng. Một số trường hợp bác sĩ còn phải tiêm thuốc kích thích co vì mẹ lỡ dùng thuốc không theo hướng dẫn.
- Chườm nóng, chườm nước ấm,… cũng không được khuyên dùng trong trường hợp này. Theo quy luật tự nhiên, tử cung sau khi giãn ra để bao bọc em bé thì có thể tự co lại về kích thước ban đầu. Vì vậy, những biện pháp này có thể gây hại cho cơ thể của mẹ đó!