Thay vì làm bài tập hộ con, giám sát, đốc thúc con học, cha mẹ thông thái sẽ hướng dẫn, hỗ trợ và giúp con hình thành thói quen học tập khoa học.
Đang là kỳ nghỉ hè và các con không phải đến trường. Thời gian này chính là lúc các bé được vui chơi và tự ôn tập ở nhà. Tuy nhiên tâm lý ba mẹ lại luôn bị đè nặng bởi áp lực bài vở, điểm sổ và thành tích của con trong năm học cũ và năm học mới sắp đến, nên nhiều bậc phụ huynh mắc sai lầm trong việc dạy con học tại nhà, điển hình là ép con học, kiểm soát giờ giấc học quá chặt…
Trang web Brightside đã chỉ ra 10 bước quan trọng, đem lại hiệu quả tích cực trong học tập cho các bé, giúp cha mẹ có cái nhìn rõ nét hơn về vai trò hỗ trợ con cái trong học tập.
Bí quyết số 1: Không làm bài thay con
Bố mẹ không nên có suy nghĩ phải chịu trách nhiệm về việc học của con em mình. Hãy nhớ rằng con cần tự làm bài, tự suy nghĩ và bố mẹ chỉ giúp đỡ khi con thật sự cần. Thói quen học tập lành mạnh nên được hình thành và phát triển ngay từ ngày đầu đến trường chứ không nên đợi để con qua cấp 1 hay cấp 2 mới rèn luyện.
Bí quyết số 2: Hướng dẫn con phương pháp học
Cha mẹ nên hướng dẫn con cách học và làm bài ở nhà một cách khoa học và đúng đắn. Giải thích cho con hiểu lý do tại sao cần tuân theo quy trình, quy tắc nhất định, thành quả và hậu quả của những hoạt động học tập đó cụ thể là gì. Cha mẹ có thể đặt một quyển lịch ở bàn học của bé và để bé tự đánh dấu những nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành nhưng nếu bé chưa biết đọc và viết thành thạo, mẹ có thể làm giúp việc này cho con bằng cách viết ra và nhắc nhở con thực hiện.
Khi muốn tìm kiểm thông tin bài học, hạn chế dùng Internet vì dễ bị phân tâm bởi các nội dung không liên quan trên mạng, thay vào đó sử dụng từ điển, sách bách khoa toàn thư.
Bí quyết số 3: Bố trí không gian học cho con
Cha mẹ cần bố trí khu vực có đủ ánh sáng, dễ dàng tiếp cận tất cả các dụng cụ học tập cần thiết. Ngoài ra, cần loại bỏ các đồ dùng không cần thiết để không làm trẻ bị phân tâm. Sách vở, đồ dùng và tài liệu học của con cần được sắp xếp theo thứ tự và gọn gàng, dễ tìm kiếm mỗi khi cần. Nếu trẻ có anh chị em thì cần đảm bảo không làm gián đoạn và gây ảnh hưởng tới việc học của trẻ.
Bí quyết số 4: Dạy con biết sắp xếp thời gian
Trẻ nhỏ thường không có khái niệm về thời gian, chúng không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua và còn lại bao nhiêu thời gian nữa. Cha mẹ có thể sử dụng đồng hồ báo thức hoặc đồng hồ cát để giúp con đo lường thời gian.
Ví dụ đặt đồng hồ báo thức trước khi bắt đầu làm bài tập ở nhà. Đối với bậc trung học, thời gian tối ưu để làm bài tập về nhà không quá 2 giờ, và bậc tiểu học không nên quá 30 phút bởi sau giai đoạn này, trẻ sẽ rất khó tập trung.
Bí quyết số 5: Dạy bé kĩ năng đánh dấu việc cần được ưu tiên, hoàn thành trước
Kĩ năng phán đoán, phân tích và lựa chọn các loại bài tập, biết đánh dấu đâu là mục tiêu cần ưu tiên làm trước sẽ giúp trẻ định hướng và giảm bớt thời gian cũng như áp lực trong việc học. Một số gợi ý cần dạy trẻ như sau:
– Định hình về tổng khối lượng bài tập, trong đó có bao nhiêu bài dễ hiểu, và bao nhiêu bài là khó hiểu.
– Loại bài nào sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành và kiểu bài sẽ hoàn thành nhanh được.
– Những bài nào trẻ có thể tự làm và những bài nào trẻ cần trợ giúp.
Bí quyết số 6: Động viên, khích lệ con kịp thời
Việc lạm dụng lời khen hoặc phần thưởng sẽ chỉ khiến trẻ ảo tưởng và coi đó là điều tất nhiên. Thay vào đó, cha mẹ có thể đánh dấu cộng như một điểm thưởng cho các hoạt động học tập của con và động viên tinh thần học của con bằng bộ phim ngoài rạp mà con đang yêu thích, món đồ chơi mà con muốn hoặc kì nghỉ đến địa điểm vui chơi để bé được thoải mái và thư giãn.
Một cách khác để khuyến khích bé, cha mẹ có thể động viên bằng cách nói: &39;Con làm bài xong, mẹ con mình sẽ đi dạo, ăn kem hoặc xem phim nhé&39;. Nếu bé đã biết đếm và tính toán, mẹ có thể thưởng cho bé một ít tiền mua kẹo nhưng với điều kiện bé đếm được đúng số kẹo có thể mua với số tiền đó.
Bí quyết số 7: Dạy con kĩ năng đặt câu hỏi và trả lời đúng chủ điểm
Một số trẻ nhút nhát hoặc chỉ đơn giản là không biết làm thế nào để diễn đạt một cách chính xác những gì muốn hỏi hoặc nói ra. Cha mẹ hãy dạy con cách nói chuyện với thầy cô giáo, không nên rụt rè hay e ngại khi cần hỏi và lặp lại thắc mắc, nghi vấn cho tới khi hiểu rõ chủ đề và hoàn thành bài.
Bí quyết số 8: Dạy con kĩ năng sống hòa nhập và làm bạn
Mối quan hệ với bạn cùng lớp rất quan trọng đối với tất cả các bé. Sự tự tin và thành tích học tập của trẻ cũng phụ thuộc một phần vào những mối quan hệ bạn bè này. Cha mẹ hãy đóng vai trò như chiếc cầu nối tình bạn của các bé bằng cách tạo cơ hội cho trẻ đi bộ cùng nhau sau giờ học, mời bạn tới nhà chơi hoặc cùng tham gia các hoạt động.
Bí quyết số 9: Điểm số, thành tích học tập không phải là duy nhất
Cha mẹ hãy nhớ không nên quá tập trung và dồn mọi sự chú ý vào điểm số hay thành tích học tập của con. Đó không phải là điều duy nhất, cũng không phải là điều quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Hãy quan tâm đến cuộc sống của trẻ, sở thích, cảm xúc, quan điểm, mong muốn và các mối quan hệ bạn bè của trẻ.
Nói vậy không có nghĩa là cha mẹ không kiểm soát con, vai trò của cha mẹ vẫn nên là người giám sát, hỗ trợ và là &39;fan&39; của trẻ bằng cách hỏi han việc học của con ở trường, lắng nghe thắc mắc của con, giúp con khi con cần. Tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cả về trí tuệ và tinh thần cho con mới là điều cốt lõi.
Bí quyết số 10: Điểm số không quyết định sự thành công của một đứa trẻ
Việc cha mẹ lo lắng rằng điểm kém sẽ làm ảnh hưởng tới tương lai của con cũng là điều dễ hiểu. Nhiều cha mẹ còn đánh đồng quan điểm khi cho rằng con đạt điểm kém có nghĩa con là đứa trẻ ngớ ngẩn, lười biếng, vô trách nhiệm và không chịu học hành.
Nhưng liệu đã bao giờ cha mẹ tự hỏi con có thích ngôi trường mà cha mẹ đã chọn, môn học chuyên của lớp có thực sự phù hợp với khả năng của con, môi trường học của con có khiến con vui mỗi ngày tới trường, liệu con có khúc mắc gì chưa được giải đáp thỏa đáng hay không.
Trả lời được hết những câu hỏi này, cha mẹ sẽ biết được lí do con chưa đạt điểm cao, thành tích của con chưa cao và có cách điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng và năng lực của trẻ.
Nguồn: Brightside