Bổ sung sắt khi mang thai như thế nào cho tốt? Cần lưu ý những gì?
15 Th8
Bổ sung sắt sẽ giúp ích cho sức khỏe của mẹ và đảm bảo thai nhi phát triển trong thai kỳ. Tuy nhiên nên bổ sung sắt khi mang thai như thế nào cho tốt? Một vài phương pháp sau đây sẽ giúp bạn tăng khả năng hấp thu sắt cho cơ thể. Khám phá ngay cùng chuyên gia Bibo Care mẹ nhé!
Thông thường cơ thể phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành hấp thụ 8-15 mg sắt/ngày. Tuy nhiên con số này có thể tăng lên 27-30 mg/ngày nếu bạn mang thai. Khi có thai, nhu cầu sắt càng tăng cao để đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng cả mẹ và thai nhi trong bụng.
Sắt là khoáng chất thiết yếu để tái tạo và sản sinh huyết sắc tố (hemoglobin). Thiếu sắt sẽ dẫn tới thiếu máu, khiến cơ thể bị suy nhược, dễ mệt mỏi, nhức đầu,…
2. Bổ sung sắt khi mang thai như thế nào cho tốt?
2.1. Các thực phẩm giảm hiệu quả của việc bổ sung sắt cho cơ thể
Nếu bạn đang bổ sung canxi hoặc một loại thuốc có chứa canxi, đừng uống hai thứ này khi ăn các loại thực phẩm giàu sắt hoặc uống cùng lúc với viên sắt. Lý do là vì canxi cản trở quá trình hấp thu sắt của cơ thể. Bạn cũng không nên uống viên sắt cùng với sữa và các chế phẩm như phô mai, sữa chua,… Hãy uống sữa bầu ở thời điểm cách xa so với khi bổ sung sắt để tránh xảy ra phản ứng đối kháng giữa các chất.
Các nguyên tắc này cũng áp dụng với cà phê và rượu. Bởi trong các loại đồ uống này có chứa các polyphenol, gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu sắt từ viên sắt và thực vật.
Bên cạnh đó, tannin có trong trà, ca cao, hạnh nhân, nho,… cũng có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Vì thế mẹ bầu nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này khi đang bổ sung viên sắt trong thai kỳ.
2.2. Ăn gì để hấp thụ sắt tốt?
Thực phẩm giàu vitamin C
Nghiên cứu chứng minh vitamin C có thể tăng khả năng hấp thu sắt có nguồn gốc phi động vật. Do đó bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C trong thời gian uống viên bổ sung sắt hoặc ăn các loại rau củ giàu sắt.
Hãy thêm một ly nước ép cam/bưởi/chanh hoặc cà chua, dâu tây, ớt chuông xắt lát vào thực đơn hàng ngày nếu bạn đang bị thiếu sắt nhé.
Thực phẩm chứa nhiều vitamin A và beta-carotene
Không chỉ giúp ích cho thị lực, vitamin A còn giúp tăng hấp thụ sắt từ gạo và lúa mì. Có thể tìm thấy nhiều vitamin A và beta-carotene trong các loại rau củ quả có màu vàng cam như cà rốt, bí đỏ, khoai tây,…
Thịt, cá
Ăn thịt và cá cũng giúp bạn cải thiện khả năng hấp thu sắt nguồn gốc thực vật. Các nguồn cung cấp sắt có nguồn gốc động vật được cơ thể dễ dàng hấp thu hơn do chứa dạng sắt Heme. Các loại thịt bò, thịt gà, thịt lợn, thịt cá, gan động vật,… là lựa chọn lý tưởng để tăng hàm lượng sắt trong bữa ăn.
3. Uống thuốc bổ sung sắt có tác dụng phụ nào không?
Hàm lượng sắt cao trong thuốc có thể ảnh hưởng đến đường ruột. Tác dụng phụ thường gặp nhất khi uống viên bổ sung sắt là táo bón. Đây cũng là một vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ mang thai. Nếu muốn hạn chế bị táo bón, bạn nên thử uống sắt dạng nước.
Trong thời gian uống viên bổ sung sắt, thai phụ có thể bị ợ nóng, thấy khó chịu ở bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên, hiện tượng này ít xảy ra. Lời khuyên cho bạn là thử bổ sung sắt vào các thời điểm khác nhau trong ngày để tìm ra thời điểm thích hợp nhất.
Bạn có thể giảm liều lượng để cơ thể làm quen rồi từ từ tăng dần. Hoặc thử chia nhỏ lượng sắt cần uống thành nhiều liều để giảm thiểu sự khó chịu. Nếu các phương pháp này đều không hiệu quả, bạn có thể phải tìm cách bổ sung một phần hoặc toàn bộ lượng sắt cần thiết qua thực phẩm. Một giải pháp khác là dùng các loại thuốc có hoạt tính chậm hơn. Nếu các tác dụng phụ tiếp tục làm phiền bạn, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bạn cũng đừng lo lắng khi thấy phân có màu sẫm hơn sau khi uống viên bổ sung sắt. Đây là một tác dụng phụ bình thường và vô hại. Tuy nhiên, nếu trong phân có máu, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ.