Sặc sữa ở trẻ sơ sinh là hiện tượng khá thường gặp và rất nguy hiểm. Sặc sữa có thể để lại hậu quả nặng nề thậm chí là tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy, biết cách phòng tránh sặc sữa cho trẻ là vô cùng cần thiết. Muốn phòng tránh được, ba mẹ cần hiểu rõ những yếu tố dễ gây sặc cho trẻ.
Trẻ bị sặc sữa có thể bắt nguồn từ các yếu tố sau:
1. Bé ngậm vú không đúng
+ Với trẻ bú mẹ, mẹ cho bé ngậm vú sai. (Ngậm đúng là đầu ti của mẹ phải ở vị trí trung tâm miệng bé. Bé phải mở miệng rộng và ngậm hết quầng nâu ti mẹ).
+ Với trẻ bú bình: Núm vú không phù hợp với độ tuổi của bé (chọn núm vú của bình phù hợp với độ tuổi của bé). Cách cho bé ngậm núm của bình sai (đúng là miệng bé phải ngậm sâu và núm bình là trung tâm của miệng bé). Người cho bé bú phải giữ bình ở góc 45 độ (cụ thể là sữa phải đầy kín núm bình).
2. Tư thế mẹ cho bé bú không đúng
Dù mẹ ngồi hay nằm cho bé bú thì luôn phải đảm bảo từ đỉnh đầu đến mông bé nằm trên một đường thẳng. Do vậy nếu tư thế mẹ cho bú sai, cổ bé sẽ ngửa hoặc gập quá, bé rất dễ sặc.
3. Thời điểm mẹ cho bé bú không phù hợp
Nhiều mẹ cho bé bú khi bé đang ngủ vì thế bé dễ trào ngược gây nguy hiểm. Rất nhiều cha mẹ lập tức cho trẻ bú ngay khi trẻ có hiện tượng khóc cũng dễ gây sặc cho trẻ. Khi trẻ khóc, phải tìm hiểu nguyên nhân, sau đấy mới đáp ứng đúng với nhu cầu của trẻ.
4. Môi trường không đảm bảo
Mẹ lưu ý bé phải được bú sữa trong môi trường yên tĩnh, êm dịu.
5. Sau khi cho bé bú, ba mẹ đặt bé nằm lại ngay
Sau khi cho bé bú, nếu ba mẹ đặt bé nằm ngay thì bé rất dễ trớ do dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang, cơ vòng thượng vị phát triển chưa hoàn thiện. Cũng bởi vậy, sau khi trẻ bú, ba mẹ nên vỗ ợ hơi và bế bé 5-10 phút trước khi đặt bé nằm.
Loại trừ được các yếu tố này ba mẹ sẽ hạn chế tối đa hiện tượng sặc sữa ở trẻ sơ sinh. Chúc các ba mẹ thật hạnh phúc và tự tin trong hành trình làm cha mẹ.
Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé Bibo Care
Phòng đào tạo và tư vấn – Bibo Care