Chất béo là một loại dưỡng chất không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển não bộ của trẻ. Tuy nhiên nên bổ sung chất béo cho bé như thế nào để hợp lý là thắc mắc của nhiều bà mẹ. Cùng chuyên gia Bibo Care tìm hiểu về chất béo và những loại thực phẩm giàu chất béo tốt cho trẻ trong bài tổng hợp dưới đây nhé!
1. Vai trò của chất béo đối với trẻ nhỏ
Chất béo là nhóm chất dinh dưỡng chính và có vai trò cần thiết với cơ thể. Đây cũng là nguồn sinh năng lượng quan trọng, giúp cơ thể duy trì sự sống và cung cấp năng lượng để hoạt động. Cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin A, D, E, K đều cần đến chất béo là chất dung môi. Mỡ động vật, đặc biệt mỡ gan cá và một số mỡ động vật sống ở biển có nhiều vitamin A, D và axit arachidonic cần thiết cho cơ thể.
Trong những năm đầu đời, trẻ nhỏ phát triển và tăng trưởng nhanh cả về thể chất và tinh thần. Các thiếu hụt về chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là cơ quan thần kinh. Do vậy, với trẻ em, khẩu phần ăn cần đảm bảo đủ các chất béo tốt.
2. Vì sao phải bổ sung cả dầu thực vật và mỡ động vật?
Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: “Dầu thực vật hay mỡ động vật đều do chất béo cấu thành nhưng chúng có sự khác biệt. Trong dầu thực vật có nhiều axit béo chưa no có ích cho cơ thể bé. Nhưng dầu thực vật lại rất ít hoặc hầu như không có axit arachidonic. Đây là một axit béo không no có công dụng phát triển não bộ, cải thiện tinh thần và tăng cường đề kháng tự nhiên. Loại axit này lại được tìm thấy nhiều trong mỡ động vật.
Bên cạnh đó, chất béo của dầu thực vật là do axit không bão hòa tổ hợp thành, còn thịt mỡ là loại “chất béo nguy hiểm”. Nếu cho bé sử dụng nhiều mỡ động vật dễ dẫn tới các bệnh về tim mạch hoặc béo phì.”
3. Tổng hợp 5 loại thực phẩm bổ sung chất béo tốt cho bé
3.1. Dầu thực vật
Với các món cháo đã nấu chín, sau khi bắc xuống khỏi bếp, mẹ có thể trộn một vài thìa dầu cá hồi/ dầu mè/ dầu oliu vào thức ăn của con. Nếu muốn chế biến những món chiên xào, mẹ nên ưu tiên chọn dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu cọ,… Bởi những loại dầu này có điểm tạo khói cao; thích hợp với cách chế biến ở nhiệt độ cao mà không gây hại đến sức khỏe của bé.
3.2. Sốt mayonnaise
Trong 100g sốt mayonnaisecó 79g chất béo, bởi thành phần chính của loại nước sốt này là dầu và trứng. Khi cho con ăn bánh mỳ hoặc rau trộn, mẹ có thể trộn mayonnaise để tăng hương vị, kích thích con ăn ngon. Tuy nhiên không nên lạm dụng quá nhiều để tránh gây ngán.
3.3. Bơ đậu phộng
Trong 100g đậu phộng chứa 50g chất béo. Mẹ có thể phết bơ đậu phộng lên bánh mỳ cho con ăn sáng. Nhưng theo khuyến cáo, mỗi tuần, bé chỉ nên ăn 2 lần bơ đậu phộng. Lạm dụng loại bơ này có thể khiến con béo phì, tăng cân mất kiểm soát.
3.4. Phô mai
Trong 100g phô mai có 33g chất béo. Mẹ có thể cho bé ăn một miếng phô mai vào bữa ăn nhẹ buổi chiều; hoặc cho bé ăn bánh mỳ phết phô mai cũng rất tốt. Tuy nhiên một số loại phô mai sẽ có vị mặn; mẹ không nên để bé ăn quá nhiều, tránh làm hư thận của bé.
3.5. Trái bơ
Trong 100g thịt trái bơ, có chứa 17g chất béo. Chất béo trong trái bơ rất tốt cho sức khỏe của bé; đồng thời đây cũng là loại hoa quả dễ ăn, dễ chế biến. Mỗi ngày, mẹ cho bé ăn một cốc sinh tố bơ nhỏ sẽ rất tốt cho bé. Mẹ cũng có thể trộn bơ chung với sữa chua và ngũ cốc để bé ăn sáng trước khi đi học.
4. Những lưu ý khi bổ sung chất béo cho bé
- Không nên tái sử dụng dầu, mỡ đã rán và có mùi cháy khét: Dầu mỡ khi đã qua chế biến vừa mất đi nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng vừa dễ bị nhiễm khuẩn.
- Hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn rán (hoặc quay) bán sẵn ngoài hàng hay ngoài vỉa hè: Các loại thức ăn như bánh rán, bánh khoai, bánh chuối, gà quay, vịt quay… không đảm bảo vệ sinh và dĩ nhiên sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa vốn còn non nớt của bé.
- Không mua các loại mỡ cân đóng gói sẵn ngoài chợ: Tốt nhất, bạn nên chọn mua và sơ chế mỡ động vật từ mỡ lợn tươi sống.
- Các mẹ nên cân đối tỷ lệ giữa chất béo động vật với chất béo thực vật nên là 70% và 30%.
Nguồn: Afamily