Cách khắc phục biếng ăn sinh lý ở trẻ

Biếng ăn sinh lý là tình trạng thường gặp khi trẻ bước vào các giai đoạn phát triển khác nhau. Nếu ba mẹ không phát hiện và xử trí đúng cách, tình trạng này có thể chuyển thành biếng ăn tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Vậy làm cách nào để khắc phục tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ, giúp trẻ hứng thú với mỗi bữa ăn? Ba mẹ cùng bác sĩ Bibo Mart tìm hiểu ngay nhé!

 

1. Thế nào là biếng ăn sinh lý ở trẻ?

Có 3 dạng biếng ăn ở trẻ, đó là: biếng ăn tâm lý, biếng ăn bệnh lý và biếng ăn sinh lý. Trong đó, biếng ăn sinh lý là tình trạng trẻ đột nhiên chán ăn hoặc ăn ít hơn trong một giai đoạn nhất định. Thời gian biếng ăn sinh lý của trẻ thường diễn ra trong vài ngày hoặc kéo dài đến vài tuần tùy theo giai đoạn.

 

Biếng ăn sinh lý  ở trẻ là tình trạng trẻ đột nhiên chán ăn hoặc ăn ít hơn trong một giai đoạn nhất định

 

Cha mẹ nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau đây, khả năng cao là trẻ đã bị biếng ăn sinh lý:

Trẻ đột ngột biếng ăn:

Trẻ sơ sinh có biểu hiện bú ít hơn bình thường, không chủ động đòi bú, thậm chí từ chối bú mẹ. Với trẻ đang ăn dặm thì lượng ăn của trẻ rất ít. Trẻ gần như không muốn ăn bất cứ gì (kể cả món ưa thích), hoặc chỉ chọn ăn một số món nhất định.

 

Trẻ ngậm đồ ăn, lười nuốt:

Một số trẻ lại có thái độ không hợp tác, ngậm đồ ăn trong miệng rất lâu. Thậm chí còn khóc quấy, phun thức ăn ra ngoài không chịu nuốt… Bữa ăn có thể kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ trong sự mệt mỏi của cả mẹ và bé.

 

Trẻ nghịch ngợm, không chú ý tới việc ăn uống:

Trẻ thường không chịu ngồi yên, không tập trung trong bữa ăn.

 

Nhìn chung, biếng ăn sinh lý không để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ biếng ăn sinh lý kéo dài quá 1 tháng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Trong trường hợp này, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

 

2. Các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ

 

 

 

Biếng ăn sinh lý của trẻ bao gồm các giai đoạn sau:

Giai đoạn 3 – 4 tháng tuổi:

Đây là thời điểm trẻ bắt đầu tập lẫy, ngóc đầu, quan sát và khám phá môi trường xung quanh.

 

Giai đoạn 6 tháng:

Đây là lúc trẻ chuyển sang một chế độ ăn mới, tập ăn dặm và làm quen với nhiều loại thực phẩm mới.

 

Giai đoạn từ 9 – 10 tháng tuổi:

Lúc này, trẻ bắt đầu tập bò, tập đứng, tập đi nên những bữa ăn sẽ không còn hấp dẫn, kích thích như trước. Đây cũng là khoảng thời gian trẻ bắt đầu mọc răng khiến trẻ bị sưng đau hoặc sốt. Điều này gây mệt mỏi, khó chịu cho trẻ và dẫn đến chán ăn.

 

Giai đoạn từ 2 – 3 tuổi:

Thời điểm này trẻ bắt đầu đi nhà trẻ. Việc thay đổi môi trường sinh hoạt, chế độ ăn uống tác động không nhỏ đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ dễ bị biếng ăn.

 

3. Cách xử lý tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ

Để tình trạng biếng ăn sinh lý của trẻ trôi qua nhanh và nhẹ nhàng hơn, ba mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Chia bữa ăn của trẻ thành nhiều bữa trong ngày. Tăng lượng sữa và bữa ăn phụ nếu cần để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ.
  • Ưu tiên thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Ví dụ như các loại canh, súp, cháo, cơm nát ăn với trứng, cá… hoặc các món mà hàng ngày trẻ ưa thích.
  • Trình bày món ăn hấp dẫn, đẹp mắt. Điều này sẽ giúp kích thích vị giác, khiến trẻ muốn khám phá và thích ăn hơn.

 

 

  • Hướng sự tập trung của trẻ vào bữa ăn. Không cho trẻ xem tivi, điện thoại, ipad… trong khi ăn mà giúp trẻ tập trung ăn uống và hoàn thành bữa ăn trong 30 – 40 phút.
  • Không dọa nạt hay quát mắng để ép ăn. Điều này có thể khiến trẻ càng sợ ăn, biến thành chứng biếng ăn tâm lý rất khó khắc phục. Thay vào đó, cha mẹ hãy cư xử thoải mái trong mỗi bữa ăn, giúp trẻ thích nghi với giai đoạn phát triển thể chất mới.
  • Bổ sung thêm cho trẻ các vi chất cần thiết (kẽm, vitamin B1 và B6…) để cải thiện vị giác, ăn ngon miệng. Lưu ý nên bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 

Chúc các bé luôn ăn ngon và khỏe mạnh!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare