Trẻ bị sốt cần được chăm sóc như thế nào?

Sốt là một hiện tượng khá thường gặp ở trẻ. Biểu hiện này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm khuẩn, virus, phản ứng của cơ thể sau khi tiêm vaccine,… Vây khi trẻ bị sốt cần được chăm sóc như thế nào? Cha mẹ cùng tìm hiểu bài viết sau đây nhé!

 

1. Môi trường xung quanh phù hợp


+ Khi trẻ bị sốt, cần cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo. Chỉ cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng. Không đội mũ quàng khăn và mang tất để cơ thể dễ dàng thoát nhiệt.

+ Cho trẻ ở trong phòng thông thoáng. Nếu thời tiết nóng ,để điều hòa 25-26 độ C. Nếu không có điều hòa thì dùng quạt ở chế độ xoay nhưng không hướng trực tiếp vào người của trẻ.

 

2. Sử dụng thuốc hạ sốt 

Khi trẻ bị sốt trên 38 độ C, Paracetamol dạng uống hoặc đặt hậu môn là thuốc thường được dùng cho trẻ với liều lượng 10-15 mg/kg/lần (4-6 tiếng/lần). Cho bé uống theo chỉ định của bác sĩ.

 

3. Chườm ấm

Sử dụng khi trẻ bị sốt nhẹ hoặc trong khi chờ thuốc hạ sốt có tác dụng lúc bé sốt cao. Chườm ấm có kết quả tốt nếu cha mẹ làm đúng. Lưu ý trong môi trường lạnh hoặc trẻ đang rét run thì không áp dụng.
Chườm ấm cho trẻ bị sốt

+ Pha nước sạch, ấm như nước tắm trong chậu (dùng cùi chỏ người lớn nhúng vào nước định dùng thấy ấm là được).

+ Lấy 6 khăn sạch nhúng vào nước, vắt nhẹ (không nên vắt kiệt).

+ Để 4 khăn vào 2 hõm nách và 2 bẹn, 1 khăn đắp trán và 1 khăn lau toàn thân. Di chuyển và thay khăn liên tục cho đến khi nhiệt độ giảm.

+ Trong khi chườm ấm, kiểm tra nhiệt độ của trẻ 20 phút/lần, điều chỉnh để nước luôn ấm.

Ngừng lau khi nhiệt độ của trẻ xuống dưới 37.5 độ C. Sau khi đã lau chườm được 30 phút hoặc trong khi chườm thấy trẻ rét run thì lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ.

 

4. Bù nướcTrẻ bị sốt cần được bù nước

+ Nếu trẻ dưới 6 tháng, cho trẻ bú sữa nhiều hơn. Đối với trẻ lớn hơn, khuyến khích trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước trái cây, oresol pha đúng liều lượng,…).

+ Khi được cung cấp đủ nước, thông thường 4 tiếng trẻ đi tiểu một lần, nước tiểu vàng nhạt.

 

5. Khi nào cần đưa trẻ đi cấp cứu ?


– Trẻ dưới 3 tháng tuổi: thân nhiệt >38 độ C (nhiệt độ đo ở nách +0,5 độ C)

– Trẻ từ 3-36 tháng: thân nhiệt >38.5 độ C (nhiệt độ đo ở nách +0,5 độ C)

– Trẻ từ 36 tháng- 6 tuổi: thân nhiệt >39 độ C (nhiệt độ đo ở nách +0,5 độ C). Khi trẻ đã lớn có thể đo nhiệt độ dưới lưỡi, bảo trẻ không mút nhiệt độ, và kết quả không cộng 0,5 độ C.

– Dù thân nhiệt bé ở nhiệt độ nào, nhưng nếu bé có các biểu hiện như bỏ bú, bỏ ăn, ho, tím tái, lờ đờ, co giật,…, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

– Sau khi tiêm vaccin mà trẻ bị sốt, cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng các biện pháp dân gian mà chưa có ý kiến bác sĩ.

 

Chúc các bé khỏe mạnh và nếu chẳng may có sốt cũng là sốt “an toàn”.

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé Bibo Care

Phòng đào tạo và tư vấn – Bibo Care

 

Chỉ mục