Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh

Tầng sinh môn là một bộ phận liên quan mật thiết đến quá trình sinh nở, nhất là những bà mẹ chọn sinh thường. Nhiều trường hợp, các bác sĩ sản khoa sẽ thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn để hỗ trợ mẹ rặn đẻ. Tìm hiểu ngay vết khâu tầng sinh môn bao lâu thì lành và cần được chăm sóc thế nào trong bài viết dưới đây.

 

1. Trường hợp phải cắt tầng sinh môn?

Tầng sinh môn là một vùng nhỏ nằm giữa hậu môn và âm hộ ở nữ. Về mặt giải phẫu, tầng sinh môn là khu vực nằm giữa xương mu và xương cụt, bao gồm phần đáy chậu và các cấu trúc xung quanh.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật cắt vùng da thịt này; nhằm mở rộng đường ra cho thai nhi khi sinh qua ngả âm đạo; ngăn ngừa một số tổn thương và chấn thương nghiêm trọng cho âm đạo, âm hộ khi sinh. Sau khi sinh em bé, bác sĩ sẽ khâu lại vết cắt bằng chỉ tự tiêu. Mẹ không cần lo về vấn đề cắt chỉ hay để lại sẹo.

Thực tế không phải ai cũng sẽ cần cắt tầng sinh môn khi sinh. Nếu âm đạo giãn đủ rộng để bé chui ra thì mẹ không cần đến thủ thuật này. Còn nếu âm đạo hẹp hay em bé có kích thuóc lớn, việc rặn quá sức sẽ làm tầng sinh môn bị rách. Vết thương sẽ xấu, khó khâu hơn, thậm chí gây biến chứng chảy máu nặng nề. Rạch tầng sinh môn cũng giúp quá trình chào đời của bé diễn ra suôn sẻ hơn; đồng thời tránh được nguy cơ bé bị ngạt thở.

Khâu tầng sinh môn
Tùy từng trường hợp, bác sĩ đỡ đẻ sẽ cân nhắc rạch tầng sinh môn của mẹ

2. Thời gian để tầng sinh môn lành lại

Tùy vào cơ địa mà mỗi mẹ sau sinh sẽ có một khoảng thời gian hồi phục khác nhau. Cảm giác đau, khó chịu xảy ra trong vòng 1 – 2 tuần đầu sau khi thực hiện khâu tầng sinh môn. Việc cần làm là phải chăm sóc và giữ vết khâu thật sạch sẽ để mau lành và tránh nhiễm trùng.

Sau khoảng 2 – 3 tuần thì vết khâu tầng sinh môn sẽ tự lành, chỉ sẽ tự tiêu hết. Và khoảng 1 tháng sau khâu, mẹ sẽ cảm thấy “cô bé” của mình trở về trạng thái bình thường như trước.

3. Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn thế nào để mau lành?

Dùng thuốc giảm đau: 

Với những mẹ có khả năng chịu đau kém; hoặc vết thương ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày; mẹ có thể yêu cầu bác sĩ để được kê thuốc giảm đau mà không ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Cần chú ý tuân thủ liều lượng và không lạm dụng thuốc để tránh bị ảnh hưởng sức khỏe.

Điều chỉnh tư thế:

Khi bị rạch tầng sinh môn, mẹ sẽ khó ngồi hoặc nằm ngửa vì sẽ đè vào vết thương, có thể gây bục chỉ khâu. Nếu bị đau khi ngồi thì mẹ nên chuyển sang nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Khi ngồi thì mẹ có thể ngồi trên đệm hơi có thể điều chỉnh được sự căng phồng; hoặc kê dưới mông một chiếc gối sẽ thấy thoải mái hơn.

Kiêng quan hệ tình dục:

Do vết khâu rất gần với “cô bé” của mẹ bỉm nên việc quan hệ có thể khiến tầng sinh môn bị rách; âm hộ, âm đạo bị đau rát và nhiễm khuẩn. Chưa kể mẹ mới sinh xong, cơ thể còn yếu, dễ mắc phải các bệnh hậu sản nguy hiểm. Do đó, mẹ nên tạm kiêng gần gũi chồng trong vài tháng đầu sau sinh nhé! 

Chăm sóc vết khâu:

  • Giữ vết khâu sạch sẽ và khô ráo, đặc biệt là sau khi tiểu tiện. Nếu việc đại tiện trở nên khó khăn thì nên dùng thuốc làm mềm phân trước.
  • Giữ vùng vết khâu luôn khô ráo và sạch sẽ bằng cách rửa bằng nước sạch và lau khô nhẹ nhàng bằng khăn.
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng từ hậu môn bằng cách lau từ trước ra sau.
  • Không nên tự ý thụt tháo để tránh nhiễm trùng vết thương
  • Thay đổi băng vệ sinh thường xuyên để đảm bảo không làm tổn thương đến vết khâu.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

Mẹ nên ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước để dễ đi vệ sinh hơn; hạn chế tình trạng táo bón. Điều này cũng giúp tầng sinh môn không bị căng ra mỗi khi mẹ đi nặng.

Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi

  • Nên nghỉ ngơi nhiều hơn và hoạt động nhẹ nhàng.
  • Tập các bài tập sàn chậu để giúp máu lưu thông và thúc đẩy lành vết thương.
  • Hạn chế vận động mạnh để tránh gây tổn hại cho vết thương.

Vết khâu tầng sinh môn tuy không phải là một phẫu thuật nghiêm trọng nhưng mẹ bỉm vẫn nên chú ý giữ gìn vệ sinh cẩn thận để không bị nhiễm trùng. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường như vết thương bị mưng mủ, lâu lành,… thì mẹ nên đến ngay các cơ sở sản khoa để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Chúc mẹ sớm bình phục!

Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care