Sốt cao, co giật là tình trạng vô cùng nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Nếu cha mẹ xử lý không thích đáng sẽ rất dễ khiến con bị biến chứng sau này.
Sốt co giật là tình trạng thường gặp ở trẻ em do nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Nhiễm trùng nội so hoặc các căn bệnh liên quan đến trao đổi chất khác cũng có thể dẫn đến co giật. Tuy theo mức độ nặng nhẹ mà người ta chia sốt cao, co giật thành 3 dạng sau: sốt cao, co giật nhẹ, sốt cao, co giật nặng và động kinh.
Nguyên nhân của sốt cao co giật ở trẻ em
– Do yếu tố di truyền: Theo các chuyên gia, nếu trong gia đình có người thân hoặc cha mẹ có tiền sử bị sốt cao, co giật thì đứa trẻ sinh ra có nguy cơ bị sốt cao, co giật gấp 2 – 3 lần những trẻ bình thường. Nếu cả bố và mẹ đều có tiền sử bị sốt cao, co giật thì khả năng con bị bệnh cao hơn gấp nhiều lần.
– Do trẻ bị sốt kèm theo nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Bên cạnh những trẻ bị rối loạn chất điện giải, vitamin B6 cũng là nguyên nhân gây sốt cao, co giật ở trẻ.
– Sốt cao, co giật thường gặp ở các bé trong độ tuổi 1 – 3 tuổi. Ở các bé gái tuổi càng nhỏ nguy cơ bị sốt cao, co giật cao hơn các bé trai cùng độ tuổi.
– Cơn co giật xảy ra khi trẻ bị sốt ở nhiệt độ từ 39,2 độ C, khoảng 25% xảy ra khi nhiệt độ của bé là 40,2 độ C. Những em bé ở độ tuổi 6-18 tháng tuổi, sốt co giật diễn ra khi nhiệt độ trên 40 độ C.
Xử lý đúng khi trẻ sốt co giật
Các bác sĩ cho biết đối với những trường hợp sốt co giật thông thường, phụ huynh phải theo dõi con liên tục, tránh để trẻ co giật đến tím tái.
Nếu trẻ lên cơn sốt phải tìm cách cho trẻ hạ sốt ngay bằng cách: Cởi đồ và lau bằng nước ấm để giảm thân nhiệt cho trẻ. Cho trẻ uống hoặc đặt thuốc hạ sốt ở hậu môn.
“Khi sốt co giật, trẻ thường bị mất ý thức, phản xạ hầu, họng mất đi, biểu hiện là tình trạng hít sặc. Di chứng cơ bản nhất là tình trạng thiếu oxy ở não. Phụ huynh cần tìm cách làm cho nhớt từ miệng trẻ chảy ra để không làm thiếu oxy, bằng cách ngửa đầu trẻ ra để đường thở được thông”, bác sĩ Phương nói.
Khi xử lý tại nhà, cha mẹ cần cho bé nằm đầu trên gối cao để đường thở thông thoáng, nghiêng đầu sang một bên. Có thể dùng vật mềm đặt giữa hai hàm răng trẻ.
“Phụ huynh tuyệt đối không vắt chanh, cho đầu đũa, muỗng vào miệng trẻ khi trẻ bị sốt co giật. Tuyệt đối không cạy miệng trẻ tránh làm gãy răng, gây dị vật đường thở”, bác sĩ nhấn mạnh
Thông thường khi trẻ bị co giật lành tính thì trẻ sẽ tự hết.
Các bước nên làm:
– Bố mẹ nên giữ bình tĩnh, không hoảng sợ để giúp trẻ xử trí nhanh hơn
– Để trẻ nằm trên giường hoặc trên mặt đất, tạo không khí thông thoáng, nới rộng quần áo của trẻ, đặc biệt là vùng cổ
– Giữ cho đường thở của trẻ thông suốt, nghiêng đầu sang một bên, lấy dị vật ra khỏi miệng con, tránh cho con hít phải dị vật, gây ngạt thở.
– Dùng khăn sạch nhúng nước ấm, vắt sạch nước và lau khắp người trẻ, đặc biệt vùng bẹn, nách, cổ và trán, lau đi lau lại liên tục
– Nhanh chóng tìm cách hạ sốt và đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt