Trẻ dị ứng đạm sữa bò: Biện pháp chẩn đoán và cách xử trí

Ở phần 1, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu dị ứng đạm sữa bò là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng ngừa dị ứng đạm sữa bò cho trẻ. Vậy nếu trẻ chẳng may bị dị ứng đạm sữa bò thì cần làm gì để chẩn đoán xác định? Cách chăm sóc trẻ dị ứng đạm sữa bò như thế nào? Ba mẹ hãy cùng bác sĩ Bibo Mart tìm hiểu ngay nhé!

 

1. Các biện pháp chẩn đoán

 

 

Các bác sĩ thường chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò dựa trên các triệu chứng lâm sàng, tiền sử gia đình và thực hiện các xét nghiệm.

Khai thác tiền sử bệnh lý và thăm khám lâm sàng:

Tiền sử gia đình cần được khai thác vì dị ứng thường mang tính chất di truyền. Bên cạnh đó, các thông tin như: tiền sử bản thân trẻ, loại sữa trẻ đang dùng, thời điểm xuất hiện các triệu chứng, các triệu chứng, các yếu tố khởi phát… đều là các thông tin quan trọng cho việc chẩn đoán. Song song với đó, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Đây là các cơ quan thường chịu ảnh hưởng rõ nét của dị ứng đạm sữa bò.

Xét nghiệm dị ứng:

Bác sĩ sẽ chỉ định bé thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Test lẩy da (Skin prick Test) với sữa
  • Xét nghiệm kháng thể đặc hiệu với các protein sữa bò (RAST)
  • Test loại trừ/cho ăn lại: để trẻ kiêng sữa trong 2-4 tuần. Nếu giảm triệu chứng thì cho ăn lại sữa công thức từ sữa bò. Nếu triệu chứng xuất hiện lại thì test dương tính, trẻ có dị ứng đạm sữa bò.
  • Test thử thách đường miệng: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, cần thực hiện tại bệnh viện theo y lệnh của bác sĩ.

 

2. Cách xử trí tình huống trẻ dị ứng đạm sữa bò

 

 

Đối với trẻ <12 tháng tuổi:

Ở độ tuổi này, thức ăn của trẻ chủ yếu là sữa và đây cũng là nguồn dinh dưỡng tốt cho trẻ. Cách duy nhất để xử trí dị ứng đạm sữa bò là bỏ hoàn toàn sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò khỏi chế độ ăn.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp không có sữa mẹ thì có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân tích cực từ 2 – 4 tuần. Sau thời gian trên. nếu tình hình dị ứng được cải thiện thì cho trẻ thử lại sữa công thức thông thường từ đạm sữa bò. Nếu lại xuất hiện triệu chứng dị ứng thì tiếp tục duy trì công thức sữa thủy phân toàn phần ít nhất từ 6 tháng – 12 tháng. Đây là loại sữa đã được kiểm nghiệm lâm sàng về độ an toàn, mức độ dinh dưỡng và được đề nghị sử dụng trong điều trị dị ứng đạm sữa bò trong thời gian dài.

Sữa công thức chứa đạm thủy phân tích cực chứa đủ hàm lượng DHA (17mg/100kcal) và ARA (34mg/100kcal) cần thiết cho sự phát triển của não bộ, thị lực và hệ miễn dịch của trẻ.

 

Đối với trẻ trên 1 tuổi:

Tình trạng dị ứng đạm sữa bò chỉ mang tính chất tạm thời. Hầu hết sẽ khỏi khi trẻ từ 1 đến 4 tuổi. Khi trẻ được 1 tuổi hoặc tùy vào tình trạng của trẻ, có thể cân nhắc dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Nếu không thấy phản ứng nào xảy ra, trẻ có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường với sữa bò và những chế phẩm từ sữa.

 

Chúc các bé luôn khỏe mạnh và bình an!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare