Đoán "trúng phóc" mong muốn của trẻ nhờ những biểu hiện dưới đây

rơ lưỡi cho trẻ chuẩn khoa học

Khi mới sinh ra, trẻ chưa biết nói sõi thành tiếng. Do đó, con chủ yếu sẽ giao tiếp với mọi người thông qua những cử chỉ, nét mặt khác nhau. Hiểu được ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh sẽ giúp cha mẹ đáp ứng nhu cầu của con nhanh hơn; từ đó giúp bé cảm thấy an toàn và phát triển tốt. Dưới đây là một số ví dụ về ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh mà Bibo Mart đã tổng hợp; mời cha mẹ đón đọc!

1. Nhăn trán

Trán nhăn nhăn, mũi cũng nhăn và miệng thì chu vào là biểu hiện cho thấy bé đang chán, bé muốn bỏ qua những chuyển động đang diễn ra. Để làm cho bé dễ chịu hơn, cha mẹ hãy đưa bé đến một không gian khác, trò chơi khác. Ví dụ như đang ở phòng khách thì mình nên đi ra ngoài vườn chẳng hạn. Nếu không được đáp ứng, phản ứng tiếp theo của bé sẽ là khóc quấy.

2. Mắt lo âu tìm mẹ

Bé từ hai tháng tuổi trở đi đã biết nhìn theo mẹ mỗi khi mẹ lướt qua bé. Nếu ánh mắt của bé lo âu nhìn mẹ; nghĩa là bé đang cảm thấy bị áp lực hay khó chịu trong người. Lúc này mẹ hãy đến bên bé, xem tay chân hay người con có làm sao không; hoặc đơn giản là hãy ngồi xuống và chơi với con một chút. Nếu không được đáp ứng, dĩ nhiên bé vẫn chờ đợi mẹ cho đến khi mẹ trở về với bé và mỉm cười khi được đáp ứng. Còn nếu phải chờ đợi quá lâu, có lẽ bé sẽ khóc gọi mẹ.

3. Nụ cười

Một nụ cười thường là một trong những biểu hiện của niềm vui. Khi bé mỉm cười, cha mẹ hãy cười lại với bé, nói với con những điều ấm áp. Mặc dù con chưa biết nói và không hiểu hết được câu nói của cha mẹ nhưng bé có thể cảm nhận được thần thái và tình cảm của cha mẹ.
Ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh
Khi bé nở nụ cười, cha mẹ đừng ngại ngần đáp lại hoặc dành lời khen cho bé

4. Bắt chước

Khoảng từ khoảng 3-6 tháng tuổi, bé sẽ bắt chước cha mẹ hoặc những người xung quanh. Đến 9 tháng tuổi, bé có thể thực hành sành sỏi những biểu cảm ở khuôn mặt và thường lặp lại các hành vi của người lớn. Chính vì thế cha mẹ hãy kìm chế những cảm xúc và hành vi tiêu cực trước mặt con cái nhé!

5. Ngậm tay

Các nghiên cứu cho rằng có khoảng xấp xỉ 90% các giao tiếp giữa trẻ em và người lớn là cử chỉ chứ không phải âm thanh. Ví dụ, khi bé đói, bé sẽ đưa tay lên mút hoặc gặm bất cứ thứ gì vớ được quanh tầm tay. Nếu được ăn no, ngay lập tức bé sẽ không mút tay hay gặm đồ nữa.

6. Ưỡn cong người

Cử chỉ này sẽ xảy ra sau khi bé được sinh ra một vài tuần, các bé bắt đầu uốn cong người khó chịu, thậm chí kèm khóc lóc (đây có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh). Biểu hiện này cũng có thể do bé bị trào ngược thực quản, mỏi người, hoặc một khó chịu nào đó. Khi bé ưỡn người, mẹ hãy bế bé lên, xốc lên vai và vỗ nhẹ vào lưng bé, hoặc cho bé ngồi dậy chơi vài phút.

7. Dụi mắt, gãi tai

Các bé bắt đầu hành vi này khi cảm thấy mệt mỏi trong người, buồn ngủ hoặc đang bị ngứa ngáy. Nếu bé dụi mắt kèm khóc, ắt hẳn bé muốn đi ngủ. Còn bé ra sức gãi tai, có thể bé bị ngứa hay thậm chí viêm nhiễm. Mẹ có thể tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể mà giúp bé đỡ khó chịu hơn nhé!

8. Muốn ôm ấp

Khi bé còn nhỏ, mẹ sẽ thấy có lúc bé đi tìm da mẹ như dụi mặt vào má mẹ, vào người mẹ. Đây có thể là biểu hiện của cơn đói và buồn ngủ, bé đang đi tìm bầu sữa mẹ. Thế nên có nhiều người mẹ chỉ cần dùng ngón tay vuốt nhẹ trên má bé sơ sinh là bé đã có phản xạ quay mặt lại phía ngón tay và há miệng, lúc này bé đã sẵn sàng ngậm bú vú mẹ.

9. Giật mình

Âm thanh ồn ào có thể kích thích thần kinh của bé, khiến bé giật nảy mình và khóc thét. Sự sợ hãi và những cú sốc nhỏ này xảy ra từ khi bé mới sinh ra, nhưng dần dần sẽ biến mất khi bé được 3-6 tháng tuổi. Nguyên nhân là bé đang được ôm ấp trong bụng mẹ, môi trường ấm áp, chặt chẽ và không ồn ã; khi ra đời đối mặt với môi trường rộng lớn ồn ào nên bé dễ bị sốc. Cha mẹ hãy giúp con bằng cách tạo cho con cảm giác được ôm ấp (chèn gối, quấn khăn cho con). Khoảng từ 4 tháng tuổi, bé sẽ quen với môi trường mới này.

10. Bập bẹ nói và cười

Đây là biểu hiện cho thấy bé muốn “nói chuyện”. Từ khi 2-3 tháng tuổi, bé bắt đầu so sánh các âm thanh khác nhau với giọng nói của cha mẹ. Và khi 4-6 tháng tuổi, bé đã bắt đầu thử nghiệm nhiều hơn với âm thanh của chính mình, chẳng hạn như những tiếng bập bẹ, ê a… Những âm thanh này có thể có nhiều ý nghĩa: hạnh phúc, giận dữ hoặc buồn, thậm chí là tranh cãi.

11. Khóc

Khóc là cách nhanh nhất em bé cho cha mẹ biết rằng bé đã quá mệt mỏi, đói hoặc đau đớn; nhưng làm sao mẹ có thể đọc vị được các triệu chứng đó? Khi mới chào đời, bé thường khóc để bày tỏ tất cả các thái độ, thậm chí khóc là cách giúp bé khỏe hơn. Nhưng khi vài tháng tuổi, bé sẽ có những cách khóc khác nhau để biểu hiện các tâm trạng khác nhau như sau:
Ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh
Bé có thể khóc vì nhiều nguyên nhân khác nhau

Khóc vì đói

Nếu khóc vì đói, bé sẽ khóc từng chặp ngắn và tông thấp. Nếu chờ mãi mà mẹ chẳng đáp ứng, bé sẽ hét to hơn và mạnh mẽ hơn.

Khóc vì đau

Nếu bị đau, tã ướt, quá nóng hay quá lạnh thì bé sẽ khóc dai dẳng. Lúc này mẹ cần kiểm tra gấp xem con có bị kẹt tay chân hay đau chỗ nào không, hoặc bé đang ở trong tình trạng khó chịu nào.

Khóc nhõng nhẽo

Từ 2-3 tháng tuổi, bé sẽ khóc nhiều hơn. Nếu bé ư ử khóc, khóc khi đang ngủ… với chất giọng mè nheo thì đích thị bé đang nhõng nhẽo đòi mẹ yêu. Hãy đặt tay lên ngực bé, nhẹ nhàng vuốt ve bé, hoặc mẹ hát ru con để bé ngừng khóc.
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *