Là một bà mẹ hai con hiện đang sống tại Tp.HCM – Chị Catherine Yến Phạm- đồng thời cũng đảm nhiệm chức vụ chuyên gia dạy chương trình Reggio Emilia của Ý tại một trung tâm do chính chị sáng lập. Với niềm đam mê với giáo dục trẻ em, chị thường xuyên có những bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con vô cùng hữu ích. Bài viết dưới đây là một trong những chia sẻ mới nhất của chị Catherine Yến Phạm về sai lầm của nhiều cha mẹ trong việc cố tình thúc ép con ăn, nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn bà mẹ trẻ.
Nếu bạn đang có trong đầu cái ý tưởng: Ăn đi con ! Và luôn suy nghĩ làm sao cho con ăn… thêm tí nữa vì sợ nó đói thì tốt nhất bạn nên thay đổi.
Vì sao?
Ăn là một món quà
Tức là nếu không ăn thì đói, mà đói thì gối phải bò, tức là từ bé đứa trẻ đã phải học tìm kiếm thức ăn. Không phải như vậy sao khi con vừa sinh ra con đã quấy tìm ti mẹ. Vậy mà khi con cần tự ăn, mẹ và bà luôn cố gắng nhét thức ăn vào miệng con? Làm cho đứa trẻ hiểu rằng: con ăn là một đặc ân cho ai đó. Thì lúc đó con không thèm ăn để thể hiện quyền lực của mình.
Con còn có khả năng tự ăn từ khi biết sử dụng bàn tay. Không có lý do gì phải đút con ăn cả. Vậy nếu không ăn thì sao? Thưa quý vị, không ăn có nghĩa là không đói, vậy thôi! Cơ thể trẻ không được thiết kế để ăn một lượng thức ăn như bạn mong muốn.Cơ thể trẻ thiết kế để ăn đủ nhu cầu. Đừng cho uống sữa thay cơm, đừng cho ăn ngọt thay cơm. Trẻ chỉ cần đủ năng lượng là có thể không ăn, nhất là độ tuổi từ 15 tháng đến 5 tuổi.
Trẻ em không được thiết kế để tự bỏ đói đến chết!
Con ăn ít không có nghĩa là đói! Con có thể ăn nhiều bữa hoặc một ngày chỉ có 3 bữa. Không ăn sẽ đói! Vậy thì tóm lại là bạn không cần hỗ trợ con ăn. Chỉ cần cho con không gian ăn chung với gia đình để con bắt chước ăn, tâm lý thoải mái khi ăn, không bị ép buộc và thời gian đủ để con ăn. Vậy là xong. Không năn nỉ, không chơi trò chơi, không ép ăn, không khua chiêng múa trống. Đơn giản là cùng ngồi ăn và để con ăn.
Vài trường hợp điển hình để học cho các mẹ:
Trường hợp 1:
Ngày đầu tiên đi học có một bạn 4 tuổi không hề muốn ăn, luôn luôn lý sự để khỏi ăn, cô nói:
– Ok con. Con không ăn thì ngồi với các bạn, nhìn các bạn ăn.
Ngồi một lát, tự đi lấy cơm ăn.
Hôm sau, con không muốn ăn và không ngồi với các bạn luôn.
– Được. Vậy con vào phòng ngồi chơi một mình nhé.
– Dạ!
Thế là vào phòng ngồi chơi. Cô hỏi thêm:
– Thế chiều con có ăn xế không?
– Không ạ!
– Ok con.
Con vô phòng rồi vẫn đi ra đi vô ngó các bạn. Cô bảo vô đi con, đừng làm phiền các bạn ăn. Thực chất đứa trẻ này không phải là không muốn ăn mà vì ở nhà con quen được nuông chiều nếu ăn sẽ được gì đó và là trung tâm vũ trụ. Nên con lấy chuyện không ăn để làm vũ khí đòi hỏi cái mình muốn dù đó chỉ là được chú ý hơn!
Đó là lý do không bé nào mình được đút ăn. Tại sao? Vì con và bạn như nhau, tại sao con được đút mà bạn lại không? Con có gì hơn bạn? Và con có khả năng tự ăn và học hỏi cách ăn nên nếu đút con là tước đoạt việc học hỏi ăn uống của con. Cô sẽ không đút, cái bạn nhỏ hồi nãy không hề biết cầm muỗng. Ngày đầu tiên ăn đến ăn canh cũng bốc. 3 ngày sau cầm được đũa rồi!
Trở lại với bạn nhỏ hồi nãy. Đến xế chiều, khi các bạn khác ăn chè, em chạy xuống:
– Cô Yến ơi con muốn ăn chè.
– Ok con. Nhưng lúc trưa con nói không ăn mà.
– Bây giờ con đói.
– Ồ được rồi. Có điều ăn chè không làm con no được nhé. Nhưng được thôi. Con lên nói các cô là cô Yến cho ăn 1 ít.
Có 1 tip nữa là không quá ép buộc con phải giữ lời hứa “ăn hết hoặc không được ăn”. Thực ra bạn phải đọc hiểu đứa trẻ đã học được bài học của mình chưa. Hiểu rồi là đủ. Bây giờ bạn nhỏ đó lâu lâu vẫn nói: con không ăn; nhưng không thấy cô phản ứng gì nên ngồi xuống ăn tất!
Trường hợp 2:
Có bạn hôm qua uống cafe với mình, con cũng không muốn ăn. Bạn gọi một đĩa cơm to trước mặt con. Con vừa đói nhưng vừa trả giá ăn xong được mua đồ chơi. Mình nhẹ nhàng xin thêm một cái đĩa, hỏi:
– Con ăn bao nhiêu?
– Con: Một nửa. (mình xúc 1 muỗng cơm, xắn 1 nửa muỗng)
– Một nửa là nhiêu đây? (bé im lặng, mẹ hết hồn )
– Mẹ: Một nửa là một nửa phần cơm đó chị.
Rồi mẹ xắn nửa phần cơm cho bé (tôi cam đoan nếu chị đừng quá lo lắng mà làm theo cách tôi thì bé sẽ ăn nhiều hơn. Kết quả là phần cơm đó bị bỏ lại 2/3)
Đến thức ăn, tôi hỏi:
– Con ăn bao nhiêu trứng?
– Hết luôn.
– Ok con. (Tôi cho hết quả trứng ốp la).
– Thịt ?
– Ba miếng nhỏ.
– Ok
Lúc bé ăn không ngớt đòi mua đồ chơi. Cô nói: Đồ chơi và ăn không liên quan con. Con ăn hay không ăn cũng có thể có đồ chơi vì mẹ hứa rồi. Nhưng không phải bây giờ. Nhé !
Bé bắt đầu đòi miếng thịt, mẹ nói:
– Không con. Hồi nãy con nói là 3 miếng mà. Cái này của mẹ.
Bé bỏ lại cơm và trứng. Mẹ lo lắng hỏi, giờ sao cô Yến? Mình có phải bắt bé giữ lời ăn hết không?
Thế là cô hỏi bạn:
– Hồi nãy con xin nguyên cái trứng, mẹ cũng muốn ăn mà mẹ phải cho con hết, vậy con bỏ mứa con thấy sao?
Bé im lặng một chút:
– Vậy để con ăn hết.
– Tốt!
Khuyến khích bé ăn hết xong trứng. Bé nói:
– Nhưng con không ăn cơm!
– Được thôi con.
Bạn biết vì sao không? Vì khi cho con ăn, bạn phải cho trẻ tự quyết định trẻ ăn gì và ăn bao nhiêu. Chính sự tự quyết định này là chìa khoá để con tự chịu trách nhiệm việc làm của mình.
Để ăn là một món quà không khó. Chỉ là cha mẹ phải tin con. Cho con cơ hội được ăn như con muốn, bỏ đi cái ý nghĩ con đói, tin vào cơ chế lập trình của con, dẹp cái cân, quên chuyện ép con và bỏ luôn ba chữ “con ăn đi” để hoàn toàn thoải mái ăn cùng con.
Vậy thôi. Bạn làm được không? Chỉ cần bạn hai chữ: Tâm An
Xem thêm:
Theo Catherine Yến Phạm (Khám Phá)