Giảm nước ối khi mang thai – Mẹ bầu cần đặc biệt cảnh giác

Trong quá trình mang thai, mẹ có thể gặp phải rất nhiều tình trạng sức khỏe như ốm nghén, tiểu đường thai kỳ, thiếu máu,… Những vấn đề này có thể đe dọa đến sức khỏe của mẹ và tình trạng phát triển của thai nhi. Trong số đó, giảm nước ối, hay còn gọi là cạn ối, cũng là một hiện tượng thường gặp. Vậy mẹ bị cạn ối khi mang thai có nguy hiểm không? Hãy để chuyên gia của Bibo Mart giải đáp cho mẹ trong bài viết sau!

 

1. Cạn ối có nguy hiểm không?

 

Cạn ối có gây nguy hiểm không?
Cạn ối có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi và quá trình sinh sản của mẹ
Khi mang thai, nước ối là môi trường dưỡng chất vô khuẩn, cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Chất lỏng này là phần đệm giữa thai và tử cung, giúp thai nhi không bị va đập, sang chấn từ bên ngoài tác động. Trong quá trình lớn lên, thai liên tục uống vào và thải ra nước ối nên lượng nước ối sẽ được duy trì ổn định.

Mức nước ối khi thai đạt từ 8-12 tuần là khoảng 50ml. Mức thể tích nước ối cao nhất xấp xỉ đạt 1000ml khi thai 28 tuần. Ở tuần thứ 36, lượng nước giảm dần còn 900ml; và khi thai 40 tuần, nước ối còn khoảng 600-800ml. Trong quá trình mang thai, nếu chỉ số ối AFI giảm thấp bất thường, rất có thể mẹ có nguy cơ bị cạn ối.

Cạn ối ở bất cứ giai đoạn mang thai nào cũng đều nguy hiểm đến cả mẹ và bé. Nếu bị cạn ối trong nửa đầu thai kỳ có thể ảnh hưởng đến chất lượng phôi; nguy hiểm hơn là gây sảy thai, thai chết lưu. Ở 3 tháng cuối, cạn ối sẽ gây ra thai chậm phát triển, nước ối chứa chất thải (phân su), khó sinh thường,… 

 

2. Nguyên nhân mẹ bị cạn ối

Tùy vào từng đặc điểm của thai phụ mà có những nguyên nhân khác nhau dẫn tới cạn nước ối. Theo các bác sĩ sản khoa, nguyên nhân chủ yếu do bánh rau có vấn đề như bị vôi hóa; thai già tháng, thai quá ngày sinh (trên 42 tuần thai). Bởi vì khi thai đủ từ 38-40 tuần đã đủ để thai nhi ra ngoài; nếu để quá ngày thì bánh rau bị già hóa và không tiết ra nước nữa; nước ối bắt đầu cạn dần. Một nguyên nhân khác là có thể do khả năng bài tiết của thai nhi kém; bé uống nhiều nhưng lại thải ra ít nước ối.

Theo BSCKII Nguyễn Bá Tân – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Nghệ An, có cả trường hợp suy giảm nước ối giả. Để chẩn đoán cạn ối chính xác, bác sĩ phải siêu âm từ 2-3 lần/ngày. Ví dụ: buổi sáng siêu âm thấy nước ối ít có thể do thai nhi uống nước ối nhưng chưa tiết ra; nhưng buổi chiều, thai tiết ra thì lại đủ nước ối. Theo đó, với những trường hợp chỉ siêu âm một lần mà chẩn đoán cạn nước ối thì không chính xác hoàn toàn.

 

3. Dấu hiệu cạn ối ở mẹ bầu và cách xử lý

Việc cạn nước ối có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào của thai kỳ
Nếu nghi ngờ bị cạn ối, mẹ nên đi thăm khám ngay để được xử lý kịp thời

 
Theo BS Nguyễn Bá Tân, hầu hết cạn nước ối phải qua chẩn đoán siêu âm mới biết được. Có thể với những thai lớn, người mẹ thấy ra nước đường âm đạo thì có thể có triệu chứng rò rỉ nước ối (gọi là rò ối). Nguyên nhân do tính chất màng rau bị kém, làm nên những lỗ nhỏ li ti khiến nước ối bị rò ra; nếu đóng băng vệ sinh sẽ thấy rõ. Đây là dấu hiệu có thể nhận biết nước ối đang bị cạn đi. “Nếu bị rò ối thì nước ối cạn rất nhanh” – BS Tân nói.

Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo: trong tất cả các trường hợp chẩn đoán suy giảm nước ối, thai phụ cần phải nhập viện ngay để theo dõi liên tục, xử lý kịp thời. Với những thai già tháng, khi siêu âm thấy bánh rau bị vôi hóa hoặc khi thai từ 37 tuần trở lên, thai phụ nên nhập viện ngay để theo dõi. Có thể bác sĩ sẽ phải đình chỉ thai nghén (mổ lấy thai, đẻ chỉ huy). Trong trường hợp này, thai phụ và gia đình cần chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng cho việc sinh nở bất cứ lúc nào.

 

4. Cách tăng nước ối cho bà mẹ mang thai

Để dự phòng nước ối không bị suy giảm, thai phụ cần ăn uống đủ, nhất là các loại thực phẩm chứa nhiều nước và có tính mát. Vào mùa hè tăng tiết mồ hôi nhiều, có thể uống nước nhiều hơn 1-1,5l nước mỗi ngày. Người được chẩn đoán suy nước ối có thể uống nước râu ngô, rau má, mã đề; bổ sung nước canh, nước lọc,… Mẹ cũng không nên ăn mặn quá, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường nước ối bao quanh thai nhi. 

Với người bị tiểu đường thai kỳ hoặc bệnh lý, cao huyết áp, bị phù do trữ nước; nhất thiết phải có sự can thiệp, hướng dẫn của bác sĩ. Không được tự ý uống các loại nước khác ngoài nước lọc để có thể kiểm soát được lượng đường trong máu thai phụ.

 >> Xem thêm: 3 cách giúp mẹ phân biệt nước ối, nước tiểu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục