Ăn dặm kiểu Nhật được nhiều mẹ truyền tai nhau là phương pháp khoa học, tiến bộ, đem lại nhiều lợi ích cho trẻ. Thế nhưng hầu hết các mẹ Việt còn chưa được cung cấp đầy đủ kiến thức về phương pháp ăn dặm này. Vậy ăn dặm kiểu Nhật là gì? Có những nguyên tắc hay điều kiện gì mà mẹ cần lưu ý? Cùng Bibo Mart tìm hiểu những kiến thức cơ bản và đầy đủ nhất về phương pháp này trước khi thực hiện cho bé ba mẹ nhé!
1. Ăn dặm kiểu Nhật là gì mà lại “hot” đến vậy?
2. Các nguyên tắc trong ăn dặm kiểu Nhật
Không thể phủ nhận quá nhiều ưu điểm trong phương pháp ăn dặm này; từ việc rèn tính tự chủ, chủ động trong ăn uống cho bé, cho đến việc kích thích nhu cầu ăn, khám phá hương vị của từng nguyên liệu thực phẩm trong khẩu vị của con. Tuy nhiên nếu mẹ không nắm được nguyên tắc cơ bản của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mẹ sẽ thất bại trong việc áp dụng nó với bé yêu nhà mình.
- Trong thực đơn ăn dặm kiểu Nhật không nêm gia vị cho đến năm 1 tuổi; cách nấu ăn cho bé là phải liên tục thay đổi món để thay đổi hương vị.
- Không tuỳ tiện trộn chung các món ăn của con; không ép con ăn khi con không muốn, chấp nhận giai đoạn biếng ăn sinh lý.
- Mạnh dạn tăng độ thô đúng thời điểm, không kéo dài quá lâu thời gian ăn bột/ cháo giúp con không chán ăn và ăn uống ngon miệng hơn.
2.1. Ăn tăng độ thô theo từng giai đoạn:
Trẻ ăn dặm kiểu Nhật bắt đầu làm quen với thức ăn bằng cháo loãng được lọc qua rây; chứ không ăn bột hay cháo xay nhuyễn. Độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi. Theo kinh nghiệm của mẹ Nhật, việc tăng dần độ thô của thức ăn giúp tập cho trẻ những phản xạ có điều kiện, tốt cho hệ tiêu hóa và hành vi ăn uống của trẻ. Thức ăn được tăng dần độ thô giúp cho dạ dày của trẻ có sự tiếp nhận, làm quen với cường độ làm việc một cách từ từ; từ đó giúp trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Ngoài ra việc tăng dần độ thô của thức ăn còn khiến cho trẻ có phản xạ nghiền và nhai từ sớm; cơ hàm hoạt động nhiều hơn tác động đến các dây thần kinh, góp phần giúp cho trí não trẻ phát triển.
2.2. Ăn riêng từng loại thức ăn:
Khay thức ăn của trẻ ăn dặm kiểu Nhật có cơ cấu giống như bữa ăn của người lớn; cũng có đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin. Đặc biệt thức ăn để riêng chứ không trộn chung vào cháo như phương pháp ăn dặm truyền thống của người Việt. Bé sẽ ăn một thìa cháo, một thìa thịt/cá, rồi tới một thìa rau; thi thoảng có thể trộn cả 3 nhóm thực phẩm này chung trong một lần xúc.
Mục đích của cách ăn này khiến bé cảm nhận mùi vị và màu sắc của thực phẩm ngay từ sớm. Điều này giúp bé phát triển vị giác, thị giác; kích thích não bộ tiếp nhận và xử lý thông tin từ sớm; tạo đà phát triển trí não cho bé.
2.3. Cho bé ăn nhạt, không lạm dụng gia vị:
Ăn mặn không tốt cho thận của bé. Trẻ dưới một tuổi nhu cầu sử dụng muối rất ít. Hơn nữa, trong sữa mẹ và sữa công thức đã cung cấp đủ lượng muối cần thiết, vì vậy mẹ không cần bổ sung muối vào đồ ăn của bé.
Đồ ăn dặm của trẻ hầu như không nêm muối, đường hay bất cứ thứ gia vị nào khác; chủ yếu tận dụng vị ngọt tự nhiên từ thực phẩm. Mẹ Nhật thường dùng nước daishi để nấu cháo cho bé. Đây là loại nước dùng nấu từ cá bào hoặc rong biển; giúp tăng mùi vị đậm đà cho món ăn mà không cần đến mắm muối. Nếu không có đủ những nguyên liệu như mẹ Nhật, bạn cũng có thể dùng các loại rau củ để nấu nước dùng cho con.
2.4. Ngồi ăn trên ghế, không ăn rong, không xem tivi:
Ngay từ lần ăn dặm đầu tiên, trẻ em Nhật đã được tập thói quen ăn uống tập trung và tự giác. Mẹ đặt bé ngồi trên ghế, nếu mẹ chuẩn bị được ghế ăn dặm riêng cho bé là tốt nhất. Không bật ti vi, máy tính hay bất cứ thiết bị gì gây chú ý; để bé chỉ tập trung vào việc ăn, tạo thói quen mỗi khi ngồi vào ghế là đến giờ ăn.
Ăn dặm kiểu Nhật giúp tạo cho trẻ nhiều thói quen tốt trong ăn uống. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cầu kỳ trong cách chuẩn bị, chế biến cũng như bảo quản thức ăn. Các mẹ nếu muốn cho con ăn dặm kiểu Nhật thì nên tìm hiểu kĩ càng, xác định tư tưởng và thu xếp thời gian biểu hợp lý để chăm sóc con nhé!
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care