Dưới đây là 10 hoạt động đơn giản mà rất hiệu quả giúp kích thích não bộ của bé phát triển ngay từ những năm tháng đầu đời, mời ba mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Giao tiếp bằng mắt
Mẹ hãy nhớ tận dụng những khoảnh khắc ngắn ngủi khi trẻ sơ sinh mở mắt và nhìn vào mắt bé. Mỗi lần con nhìn vào ai đó, thì đó là lúc con đang cố ghi nhớ hình ảnh của mọi người. Giao tiếp bằng mắt giúp con dễ dàng ghi nhớ hơn.
Giao tiếp bằng mắt giúp con dễ dàng ghi nhớ hơn
Trò chơi “Lêu lêu”
Đây tưởng như là một hành động vui đùa bình thường của các mẹ nhưng thực tế lại có nguyên nhân của nó. Nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay từ khi 2 ngày tuổi, bé đã có thể bắt chước những cử động đơn giản trên gương mặt – ví dụ như lè lưỡi. Đây là dấu hiệu của việc học cách giải quyết vấn đề từ rất sớm.
Soi gương
Lúc đầu con có thể nghĩ rằng mình đang nhìn vào một em bé khác. Nhưng con sẽ rất thích thú khi tự mình làm cho “em bé khác” đó cười và vẫy tay theo mình.
Tạo nên sự khác biệt
Với 2 bức tranh gần tương đồng nhau, mẹ có thể giữ đồng thời cả 2 ở khoảng cách 10 -15 cm so với con. Hãy đảm bảo rằng 2 bức tranh này có sự khác biệt không quá lớn, ví dụ: 1 bức có cây, bức còn lại thì không. Dạy cho con kĩ năng này từ nhỏ là mẹ đang đặt nền móng cho sự phát triển khả năng nhận mặt chữ và đọc của bé sau này.
Dạy con cách giao tiếp
Trong khi giao tiếp với bé, đừng nói liên tục. Mẹ nên để những khoảng lặng nhất định giữa cuộc nói chuyện. Ban đầu, những gì mẹ nhận lại có thể chỉ là ánh mắt trống rỗng của bé, nhưng dần dần, con sẽ biết cách tiếp tục cuộc nói chuyện bằng cách bi bô khi mẹ dừng lại. Cách này giúp con kể cả sau này biết được khi nào nên lên tiếng trong khi nói chuyện với người khác.
Mẹ hãy học nhiều giai điệu nhất có thể hoặc tự tạo ra những đoạn nhạc của riêng mình để hát cho con nghe
Hát cho con nghe
Mẹ hãy học nhiều giai điệu nhất có thể hoặc tự tạo ra những đoạn nhạc của riêng mình để hát cho con nghe. Cùng với đó, các bài hát nhạc nhẹ cũng được khuyến khích cho trẻ nghe từ bé. Một vài nghiên cứu cho thấy, có mối liên hệ mật thiết giữa học giai điệu và khả năng toán học của trẻ.
Làm mặt cười
Phồng má lên và khi con chạm vào mũi mẹ, thổi phù! Hoặc không thì khi bị bé kéo tai, mẹ có thể lè lưỡi. Khi con vỗ đầu mẹ, hãy tạo ra những âm thanh vui nhộn. Mỗi động tác này nên được lặp lại khoảng 3 – 4 lần sau đó thay đổi linh hoạt để tạo sự bất ngờ, và khuyến khích trí tưởng tượng của bé.
Cù
Có thể ở ngón chân hoặc cả người miễn là bé cười. Cười là bước đầu tiên trong việc phát triển óc hài hước của bé.
Chọc cười
Hãy chỉ vào bức ảnh của một ông chú nào đó và gọi “mẹ”. Sau đó thừa nhận với con sai lầm ngớ ngẩn đó và tự cười mình. Đây là bước tiếp theo để con học cách đùa giỡn, pha trò với mọi người.
Đừng quên nghỉ ngơi
Cuối cùng, mẹ hãy dành ra mỗi ngày một vài phút, chỉ đơn giản là nằm dài trên sàn nhà với con – không âm thanh, không có ánh sáng mạnh, cũng không nô đùa. Hãy để con tự khám phá và xem xem con sẽ dẫn mẹ tới điều thú vị gì nhé!
Theo Eva.vn