Với những người bị đuối nước, đặc biệt là trẻ nhỏ. Cấp cứu ban đầu là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Nếu xử trí chậm, nạn nhân có nguy cơ bị thiếu oxy não, cơ hội sống sót là rất thấp. Do đó, bố mẹ cần trang bị cho mình kỹ năng sơ cứu đuối nước để phòng ngừa mọi tình huống xảy ra khi cho con chơi với nước. Khi trẻ bị đuối nước, bố mẹ đừng hoảng sợ mà hãy thật bình tĩnh và thực hiện các bước sơ cứu sau để đưa con ra khỏi tình huống nguy hiểm nhé!
Xem thêm: Kiến thức cha mẹ cần phải biết khi cho con đi du lịch biển
Đuối nước và thời điểm vàng sơ cứu
Đuối nước là một dạng ngạt thở do tắc nghẽn đường thở do co thắt thanh quản hoặc hít phải nước vào phổi khi nạn nhân ở trong nước. Đây là một tai nạn thường gặp khi bơi lội, đi thuyền và các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, ngay tại nhà có trẻ em, hiện tượng này có thể xảy ra như trong bồn nước, chum vại, rãnh nước,…
Khi bị ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, theo phản xạ tim đập chậm hơn. Tình trạng ngừng thở gây thiếu oxy máu, dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp. Nếu ngừng thở tiếp tục kéo dài trong khoảng từ 20 giây đến 2 – 5 phút (tùy thuộc từng nạn nhân) thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào gây co thắt thanh quản tức thì. Lần ngừng thở thứ 2 và nhịp thở tiếp theo khiến cho nước, dị vật xâm nhập vào phổi. Kết quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.
Để cứu sống người bị đuối nước, quá trình trên phải ngăn chặn kịp thời. Tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên trong vòng 1- 4 phút khi bị chìm trong nước. Đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương ở đầu cổ và cột sống).
Nguyên tắc cấp cứu là tại chỗ
Nguyên tắc này đòi hỏi một phương pháp khẩn trương và đúng đắn với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Vì vậy bước đầu tiên là đưa nạn nhân ra khỏi nước:
Nếu nạn nhân còn tỉnh và giãy giụa dưới nước:
- Ném phao, một khúc gỗ hoặc một sợi dây cho nạn nhân để giúp họ lên bờ.
- Không nhảy xuống nước nếu bạn không biết bơi hoặc chưa được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Nguyên nhân là do nạn nhân đang trong trạng thái hoảng loạn và có xu hướng bám víu vào mọi thứ trong tầm tay, kể cả người cứu hộ.
- Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước, phải nâng đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước và thực hiện các động tác để nạn nhân bình tĩnh lại và thở..
Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước
Người cứu hộ chỉ xuống cứu nếu biết bơi, hoặc có thể nhờ sự giúp đỡ từ người khác. Nếu có thể thì dùng thuyền để ra cứu.
Khi nạn nhân được đưa vào bờ, cần tiến hành sơ cứu ngay tại chỗ
- Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu nạn nhân tím tái, không thể tự thở; tim ngừng đập (không sờ thấy mạch) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực.
- Cách ấn tim ngoài lồng ngực: Đặt hai tay trực tiếp lên một nửa dưới xương ức; và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần mỗi phút. Đồng thời giữ cho đường thở thông thoáng bằng gạc hoặc khăn vải để loại bỏ chất nhầy, dị vật khỏi miệng nạn nhân. Tiến hành hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi vào miệng cho nạn nhân.
Với nạn nhân là trẻ em cần lưu ý:
- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Đặt nằm thẳng, trong đó cổ, ngực tạo thành đường thẳng. Mục đích để khí vào phổi dễ dàng.
- Trẻ 2 tuổi trở lên: Giữ tư thế đầu ngửa ra sau một chút; mũi ngửa lên trên gọi là tư thế ngửi hoa.
Cách sơ cứu trẻ bị đuối nước
Hãy dùng cách nghe và cảm nhận xem bé còn thở hay không; cởi áo bé ra, áp vai vào má, mũi, miệng; mắt nhìn xuống ngực xem có sự di động ở lồng ngực không. Nếu bạn không nhận thấy hơi thở sau khoảng 10 giây, hãy hô hấp nhân tạo. Người cứu phải bịt mũi và bịt mũi trẻ thở năm lần. Tiếp theo, hãy nhớ kiểm tra mạch của bé. Nếu không có mạch trong khoảng 10 giây, hãy thực hiện ép ngực. Vị trí ép tim là 1/2 dưới xương ức. Với trẻ nhỏ cần đặt tay lên vuông góc với ngực của bệnh nhân, dùng cả hai tay ấn vào ngực để ép tim.
Khi ép tim cố gắng để độ di động của lồng ngực bằng 1/2-1/3 chiều dày lồng ngực. Chú ý vừa ép tim kết hợp hà hơi thổi ngạt. Sau khi ép tim và hà hơi thổi ngạt khoảng 1 phút cần xem xét có mạch hay không:
- Nếu có mạch trở lại, nghiêng đầu sang một bên đề phòng có nôn trớ ra ngoài.
- Nếu bé vẫn không thở và không có mạch thì tiếp tục thực hiện ép tim cùng hà hơi thổi ngạt cho đến khi nhân viên y tế đến.
Cảnh giác phù phổi cấp sau khi đuối nước
Sau khi sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra. Mục đích là kiểm tra xem họ có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước, hay còn được gọi là “chết đuối trên cạn” hay không.
Khi đã hít phải nước có thể xuất hiện các dấu hiệu của phù phổi cấp sau: khó thở, đau ngực hoặc ho; thay đổi hành vi đột ngột, người mệt mỏi,… Những dấu hiệu này không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ mà bình thường chúng có thể khó chịu. Nếu để lâu, nguy cơ tử vong sẽ cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Xem thêm: Đừng để mất con vì hiểm họa”chết đuối trên cạn”
Những sai lầm cần tránh
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy. Tuy nhiên đây là hành động hoàn toàn sai vì:
- Thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống nạn nhân.
- Thứ hai, khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ. Nó sẽ được đào thải ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi nạn nhân thở trở lại.
- Việc không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm lãng phí thời gian cứu nạn nhân. Đồng thời gây tổn thương não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Nguyên nhân là do thiếu oxy kéo dài ở các cơ quan, đặc biệt là não.