Bạn có bao giờ nhận một “vai diễn” trong trò chơi đóng vai của bé? Không chỉ là một trong những trò chơi yêu thích của hầu hết các nhóc, từ nhỏ cho đến lớn, theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, cùng con tham gia trò chơi đóng vai không chỉ là cách đơn giản để dạy con về những kỹ năng sống quan trọng mà còn giúp bé phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo và khả năng vận động của mình.
Phần lớn trẻ em đều rất hào hứng khi được “vào vai” một nhân vật nào đó, dù là những người trong cuộc sống hàng ngày.
Mẹ có từng thấy công chúa nhỏ của mình giả bộ làm mẹ, cho búp bê ăn và thay tã cho búp bê, như cách bạn đã từng làm cho bé? Hay chàng hoàng tử nhỏ dũng cảm, vung gươm chém quái vật tưởng tượng để cứu công chúa? Dù là đóng vai một nhân vật bình thường trong đời sống hay cho bé thỏa sức tưởng tượng với những nhân vật siêu nhiên, việc chơi một trò chơi đóng vai cũng đều giúp ích cho quá trình phát triển của trẻ.
Thậm chí, theo nghiên cứu tiến hành trên những trẻ em từ 16 -24 tháng tuổi của Đại học Sheffield cho thấy, ngay cả những đứa bé nhỏ nhất cũng học được nhiều thứ từ những trò đùa và trò chơi đóng vai bé thường chơi với bố mẹ của mình. Không chỉ giúp phát triển khả năng tư duy và tưởng tượng của trẻ, thông qua những câu nói đùa và những trò chơi đóng vai, bé còn có thể thực hành các kỹ năng và tìm hiểu thông tin mới.
Không chỉ các chuyên gia của đại học Sheffield, nhiều chuyên gia tâm lý trẻ em khác cũng nhất trí về vai trò quan trọng của trò chơi đóng vai đối với sự phát triển của trẻ. Theo các chuyên gia, bên cạnh những kỹ năng vận động, trò chơi đóng vai còn có thể giúp các bé phát triển những kỹ năng xã hội như:
– Cách giao tiếp với mọi người xung quanh
– Học thêm từ mới và phát triển khả năng ngôn ngữ
– Học cách xử lý cảm xúc và những vấn đề phát sinh trong trò chơi
– Những kỹ năng sống thực tế khi bé đóng vai một nhân vật trong cuộc sống hàng ngày
Đặc biệt, theo Doris Berger, tác giả cuốn sách The Role Of Pretend Play in Children’s Cognitive Development, trò chơi đóng vai có thể giúp bé phát triển khả năng giải quyết vấn đề, khả năng
thương lượng, tìm kiếm, xác định mục tiêu, khả năng ngôn ngữ, xã hội song song với sự phát triển kĩ năng ở nhà trường.
Cùng bé chơi trò chơi đóng vai
Đóng vai là một hoạt động tự nhiên, vì vậy, mẹ không cần thiết phải dạy bé cách làm sao để “giả vờ”. Tuy nhiên, bé vẫn cần mẹ giúp đỡ để có một môi trường “thuận lợi” cho trò chơi của mình. Thay vì cố kiềm chế những hoạt động vui chơi của con, mẹ nên giúp phát triển ý kiến và trí tưởng của bé. Tốt nhất, mẹ đừng ngại dành thời gian cùng con sáng tạo nên trò chơi của mình.
Chẳng hạn, mẹ có thể cùng bé giả vờ chơi trò bác sĩ. Mẹ có thể là bệnh nhân để “bác sĩ nhí” tìm cách chẩn đoán và chữa trị bệnh cho mình. Hoặc mẹ và bé có thể vào vai 2 nhân vật cùng nhau ăn tại một nhà hàng sang trọng, và mẹ cũng có thể “tranh thủ” dạy con vài quy tắc cần thiết trên bàn ăn khi đi ăn ngoài. Đặc biệt, mẹ nên khuyến khích bé trò chuyện, đặt câu hỏi nhiều hơn khi chơi để giúp bé phát triển vốn từ và kiến thức của mình.
Lưu ý khi cho trẻ chơi trò đóng vai
– Các nhân vật được chọn nên là người tốt, không khuyến khích trẻ đóng vai cướp biển, tên trộm hay một kẻ xấu nào đó.
– Trò chơi nên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc biệt là giới tính của trẻ. Chẳng hạn: trẻ gái nên cho đóng vai công chúa, nàng Bạch Tuyết, Lọ Lem; Còn trẻ trai nên cho làm hoàng tử, nhà vua; Lục Vân Tiên…
– Khi cùng chơi với trẻ, cha mẹ cũng phải nhập vai một nhân vật khác để đối thoại sẽ giúp trẻ cảm thấy hòa đồng, vui vẻ.
– Các dụng cụ được dùng cần đảm bảo không gây thương tích cho trẻ, không làm bằng hóa chất độc hại, không có đầu nhọn