Mẹ có nhớ đôi giày đầu tiên của mình? Có lẽ là không! Nhưng hẳn mẹ sẽ không thể nào quên được đôi giày đầu tiên của con khi bé chập chững bước những bước đầu tiên. Khác với giày của người lớn chỉ cần đẹp và êm, giày cho bé từ 0 – 3 tuổi đòi hỏi những tiêu chí lựa chọn riêng mà không phải bố mẹ nào cũng biết.
Tuổi thích hợp để bắt đầu mang giày cho bé
Mặc dù việc cho bé 3 tháng tuổi mang một đôi giày mềm xinh đẹp trong một dịp đặc biệt là điều tốt thôi, nhưng tốt nhất là không mang giày cho bé trong năm đầu đời của bé vì chân em bé không được thiết kế để mang giày. Đôi bàn chân của bé có những chiếc xương, cơ bắp và dây chằng nhỏ xíu cần phải được phát triển và luyện tập, do vậy việc bó chân trong giày có thể cản trở phần nào sự phát triển tự nhiên của chân bé.
Nhưng trạng thái chân trần này chỉ nên kéo dài đến khi bé đã có thể đứng được trên hai bàn chân và bắt đầu chập chững tập đi – khoảng 1 năm tuổi, khi đó bé cưng cần được bảo vệ cho đôi bàn chân xinh của mình. Trước thời điểm đó, những đôi vớ (tất) là lựa chọn hoàn hảo cho bé.
Loại giày nào thì phù hợp với trẻ tuổi tập đi?
Khi “cục cưng” của bạn đã biết tự di chuyển, việc bảo vệ đôi bàn chân cho con đòi hỏi bố mẹ phải có hiểu biết nhất định về việc chọn mua giày cho bé. Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia để bạn có thể biết mình cần gì ở cửa hàng giày dép trẻ em.
Đế cứng hay mềm?
Cũng giống như giày người lớn, giày em bé với đế quá mềm có thể làm bé dễ bị trượt và ngã. Bạn nên chọn một đôi giày có đế vừa đủ cứng để giảm rủi ro cho bé. Thông thường, đế da hoặc cao su sẽ cung cấp lực kéo vừa đủ để bé vững vàng hơn.
Giày sneaker hay bốt cao cổ?
Giày sneaker tốt hơn vì nó không gây gò bó và chân bé có thể phát triển bình thường. Ngoài ra, giày sneaker thường được làm bằng vải hoặc da mềm nên dễ dàng vừa vặn với chân trẻ hơn.
Đắt tiền hay rẻ tiền?
Đối với trẻ còn đang tập đi, bạn không cần phải sắm cho con những đôi giày quá đắt tiền. Điều quan trọng không nằm ở giá cả của đôi giày, mà là việc chúng có phù hợp và vừa vặn với bé hay không.
Hở mũi hay kín mũi?
Giày hở mũi không cung cấp đủ sự bảo vệ cho bàn chân của trẻ mới tập đi, vậy nên giày kín mũi nhìn chung là lựa chọn tốt hơn. Tương tự với kiểu giày Crocs, trẻ có thể dễ bị hụt chân với các loại giày này nếu các bé mang chúng khi mới chỉ đang tập đi và chưa đi đứng vững, vậy nên tốt nhất hãy để những đôi giày ngộ nghĩnh bắt mắt này lại cho đến khi bé được 2 tuổi hoặc hơn.
Mới hay đã dùng rồi?
Mặc dù bạn có thể tiết kiệm được đáng kể khi dùng lại đồ cho bé đã qua sử dụng từ bạn bè và người thân, nhưng đây là món bạn nên mua mới cho con mình. Giày trẻ con thường khớp theo chân bé khi đã được mang. Nếu bạn cho con mình mang lại giày cũ từ những đứa trẻ khác, tức là bạn đang ép chân của con vào những chiếc giày đã định hình theo chân của bé khác, và hậu quả là con bạn có thể sẽ bị giộp chân do giày không khớp với chân của bé.
Làm thế nào để chọn mua một đôi giày vừa vặn cho bé?
Bước đầu tiên khi mua giày cho bé tập đi là xác định đúng cỡ chân của bé. Tốt nhất, bạn nên đưa con đến các cửa hàng giày dép chuyên cho trẻ em vì tại đây, bạn sẽ được tư vấn tốt hơn bởi những nhân viên có kiến thức về giày trẻ em. Ba điểm quan trọng bạn cần lưu ý khi mua giày trẻ em là: mũi giày, phần gót giày (phần bọc sau gót chân) và bề rộng của giày. Ba yếu tố này sẽ quyết định đôi giày có hợp và vừa vặn với bé hay không.
Mũi giày
Đầu tiên, để chân bé được thoải mái, bạn nên chọn giày sao cho khi mang vào, mũi chân bé vẫn còn thừa từ 1-1.5cm so với mũi giày. Nếu mũi giày dư nhiều hơn, đôi giày đó quá lớn với bé và khiến chân bé không được cố định trong giày, còn nếu quá sát mũi chân, giày sẽ làm bé bị đau chân.
Bề rộng của giày
Bề rộng của giày cũng rất quan trọng. Chân trẻ con thường rộng ngang hơn khi chúng còn bé, và khi bàn chân phát triển, chiều dài bàn chân sẽ phát triển bắt kịp và tương xứng với chiều rộng. Bạn nên chọn cho bé một đôi giày thích hợp với đôi bàn chân bầu bĩnh của con, không quá hẹp ngang hoặc quá chật với cấu tạo bàn chân của con.
Một mẹo nhỏ để bạn chắc chắn là đôi giày có bề ngang vừa vặn với chân con là quan sát lưỡi gà (miếng đệm dưới phần dây buộc hoặc dán của giày) của chiếc giày sau khi bé mang vào; nếu hai mép giày tạo thành đường song song trên miếng lưỡi gà tức là giày vừa với bé; nếu chúng cách nhau xa, chiếc giày chật so với chân bé; còn nếu chúng chồng lên nhau, chiếc giày sẽ rất lỏng lẻo với chân bé.
Gót giày
Cuối cùng, phần gót giày cũng nên vừa vặn với bé, không quá rộng để bé không bị tuột chân khỏi giày, và không quá khít sẽ khiến giày siết lên gân gót (gân A-sin) của bé. Bạn có thể luồn ngón tay út của mình vào phần gót giày khi đã mang vào chân bé; phần gót vừa vặn nếu bạn có thể cho được ngón tay út vào giữa gót chân bé và gót giày, nhưng không luồn được quá một đốt ngón tay. Nếu bạn có thể luồn quá một đốt ngón tay út, đôi giày quá rộng, còn nếu bạn không luồn được một đốt ngón tay út, giày quá chật với bé.
Lưu ý khi mua giày cho bé
Nhóc tì tuổi tập đi của bạn sẽ cần một đôi giày mới với cỡ lớn hơn mỗi 2-4 tháng. Vậy nên trước khi bạn ra ngoài mua sắm cả tá giày dép xinh đẹp cho con, bạn nên cân nhắc những điều cơ bản sau:
Khi mua giày cho bé, hãy luôn xem mỗi lần mua sắm đều như lần đầu, cố gắng tham khảo tối đa sự tư vấn của nhân viên bán hàng, cho con mang giày và ướm chân bé thật kỹ để đảm bảo giày vừa vặn với bé. Giày trẻ em khác nhau giữa từng nhãn hiệu, từng kiểu giày và thậm chí là từng chiếc giày cùng hiệu, cùng kiểu và cùng cỡ. Không bao giờ mua giày cho con mà không thử trên chân bé và cũng chớ có mua giày chỉ vì cảm quan và cảm tính.
Hãy mang theo một đôi vớ (tất) của bé khi đi mua giày cho bé vì chắc chắn là bạn sẽ muốn con mang giày với vớ để giảm chai và giộp chân.
Và cuối cùng, sau khi nghe tư vấn của người bán hàng, hãy giữ chính kiến của mình trong việc quyết định đôi giày đó có hợp và vừa vặn với con bạn hay không. Hãy cho bé mang giày để thử đi lại và quan sát thái độ của bé xem bé có thoải mái không (với trẻ con thì sự thoải mái và không cản trở sự phát triển của bé là quan trọng nhất, tiếp đến mới là kiểu dáng).