Nhiều mẹ bỉm thắc mắc, vì sao con mình cao to, răng tóc mọc tốt, mà bác sĩ vẫn kết luận con thiếu canxi? Thực tế, trẻ thiếu canxi, hoặc trẻ còi xương vẫn có thể tăng cân tốt, nên mẹ rất dễ nhầm lẫn. Thiếu canxi trẻ sẽ còi cọc, chậm lớn và đặc biệt rất khó cao. Nên nếu mẹ thấy con có biểu hiện sau đây thì cần phải có kế hoạch bổ sung canxi cho bé.
Canxi là khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ, giúp xây dựng hệ xương và răng chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển toàn diện. Thiếu canxi có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của bé. Vậy làm sao để mẹ nhận biết được những dấu hiệu khi bé thiếu canxi? Bài viết dưới đây của Bibo Mart sẽ cung cấp cho mẹ những dấu hiệu phổ biến và cách xử lý khi phát hiện bé có nguy cơ thiếu canxi.
Ngủ trằn trọc
Bé dưới 1 tuổi, nếu khi ngủ thường hay trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, hoặc bé đang ngủ thì giật mình quấy khóc liên tục trong đêm thì mẹ nên nghĩ đến khả năng trẻ bị thiếu canxi. Trẻ sơ sinh bị những cơn co giật hoặc tay chân co cứng lại cũng là biểu hiện rõ ràng của cơ thể bị thiếu chất Canxi.
Đổ mồ hôi
Sau khi ngủ dậy, hoặc ngay cả khi bé nằm ở phòng máy lạnh cũng đổ mồ hôi đầu, lưng, ngực – đó là dấu hiệu rõ ràng nhất của trẻ thiếu canxi. Bé đổ mồ hôi (hoặc mồ hôi trộm) thường xuyên, cả khi chơi đùa, ngồi yên hay đang nằm ngủ.
Nhiều mẹ nhận thấy bé đổ mồ hôi trộm ở vùng đầu và gáy, làm tóc ướt và ẩm ướt phần gối. Đây là một dấu hiệu thiếu canxi thường gặp, bởi canxi có vai trò quan trọng trong việc điều hòa cơ thể và hỗ trợ hệ thần kinh hoạt động ổn định. Đổ mồ hôi trộm có thể khiến bé dễ bị lạnh, ốm và cảm thấy khó chịu khi ngủ, vì vậy mẹ cần chú ý bổ sung canxi kịp thời cho bé.
Cáu bẳn, khó chịu
Canxi không chỉ ảnh hưởng đến xương mà còn tác động lớn đến hệ thần kinh của bé. Thiếu canxi cũng khiến bé luôn cảm thấy khó chịu, bồn chồn, bứt rứt, quấy khóc. Nếu không bổ sung canxi kịp thời, sẽ dẫn đến bé chán ăn, thờ ơ với xung quanh, chậm phát triển tâm lý.
Nhiều mẹ nhận thấy rằng bé thiếu canxi thường có những biểu hiện như ngủ không sâu, hay giật mình, quấy khóc và khó dỗ ngủ. Những dấu hiệu này xảy ra do thiếu canxi làm rối loạn sự dẫn truyền thần kinh, khiến bé dễ bị căng thẳng và khó thư giãn.
Chậm mọc răng hoặc răng mọc không đều
Bé chậm mọc răng, hoặc nếu có mọc nhưng răng mọc lệch, so le, khoảng cách các răng không đồng đều cũng là biểu hiện thiếu hụt canxi ở trẻ do canxi chuyển hóa không tốt. Mẹ cần quan tâm đến thời gian mọc răng của trẻ, màu men răng, số lượng và hình thức răng trẻ…
Thông thường, trẻ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên vào khoảng 6-12 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu bé đã qua giai đoạn này mà vẫn chưa mọc răng hoặc răng mọc chậm hơn so với bạn cùng tuổi, mẹ cần kiểm tra lượng canxi bé nhận được hàng ngày. Canxi là thành phần chính tạo nên cấu trúc của răng, do đó, việc thiếu hụt canxi sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng và sự phát triển răng của bé.
Rụng tóc
Đặc biệt, tóc rụng thành hình vành khăn phía sau đầu – nơi tiếp xúc với gối nhiều nhất. Mẹ cũng phân biệt giữa rụng tóc máu và rụng tóc vành khăn: tóc máu khi rụng thì rụng đều, còn rụng tóc vành khăn thì chỉ một vành ngang đầu phía sau bé. Tóc sẽ dính lại trên gối.
Thóp mềm
Phân biệt rõ thóp mềm và thóp lõm. Thóp lõm là khi sờ vào thóp lõm hẳn xuống, đó là do bé bị thiếu nước, hoặc mệt mỏi. Thóp mềm là khi bé 12-18 tháng nhưng thóp chưa liền lại. Thiếu hụt canxi khiến thóp liền muộn hơn và tạo thành hộp sọ vuông.
Chậm biết đi
Có bé 10 tháng đã biết đi, nhưng có bé 18 tháng vẫn chưa thể tự bước hoặc đứng lên khó khăn; thời gian bé tập lẫy, bò, đứng, đi rất muộn… là hệ quả của thiếu hụt canxi. Hầu hết thiếu hụt canxi ở trẻ dưới 1 tuổi đều biểu hiện ở khu vực chân với các biểu hiện: chân yếu chậm bò-đứng-đi, hoặc chân cong, cơ bắp lỏng lẻo, yếu ớt.
Cách bổ sung canxi cho bé đúng cách
Nếu mẹ nhận thấy bé có các dấu hiệu trên, việc bổ sung canxi cho bé là rất quan trọng. Tuy nhiên, cần bổ sung đúng cách để cơ thể bé có thể hấp thu tối đa:
- Bổ sung qua thực phẩm: Mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu canxi vào chế độ ăn của bé, như sữa, sữa chua, phô mai, cá hồi, đậu phụ, và rau lá xanh đậm. Những thực phẩm này không chỉ giàu canxi mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác hỗ trợ quá trình phát triển của bé.
- Tắm nắng và bổ sung vitamin D: Canxi cần vitamin D để hấp thu tốt vào cơ thể. Vì vậy, mẹ hãy cho bé tắm nắng thường xuyên vào buổi sáng sớm (trước 9 giờ) hoặc sử dụng bổ sung vitamin D dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ cơ thể bé hấp thu canxi hiệu quả hơn.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về thực phẩm chức năng: Nếu chế độ ăn không đáp ứng đủ nhu cầu canxi cho bé, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung canxi bằng các loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, không nên tự ý cho bé dùng các loại thuốc bổ sung mà không có sự hướng dẫn chuyên môn, bởi quá liều canxi có thể gây hại cho cơ thể bé.
- Khuyến khích bé vận động: Hoạt động thể chất giúp xương phát triển và tăng cường khả năng hấp thu canxi. Mẹ có thể cho bé tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như bò, đi bộ, hoặc chơi đùa trong nhà để hỗ trợ quá trình phát triển xương khớp.
Kết luận
Nếu bé có từ 3 dấu hiệu trở lên, mẹ cần phải cho bé đi bác sĩ tư vấn, bổ sung canxi kịp thời cho quá trình phát triển của bé. Hoặc mẹ cũng có thể tự bổ sung canxi cho con bằng sữa, sữa chua và các chế phẩm từ sữa – nguồn canxi dồi dào và dễ hấp thụ nhất cho trẻ. Ngoài ra, bữa ăn của bé cũng có thể thêm trứng hay đậu phụ – hai loại thực phẩm vừa giàu canxi lại cung cấp rất nhiều protein cho trẻ. Cần cho trẻ đi phơi nắng sớm và bổ sung vitaminD nếu trẻ ở vùng lạnh không thể phơi nắng.