Tôi có đến những hai người mẹ. Một người đã sinh ra tôi, và những gì tôi biết được về bà chỉ qua những lời kể. Một người đã nuôi dạy tôi, và miệng đời cay độc vẫn thường gọi là mẹ kế.
Ba tôi làm xa nhà triền miên. Tháng về vài lần, có khi vài tháng mới về một lần. Thành ra thường chỉ mỗi hai mẹ con ở nhà với nhau. Từ cái ngày tôi bắt đầu có kí ức, ba đã tất bật với những chuyến công tác ngày càng dày đặc. Giữa khoảng thời gian đó, tôi và mẹ đã xảy ra những hiềm khích mà ba chẳng bao giờ ba có thể biết.
Chuyện bắt đầu vào một buổi tối nọ, một buổi tối trời mưa tầm tã. Bị tỉnh giấc bởi tiếng sét xé toạc trời, tôi cố trợn mắt thật to lần mò giữa màu đen của căn phòng nhưng tuyệt chẳng thấy mẹ đâu. Đang định cất tiếng gọi thì tiếng cửa két mở ra, mẹ tôi bước vào. Bộ dáng của mẹ đã ngăn tôi trườn dậy, với ánh mắt chưa bao giờ thấy, và có lẽ cũng chẳng bao giờ có thể quên. Tôi thấy bà đứng đấy, nhìn tôi, với cái nhìn phức tạp, có thương xót, có đau khổ,…và, có cả sự căm phẫn? kèm theo nước mắt tràn khóe. Năm đó tôi 8 tuổi.
Không biết có phải cảm giác căm phẫn tôi đọc được trong mắt mẹ từ lần đó hay không, mà sau tôi thấy bà khắt khe hơn với tôi rất nhiều. Ngủ dậy quên gấp chăn mắng, đi nhà vệ sinh quên xả mắng, thậm chí tôi lỡ quên để giày vào tủ cũng mắng. Tôi nhớ như in lần đầu tiên bị trận đòn đau trong đời, chỉ vì tôi về kể với mẹ chuyện thằng Quân bị mẹ nó bỏ rơi, và lỡ gọi nó là đứa con hoang. Năm đấy tôi 10 tuổi.
Từ trận đòn đó giữa tôi và mẹ đã có những khoảng cách vô hình. Tôi lên lớp 8, một người họ hàng xa bên nội gửi đứa cháu ở nhà tôi nửa năm. Nó trạc tuổi nên hai đứa cũng dễ bắt chuyện. Đến ngày thứ 3 chuyển đến, nó kéo tôi vào trong nhà vệ sinh hỏi nhỏ: “Chị à, bà mẹ kế kia có bao giờ bắt nạt gì chị không?”
Đầu tôi ong ong: “mẹ kế”? Hóa ra từ khi đẻ tôi mẹ ruột đã bỏ đi biệt tích, nghe bảo vì có người thứ 3. Vậy ra mẹ là người thứ 3 ư? Thảo nào mẹ hay mắng tôi như thế, thảo nào mẹ nhìn tôi như thế, thảo nào mẹ đánh tôi, thảo nào…
Kể từ đấy, tôi thấy mình không còn tôn trọng mẹ như xưa nữa. Hay cáu, và nói trống không. Tôi thấy gọi mẹ với con người ấy dường như là một điều tội lỗi.
Nhưng tôi chưa bao giờ nói điều này với ba, nhìn cách mỗi lần ba về và trìu mến với mẹ, tôi biết ba thương mẹ thật. Tôi sợ làm ba khó xử. Chuyện gì thì giờ cũng đã là quá khứ, người lớn có khi cũng còn nhiều điều khó nói ra. Tôi có thể tha thứ cho ba, nhưng con người kia thì không. Đầu tôi luôn vẩn vơ cái màu căm phẫn trong mắt bà đêm mưa ấy…
Ngày thi đại học, ba vẫn công tác chưa về, chỉ mình mẹ đưa tôi đi. Tôi lầm lì cúi mặt, mặc bà cứ càm ràm những lời dặn vô nghĩa gì đấy bên tai. “Tỏ vẻ gì chứ, sao những ngày vừa rồi ôn thi, chẳng thấy bà săn sóc như mẹ người ta..”
– Mẹ đừng nói nữa. Đến nơi rồi mẹ cứ về nhà đi thôi.
– Con nói cái gì vậy..
– Mẹ xem, đứng chờ con cái đi thi là bố mẹ người ta cả, còn mẹ thì đâu phải?
Nói xong tôi đi vào, cảm nhận được ánh mắt sững sờ của bà vẫn đằng sau, dõi theo đến khi bóng lưng tôi khuất. Những ngày thi sau đó, bà vẫn đưa tôi đi, nhưng đến trước cổng trường thì tự động đứng lại, chỉ nói với theo một câu: “Bình tĩnh làm bài con nhé..”
Tôi trật đại học.
Ngày nhận kết quả tôi như hóa dại. Ba tôi lặng thinh, còn mẹ vẫn chu toàn từng bữa. Tối hôm đó ngồi ăn,tôi liêu xiêu cầm đũa, trầy trật mãi vẫn chưa gắp nổi miếng rau. Mẹ cầm nhẹ tay tôi, vỗ vỗ. Cảm xúc chợt như vỡ òa, tôi lao vào lòng mẹ khóc như một đứa trẻ. Hóa ra, lâu nay tôi vẫn cố chối một sự thật rằng lòng tôi đã chấp nhận bà tự nhiên khi nào chả hay.
Đợt đấy, vì sợ tôi tâm lí không ổn định nên ba quyết định xin nghỉ phép. Thỉnh thoảng ông lại nhìn vào phòng tôi, sợ tôi sẽ làm gì dại dột. Tôi phì cười, mình cũng không phải là đứa yếu đuối và có suy nghĩ tiêu cực như thế. Chỉ không ngờ là, một đứa lạc quan như tôi cũng có những chuyện xảy đến khiến không thể không buồn.
Sáng hôm đó, tôi và ba đang ở vườn trước tưới rồi tỉa tót lại cây cối, mẹ đi loay hoay làm bữa sáng trong nhà. Chợt một người phụ nữ xuất hiện trước cổng. Ba tôi chợt đơ người, mẹ vừa bước ra cửa định kêu hai ba con vào ăn sáng cũng sững lại, mặt tái đi. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì người phụ nữ đã cất tiếng gọi : “con gái”…
Ra là nghe tin tôi không đỗ, nên người phụ nữ ấy trở về. Trở về để đề nghị tôi ra nước ngoài học, kinh phí bà chu cấp. Tôi thực sự thấy, cuộc đời mình đang diễn ra những cảnh chỉ có thể hiện hữu trên phim.
Tôi từ chối mà chẳng cần suy nghĩ trước cái nhìn đầy lo lắng của mẹ. Cũng chẳng hiểu sao mình có thể bình thản mà đối diện được với những chuyện như thế nữa. Mẹ ruột tôi luôn miệng xin lỗi, và xin lỗi. Tôi cũng chỉ biết cười.
Bà- người mà tôi gọi là mẹ ruột, đến và đi cũng nhanh như một cơn gió. Ngoại trừ những câu dặn khi nào cần gì thì gọi mẹ, rồi ném lại cho tôi thông tin liên lạc. Từ đầu đến cuối, tôi cũng chỉ biết cười.
Buổi tối sau đấy, ba thức tôi dậy, rồi kéo ra quán ăn khuya gần nhà. Nhấp vào tí cồn để tạo hơn men dũng cảm, ba tâm sự cùng tôi, từ đầu đến cuối… Ngày ấy, là ba và mẹ tôi yêu nhau say đắm. Thế nhưng, vì một hôm lầm lỡ, mà ba đã có lỗi với mẹ. Ba làm mẹ ruột có mang tôi. Là người trách nhiệm nên ba đành lấy mẹ. Thế nhưng tôi vừa sinh ra thì hai người cũng không thể tiếp tục sinh sống vì chẳng có tình yêu thương, trong một lần cái vã, mẹ ruột tôi bỏ đi. Và lúc ấy, mẹ tôi đến, hi sinh, và đón nhận tôi như một người con…
Mẹ tôi đã sống như thế, hai mươi hai năm, với cái danh mẹ kế, và với những câu chuyện mà tôi từng coi đó là khoảng cách không bao giờ rút ngắn được.
Vào đêm trời mưa năm tôi 8 tuổi, mẹ tôi nhận được cuộc gọi từ người bạn làm bác sĩ, bảo mẹ không có khả năng sinh con. Ánh mắt và tôi cho là căm phẫn ấy, thật ra là sự đau xót của một người không bao giờ có khả năng làm mẹ đúng nghĩa, và là sự quyết tâm nuôi nấng con chồng như chính con của mình.
Năm tôi 10 tuổi, mẹ đánh tôi vì tôi gọi thằng Quân là con hoang, vì phải chăng, từ lúc mẹ tôi bỏ đi, tôi cũng là một đứa con hoang rồi? Bà muốn tôi loại ngay từ đầu tư tưởng ấy, đánh tôi đau một, đêm về bà đau 10.
Năm tôi học lớp 8, mẹ đã lờ mờ nhận ra thái độ của tôi có khác từ khi hay nói chuyện với cậu em từ dưới quê. Cố gắng từng ngày, mẹ chỉ mong tấm lòng này rồi sẽ có ngày tôi hiểu.
Mấy ngày trước khi tôi thi đại học, công việc của ba tôi gặp vấn đề. Ngoài những cuộc gọi vội, ba chẳng thể về nhà để đưa tôi đi thi như những người ba khác. Mẹ vừa chăm cho sức khỏe tôi, vừa phải tiếp những vị khách không mời mà đến của ba, vừa cố gắng tranh thủ mối quan hệ giúp ba qua những ngày khủng hoảng.
Ngày thi đại học, đêm hôm ấy bà không ngủ một tí nào. 4h sáng đã trở mình dậy làm đồ ăn sáng cho tôi.
Ngày mẹ ruột tôi đến, mẹ lo lắng bất an, sợ tôi sẽ đi nhưng cũng không thể ích kỉ bảo tôi ở đây cùng mẹ…
Mẹ luôn thầm lặng như thế. Là một người “mẹ kế” thầm lặng nhưng tuyệt vời nhất trong tôi.
Hôm nay là ngày gia đình, năm nay bố không phải đi công tác, mẹ nấu món tủ là nồi canh chua thơm lừng, tôi kịp bắt chuyến xe cuối để về nhà toàn tụ. Cả nhà 3 người bên nhau trong bữa cơm chiều, với tôi, thế là hoàn hảo…