Nguyên nhân mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén và cách điều trị

Mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén là tình trạng thường thấy trong thời kì mang thai, ảnh hưởng tiêu cực đến cả mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên 80% phụ nữ mang thai có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nếu được khám thai đầy đủ, có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học. Cha mẹ cùng các chuyên gia và bác sĩ nhà Bibo tìm hiểu rõ hơn về bệnh này nhé!

 

1. Nhiễm độc thai nghén là gì?

Nhiễm độc thai nghén là bệnh lý phát sinh trong suốt thời kì mang thai. Bệnh có thể xuất hiện sớm vào 3 tháng đầu, nhưng hay gặp ở 3 tháng giữa và đặc biệt ở 3 tháng cuối của thai kì.

 

2. Nguyên nhân mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén

Cho tới nay, nguyên nhân của nhiễm độc thai nghén chưa được xác định rõ, nhưng các chuyên gia sản khoa ghi nhận có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị nhiễm độc thai nghén như:

– Mẹ mang thai lần đầu hoặc đa thai, thừa cân khi mang thai.

– Mẹ mắc bệnh nội khoa như đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh lí thận, bệnh tự miễn,….

– Có yếu tố ảnh hưởng bởi thời tiết, tỉ lệ tăng cao hơn khi thời tiết chuyển lạnh.

– Các thai phụ có thói quen và sở thích dùng nhiều muối trong bữa ăn ( nhiều hơn 5 gram/ 24h).

– Có tiền sử bị nhiễm độc thai nghén ở lần mang thai trước.

–  Có tiền sử gia đình (huyết áp cao)


3. Mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén có biểu hiện như thế nào?


Triệu chứng nổi bật của nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng đầu là nghén nặng.
Còn trong suốt thai kì còn lại, thai phụ có thể cảm nhận được những thay đổi của bản thân như:

  • Xuất hiện phù khu trú hoặc phù toàn thân
  • Hoa mắt chóng mặt (biểu hiện của tăng huyết áp)
  • Dù đã cố gắng uống đủ nước nhưng cảm giác lượng nước tiểu ít hơn thường ngày,…

Khi đi khám thai, mẹ bầu sẽ được bác sĩ chẩn đoán xác định bằng lâm sàng và các xét nghiệm bổ trợ.

 

4. Biến chứng của nhiễm độc thai nghén

Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, nhiễm độc thai nghén có thể dẫn đến thai chậm phát triển, thai lưu do không cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai. Về phía mẹ có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: sản giật, hội chứng HELLP,…                                                                                                                                                                                                                                                      

5. Mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén cần điều trị như thế nào?

Điều trị không dùng thuốc:

Dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, sản phụ tự thay đổi chế ăn uống và sinh hoạt khoa học:

  • Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ
  • Uống đủ nước
  • Hạn chế ăn muối
  • Có chế độ làm việc và vận động phù hợp,…

 

Điều trị thuốc:

Tùy theo tình trạng và mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng thai phụ.

 

6. Biện pháp phòng bệnh nhiễm độc thai nghén 

Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ, vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất là:

–  Nên khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai.

– Khi có thai:
      + Thực hiện chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học
      + Khám thai định kì đúng lịch , tuân theo y lệnh của bác sĩ

– Đi khám bác sĩ ngay khi cảm nhận những thay đổi bất thường của cơ thể như có biểu hiện phù hoặc nhức đầu, mệt mỏi, tiểu ít hơn thường ngày,…

Chúc các mẹ mang thai an toàn và hạnh phúc.

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare