Những cách đơn giản để phòng chống táo bón cho trẻ

Hiện nay, chuyên mục “Bạn hỏi – Bác sĩ trả lời” của Bibo Mart nhận được khá nhiều câu hỏi của các mẹ liên quan đến vấn đề táo bón ở trẻ em. Vì vậy hôm nay Bibo Mart xin chia sẻ với các mẹ những lưu ý đơn giản để giúp bé khoẻ mạnh và tạm biệt chứng táo bón khó chịu. Mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Trước tiên, để bé đi cầu đều đặn và dễ dàng mỗi ngày thì khối lượng phân phải đủ lớn để kích thích bóng trực tràng gây cảm giác mắc đi cầu và phản xạ tống xuất, phân phải đủ mềm để đi cầu không đau, không chảy máu, không làm bé sợ mà nín không dám đi. Ngoài ra, nhu động ruột phải đủ mạnh để tống chất thải xuống và tống ra ngoài. Để cả quá trình này dễ dàng, chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phải phù hợp với bé.
Để khối phân đủ lớn, mẹ cần tăng thêm chất xơ trong thức ăn mà cụ thể là lượng rau quả. Ví dụ như hiện mẹ cho bé ăn 2 chén cháo với nhiều rau, nhưng có lẽ chưa đủ nhu cầu của bé. Mẹ có thể chia 2 chén cháo thành 3 bữa, để có thể tăng lượng rau lên thêm nữa. Ngoài ra có thể cho bé ăn thêm những thực phẩm có nhiều chất xơ như trái bơ, bông cải xanh, đu đủ, lúa mạch, ngũ cốc…
Nếu bé bắt đầu ăn thức ăn đặc mà bị táo bón thì mẹ có thể dùng bột ngũ cốc lúa mạch thay cho bột ngũ cốc gạo vì lúa mạch chứa nhiều chất xơ hơn, giúp bé đỡ bị bón. Bé cũng có thể thử các loại trái cây có nhiều chất xơ và rau (nghiền nát) bao gồm mơ, khoai lang, lê, mận, đào, đậu, đậu Hà Lan, bông cải, hoặc cải bó xôi. Bố mẹ cũng có thể trộn nước trái cây, rau cải đã nghiền nát với bột ngũ cốc cho con ăn dặm để cung cấp đủ chất xơ,
Bên cạnh đó, để bé đi ngoài dễ hơn thì phân phải mềm, như vậy các thức ăn của bé phải cân đối về thành phần, một số loại khi dư thừa sẽ gây táo bón, chẳng hạn quá dư đạm, chất béo bão hoà, nhiều canxi hay sắt…Với những bé uống bổ sung si rô sắt thì nồng độ sắt trong máu của bé cao hơn cũng dễ gây táo bón. Vì vậy, đối với những bé đang uống giọt sắt bổ sung thì mẹ cần thay đổi chế độ ăn giảm bớt lượng chất sắt từ thực phẩm lại hoặc bổ sung thêm nhiều rau quả trong bữa ăn.
Thiếu nước cũng là nguyên nhân làm phân rắn hơn nên để phòng táo bón thì cân cho bé uống đủ nước mỗi ngày. Bố mẹ có thể cho bé uống nước trái cây. Bé 1-6 tuổi, không cho quá 120-180 ml nước trái cây nguyên chất mỗi ngày, bé trên 7 tuổi có thể uống tối đa 1-2 ly 120 ml một ngày. Bố mẹ không cần thiết phải cho bé uống nhiều nước để điều trị táo bón. Đối với bé trên một tuổi, lượng nước bé cần trong một ngày được lấy mốc là 960 ml chất lỏng (nước chín hoặc các loại nước khác không phải sữa) trong một ngày. Nếu bé không khát thì không cần thiết hoặc không có lợi ích gì để uống nhiều hơn lượng nước này.
Nhu động ruột liên quan nhiều đến vận động chủ động của bé. Bé cần đi, đứng, chạy nhảy thường xuyên để kích thích nhu động ruột hoạt động tốt, đi tiêu dễ dàng hơn. Những bé béo phì thường lười vận động vì mau mệt, thích ăn ngọt, ăn thịt, ăn cơm mà không thích ăn rau trái cây thì sẽ dễ bị bón hơn các bé khác.
Ngoài ra những bé bị bón lâu ngày, sau một thời gian đi cầu bị đau sẽ có xu hướng nín đi cầu, nên phân bị ứ trong ruột già bị hút nước càng khô cứng hơn, bé càng sợ đi cầu hơn. Do đó, khi bé bị bón trong thời gian dài ta có thể dùng thuốc làm mềm phân và bơm hậu môn tạo phản xạ đi cầu đều đặn, tránh ứ phân trong thời gian đầu mới điều trị để chặt đứt vòng luẩn quẩn này. Vì thế, khi bé bị bón, mẹ đừng nghĩ đây là biểu hiện đơn giản mà bỏ qua mà hãy trị dứt điểm cho bé thông qua việc điều chỉnh lại thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng và vận động của bé nhé.
Nên nuôi dưỡng bé bằng chế độ ăn cân bằng đủ 4 nhóm thực phẩm: Chất đạm, chất xơ, chất béo, vitamin và khoáng chất. Khi bé bị táo bón cũng đừng ép bé phải ăn cho được ngay một lượng lớn rau củ trong bữa ăn và đừng dùng một chế độ ăn nhiều chất xơ thay cho các phương pháp điều trị khác. Bé cần tăng trưởng và phát triển hoàn hảo chứ không riêng hết táo bón. Chế độ ăn dư chất xơ sẽ làm bé mất cơ hội ăn các nhóm thực phẩm khác chẳng hạn chất đạm. Mẹ nên nhớ chỉ cần đủ và cân bằng là bé sẽ phát triển khoẻ mạnh.
Mẹ cần chú ý nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà bé vẫn táo bón có thể bé không dung nạp được với đạm sữa bò. Mẹ có thể phải bỏ sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò như sữa chua, phô mai và kem trong 1-2 tuần. Nếu không cải thiện thì có thể cho bé dùng sữa bò trở lại và đưa đến bác sĩ. Khi bé đã biết ngồi bô/bồn cầu rồi mới bị bón, nên khuyến khích bé ngồi bô/bàn cầu 5-10 phút sau bữa ăn, từ hai đến ba lần mỗi ngày, một cách đều đặn để tập cho bé thói quen đi vệ sinh đúng và phù hợp.
Chúc bé khoẻ mẹ vui!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *