Những cách dự phòng viêm phổi tái phát ở trẻ nhỏ

Hỏi:
Con nhà em được 2 tháng 7 ngày, lúc cháu được 1 tháng 7 ngày thì bị viêm phổi phải tiêm kháng sinh 1 tháng liền mà giờ được về mũi vẫn khìn khịt và húng hắng ho ngày 3 – 4 lần. Cho em hỏi có cách nào để không tái lại viêm phổi không ạ? (nguyenha…@gmail.com – Nguyễn Thị Hà)
Đáp:
Chào bạn Hà!
Thời tiết thay đổi thất thường là môi trường lý tưởng cho bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ phát triển. Và căn bệnh này thường tái phát nhiều lần. Để phòng bệnh viêm phổi tái phát, bạn cần lưu ý các yếu tố sau:
– Giữ nhà cửa sạch sẽ và không ô nhiễm khói thuốc lá, bụi nhà, lông chó mèo.
– Cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng, chích ngừa theo lịch của chương trình tiêm chủng quốc gia.
– Khi thời tiết chuyển mùa, nếu trời lạnh cần giữ ấm cho trẻ, khi trở về có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mắt, mũi trẻ. Nếu trời nóng dùng quạt máy hay máy lạnh. Quạt máy nên để tốc độ nhỏ, xoay các hướng, không để quạt gió trực tiếp vào vùng mũi miệng của trẻ sẽ làm đường thở bị khô, khi sử dụng điều hòa không nên để lạnh mà duy trì nhiệt độ ở mức 28-290C. Chỉ nên cho bé ngồi trước quạt dưới 10 phút cho ráo mồ hôi. Sau đó, bạn phải vặn nhỏ tốc độ quạt máy xuống. Khi bé nằm ngủ, bạn lưu ý sử dụng quạt tốc độ chậm nhất, cho quay đều và hướng gió thổi xuôi theo đường thở, tức là chếch từ đầu trở xuống chân.
– Bên cạnh đó, cần giữ môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá. Khi trẻ có những biểu hiện bệnh như ho, sốt, khó thở cần được đưa ngay đến Khoa Hô hấp để được thăm khám và điều trị đúng.
– Không nên tắm muộn cho trẻ, điều này cũng tiềm ẩm nhiều nguy cơ do nhiệt lượng tạo ra vào đêm muộn xuống rất thấp, tốc độ chuyển hóa cũng xuống rất thấp, vì thế bé dễ bị nhiễm lạnh. Nhiễm lạnh vùng cổ và vùng ngực dễ làm mạch máu co lại, tăng tiết dịch đường thở và dễ gây ra bội nhiễm mầm bệnh.
– Lưu ý, khi trẻ bị bệnh bạn nên đưa trẻ tới có sở y tế để được thăm khám và điều trị, không nên tự ý mua thuốc về cho con sử dụng hoặc sử dụng đơn thuốc của lần điều trị trước, như vậy rất dễ khiến trẻ bị nhờn thuốc và hậu quả có thể rất nặng nề và tốn kém.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *