Tiêm chủng mang lại cho bé nhiều lợi ích về sức khỏe, tuy nhiên sau khi tiêm thì nhiều trẻ gặp phải tình trạng sốt cao khiến ba mẹ vô cùng lo lắng. Vì vậy mẹ hãy cũng Bibo Mart đi tìm hiểu những lưu ý quan trọng trước và sau khi tiêm chủng cho con yêu mẹ nhé!
Các mũi tiêm Vắc-xin phòng bệnh cho trẻ sơ sinh
Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng các bệnh nguy hiểm cho trẻ em. Trẻ từ 0 – 3 tuổi cần tiêm nhiều mũi vắc-xin.
– Vắc-xin viêm gan B (VGB) khuyến cáo tiêm trong vòng 24h đầu sau sinh để có hiệu quả phòng bệnh cho trẻ.
– Vắc-xin phòng bệnh lao khuyến cáo tiêm càng sớm càng tốt trong khoảng 1 tháng đầu đời của bé.
– Khi trẻ đủ 2 tháng tuổi sẽ tiêm mũi Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – viêm màng não do Hib mũi 1 (vắc-xin 5 trong 1) và uống Vắc-xin bại liệt lần 1.
– Khi trẻ được 3 tháng tuổi, cách mũi tiêm cũ một tháng thì tiêm mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – viêm màng não do Hib mũi 2 và uống Vắc-xin bại liệt lần 2.
– Khi trẻ được 4 tháng tuổi, cách mũi tiêm cũ một tháng thì tiêm mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – viêm màng não do Hib mũi 3 và uống Vắc-xin bại liệt lần 3.
– Trẻ 6 tháng theo khuyến cáo thì mẹ nên cho trẻ đi tiêm 2 mũi vắc-xin phòng cúm A (không nằm trong chương trình tiêm chủng mà là vắc-xin dịch vụ). Sau đó hàng năm sẽ tiêm nhắc lại.
– Khi trẻ được 9 tháng tiêm Vắc-xin sởi mũi 1.
– Khi trẻ được 18 tháng tiêm nhắc lại vắc-xin sởi Rubella và vắc-xin DPT phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván.
– Với vắc-xin Viêm não Nhật Bản B thực hiện khi trẻ được 12 tháng tuổi trở đi. Mũi 1 cách mũi 2 từ 7 – 14 ngày. Sau đó một năm nhắc lại tiêm mũi 3.
Đó là những vắc-xin phòng bệnh cơ bản. Ngoài ra có những vắc-xin dịch vụ mà chúng ta có thể triển khai tiêm cho trẻ ngoài chương trình tiêm mở rộng.
Một số lưu ý trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng
Tất cả các bé đều có sổ tiêm chủng từ khi mẹ mang thai đến khi trẻ được sinh ra và lớn lên. Trong sổ sẽ lưu lại những mũi tiêm trẻ đã được tiêm trong cả quá trình đó. Trẻ tiêm rất nhiều mũi nên mẹ ghi nhớ thời gian tiêm để cho trẻ tiêm đúng lịch, đúng ngày. Việc quên cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch làm giảm hiệu quả trong việc phòng bệnh cho bé. Nếu qua thời gian chỉ định đi tiêm mẹ phải đưa con đến cơ sở y tế trong ngày gần nhất để được tiêm luôn.
Trong tiêm chủng có những trường hợp chúng ta phải lưu ý: Trẻ đẻ ra cân nặng thấp, dưới 2kg thì hoãn những mũi tiêm sơ sinh. Hoặc khi trẻ đang bị ốm, sốt cũng dừng tiêm thời gian đó. Hoặc trẻ mắc bệnh mãn tính trong giai đoạn tiến triển thì không nên đưa trẻ đi tiêm. Những trẻ đang có vấn đề về sức khỏe ba mẹ nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn cụ thể.
Theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm phòng
Sau khi bé được ba mẹ đưa đi tiêm chủng có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn. Để đảm bảo an toàn cho trẻ ba mẹ cần biết cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng.
Sau khi tiêm hãy cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
Sau tiêm chủng có thể có một số phản ứng thông thường:
– Phản ứng toàn thân: Sốt nhẹ dưới 38,5 độ C.
– Phản ứng tại chỗ tiêm: Vết tiêm đau hoặc sưng tấy nhẹ.
– Bé quấy khóc.
– Nổi mề đay, mẩn ngứa, phát ban.
Nếu trẻ sốt cần đo nhiệt độ và theo dõi. Trừ trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi còn với những trẻ khác thì ba mẹ có thể tự xử lý bằng cách chườm mát vào nách, bẹn, không mặc quần áo chật. Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Sau tiêm mũi Vắc-xin phòng thủy đậu, sởi Rubella thì có thể phát ban nổi ngứa nhưng chỉ là phản ứng nhẹ có thể tự khỏi sau 2 – 3 ngày.
Thời gian sau đó, theo dõi trẻ trong 2 – 3 ngày sau tiêm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về tinh thần, tình trạng ăn ngủ, nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, chỗ tiêm.
Nếu bé sốt nên chú ý bù nước, cho trẻ ăn nhiều hoa quả để bé có thêm chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi. Ăn uống tuân thủ chế độ phù hợp từng lứa tuổi. Trẻ sơ sinh đang bú mẹ hoặc sử dụng sữa ngoài đặc biệt chú ý vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh. Chỉ nên dùng cho bé những loại bình sữa nào tốt cho trẻ sơ sinh.
Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hay các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có một trong những dấu hiệu như: sốt cao trên 39 độ C, co giật khóc thét, tím tái, khó thở li bì, bú kém, bỏ bú, phát ban. Các phản ứng nặng như sốc phản vệ thường rất hiếm gặp.
Phản ứng này cần được theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
Sau khi tiêm chủng hãy chăm sóc, theo dõi trẻ đúng cách để đảm bảo an toàn.
Nguồn: Tổng hợp