Việc mang thai lần nữa ngay khi mới sinh em bé chưa chắc là một tin vui dành cho mẹ. Bởi sinh con quá gần nhau sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về sức khỏe lẫn tinh thần cho cả mẹ và bé. Trong bài viết dưới đây,Bibo Martsẽ giải đáp mọi thắc mắc về việc sau sinh bao lâu thì mang thai lại. Mời mẹ theo dõi!
1. Sau sinh bao lâu thì mang thai lại được?
Thực tế, mẹ sau sinh có thể mang thai ngay khi kinh nguyệt xuất hiện trở lại, thường là 6-8 tuần sau sinh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của hầu hết các cơ quan y tế và các chuyên gia thai sản, mẹ sinh thường nên chờ ít nhất 12 đến 18 tháng sau sinh thì mới nên mang thai lần nữa. Còn đối với mẹ sinh mổ hoặc từng mắc các biến chứng trong lần mang thai trước như băng huyết, sảy thai thì nên đợi sau 2 năm.
Khoảng thời gian này giúp cho cơ thể mẹ có đủ thời gian để phục hồi sau sinh; mẹ đã có cho mình nhiều kinh nghiệm về mang thai và chăm sóc trẻ sơ sinh. Đồng thời cha mẹ có thể thu xếp ổn thỏa cho em bé đầu tiên trước khi em bé thứ 2 xuất hiện; đảm bảo bé nào cũng được chăm sóc kỹ lưỡng về cả thể chất lẫn tinh thần.
2. Mang thai sớm sau khi sinh ra sẽ có những rủi ro gì?
Việc mang thai quá gần nhau có thể gây ra một số hệ lụy nghiêm trọng cả về sức khỏe lẫn tinh thần cho cả mẹ, bé và các thành viên khác trong gia đình.
2.1. Đối với người mẹ
Dù sinh thường hay sinh mổ, đó đều là một quá trình “vượt qua cửa tử” vô cùng vất vả và nguy hiểm. Cơ thể mẹ cũng cần có thời gian để hồi phục trở lại. Một số chuyên gia nói rằng việc có con quá gần nhau có thể khiến cơ thể mẹ khó tái tạo lại khả năng dự trữ nhiều chất dinh dưỡng bao gồm folate và sắt – những chất rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển của thai nhi. Đó là lý do tại sao việc mang thai lại quá sớm sẽ dẫn đến một số rủi ro sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và em bé tiếp theo như:
- Sinh non
- Cân nặng khi sinh thấp
- Nhau bong non (khi nhau thai bong ra một phần hoặc hoàn toàn từ thành tử cung của mẹ)
- Rối loạn sinh
- Mẹ thiếu máu
Chưa kể, sinh mổ cũng cần ít nhất sau 2 năm mới nên mang thai lại vì nhiều lí do nguy cơ rủi ro cho mẹ như: bục vết sẹo mổ cũ, tăng nguy cơ rau tiền đạo, rau bám thấp, nguy cơ thai bám vào sẹo mổ cũ,…
Cùng với đó, những áp lực khi phải chăm 2 con nhỏ cùng lúc cũng dễ dẫn mẹ tới các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm sau sinh, rối loạn lo âu,… Mẹ sẽ không có nhiều khoảng nghỉ dành cho những sở thích riêng; hoặc không thể toàn tâm toàn ý quay về với công việc.
2.2. Đối với bé sinh ra trước
Mẹ có thai ngay khi vừa sinh, cơ thể chưa kịp hồi phục, lại thêm sự xuất hiện các triệu chứng ốm nghén sẽ khiến cơ thể mẹ bị suy nhược nghiêm trọng. Nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ, bé đầu sẽ không thể nhận được trọn vẹn nguồn sữa giàu dưỡng chất nhất, bị phụ thuộc nhiều vào sữa công thức bên ngoài; thậm chí còn bị ảnh hưởng những cảm xúc tiêu cực từ mẹ.
2.3. Đối với thai nhi
Thai được hình thành trong điều kiện cơ thể mẹ chưa ở trạng thái tốt nhất có thể bị sinh non rất cao; bị mất nguồn sữa mẹ dẫn tới thể trạng còi cọc, ốm yếu. Nếu mẹ đang nuôi bé sinh trước hoàn toàn bằng sữa mẹ thì lại càng nguy hiểm hơn. Do khi bé bú, cơ thể mẹ sẽ tiết ra hormone oxytocin gây hiện tượng co bóp tử cung, gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi trong bụng. Thậm chí, thai còn có nguy cơ nhau tiền đạo cài răng lược, đe dọa đến tính mạng của bé.
2.4. Đối với các thành viên khác trong gia đình
Áp lực về tài chính là vấn đề nghiêm trọng nếu hai lần mang thai quá sát nhau. Nguồn thu nhập từ mẹ bị gián đoạn đồng nghĩa với việc bố trở thành trụ cột tài chính duy nhất trong nhà; khiến các gia đình chưa có kinh tế ổn định rơi vào tình cảnh khó khăn. Chưa kể, người thân trong nhà cũng phải vất vả chăm sóc cho cả em bé sinh trước lẫn mẹ bầu.
3. Những câu hỏi về mang thai sau sinh thường gặp
3.1. Mẹ có thể mang thai ngay sau khi sinh em bé không?
Mẹ hoàn toàn có thể mang thai trong vòng ba tuần sau khi sinh, ngay cả khi cho con bú và hành kinh không xuất hiện trở lại. Để tránh mang thai ngay lúc này, mẹ cần lưu ý sử dụng các biện pháp tránh thai mỗi lần quan hệ như bao cao su.
3.2. Khi nào mẹ có kinh trở lại sau khi sinh?
Mẹ sẽ hành kinh trở lại từ 1 tháng đến hơn 1 năm sau khi sinh con. Điều này phụ thuộc phần lớn vào cách mẹ cho con bú là cho bú sữa mẹ hay dùng sữa công thức. Lí do là khi bé bú mẹ, cơ thể mẹ sẽ tiết ra loại hormone có tên prolactin. Hormone này sẽ ức chế FSH và GnRh, từ đó sẽ ức chế quá trình rụng trứng và ngăn chặn kinh nguyệt xuất hiện.
Vậy nên nếu mẹ đang cho con uống sữa công thức thì kinh nguyệt của mẹ có thể trở lại từ sau 6 đến 8 tuần. Còn nếu mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thì hiện tượng hành kinh sẽ xuất hiện chậm hơn.
3.3. Có thể mang thai từ trước khi đến thời kỳ kinh nguyệt không?
Câu trả lời là có thể. Đó cũng là lí do mà nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Trứng thường rụng trước 14 ngày so với thời điểm mẹ hành kinh. Vậy nên trước kì kinh nguyệt đầu tiên sau sinh, mẹ đã hoàn toàn có khả năng sinh sản.
Cho con bú trực tiếp có thể tạm thời ngăn cơ thể mẹ rụng trứng vài tháng sau khi sinh. Nhưng nếu mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ, trứng sẽ rụng chỉ trong vài tuần đầu sau sinh. Thời điểm này rất dễ thụ thai nếu bố mẹ quan hệ mà không dùng biện pháp tránh thai.
3.4. Mẹ có thể mang thai khi đang cho con bú không?
Thực tế, mẹ vẫn có thể mang thai ngay cả khi đang cho con bú. Việc cho con bú sẽ chỉ tạm thời ngăn cơ thể rụng trứng, giúp mẹ không mang thai. Tuy nhiên, cách này sẽ chỉ hiệu quả nếu mẹ cho con bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 giờ mỗi cữ bú. Chưa kể, bé sẽ bắt đầu tập ăn dặm và làm quen các món nhiều chất rắn từ tháng thứ 6; việc cho con bú sẽ không còn là một biện pháp tránh thai hiệu quả tuyệt đối nữa.
Hiện nay thị trường có rất nhiều loại thuốc tránh thai an toàn khi cho con bú. Để tránh mang thai ngoài ý muốn, mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để sử dụng. Mẹ tuyệt đối không nên sử dụng các biện pháp thiếu khoa học; không tự ý dùng thuốc tránh thai hay nạo phá thai để tránh hệ lụy về sau.
Hy vọng rằng từ những thông tin của Bibo Care, mẹ đã có thể an tâm phần nào; đồng thời có những biện pháp phòng ngừa chủ động để không mang thai quá sớm khi mới sinh con. Chúc mẹ sẽ có một khoảng thời gian nghỉ ngơi sau sinh thật trọn vẹn!