So sánh 3 cách ăn dặm "hot" nhất hiện nay

cách trị nẻ má cho bé

Khi con đủ tháng để tập ăn, các mẹ sẽ bắt đầu cân nhắc giữa các phương pháp ăn dặm để chọn cho bé nhà mình. Cùng chuyên gia Bibo Care so sánh giữa 3 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay; bao gồm: ăn dặm truyền thống (ADTT); ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và ăn dặm cho bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) để xem đâu sẽ là phương pháp thích hợp nhất cho cả mẹ và bé nhé!

1. Ăn dặm truyền thống (ADTT)

1.1. Đặc điểm nổi bật

Với ăn dặm truyền thống, mẹ sẽ tiến hành quấy bột ăn dặm cho con trong giai đoạn mới tập ăn; sau đó, xay nhuyễn bột với rau củ, thịt cá trong tháng thứ 8-9. Đến khi trẻ mọc răng, mẹ sẽ chuyển sang cho con ăn cháo từ dạng mịn lỏng đến cháo thô, sánh đặc dần. Thức ăn kèm vẫn được cho vào chung với cháo thành một bát đủ dinh dưỡng.
Ăn dặm truyền thống
Trẻ ăn dặm truyền thống thường ăn chung một bát bột xay lẫn cả rau củ và thịt cá

1.2. Ưu điểm:

Không phải ngẫu nhiên mà đến ngày này, ADTT vẫn là phương pháp được nhiều mẹ Việt ưu tiên. Những lợi ích của cách tập ăn này có thể kể đến như:
  • Dạ dày của bé sẽ không phải làm việc quá tải từ sớm do đã làm quen từ từ với thức ăn bổ sung.
  • Một bát cháo ăn dặm đa dạng nguyên liệu sẽ cung cấp đủ loại chất dinh dưỡng thiết yếu cho bé.
  • Phương pháp này rất phù hợp cho những mẹ bận rộn và không có thời gian chế biến các món ăn cầu kì. Việc dọn dẹp sau khi nấu ăn cho bé cũng dễ dàng, nhanh gọn hơn rất nhiều.

1.3. Nhược điểm:

Tuy có nhiều ưu điểm và được nhiều người áp dụng; song ADTT có thể khiến nhiều bà mẹ hiện đại ngày nay “tẩy chay” vì:
  • Vì trẻ ăn nhuyễn nhiều nên khả năng ăn thô kém; đôi khi đã 2 tuổi vẫn còn ăn cơm nhá, cháo xay rất mất vệ sinh.
  • Nếu bé ăn lâu hoặc không chịu ăn, mẹ thường cho bé đi ăn rong, mở tivi,… khiến bé không tập trung vào việc ăn uống.
  • Nấu chung nguyên liệu sẽ khiến bé khó cảm nhận mùi vị; từ đó sinh chán ăn, biếng ăn, kén chọn thực phẩm sau này.

2. Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN)

2.1. Đặc điểm nổi bật:

Phương pháp ADKN đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam vì được đề xuất trên cơ sở khoa học. Một số đặc điểm dễ nhận biết nhất của phương pháp ADKN đó là:
  • Trẻ ADKN bắt đầu làm quen với thức ăn ngay bằng cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột. Sau này, độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi. Các loại thức ăn khác như rau, thịt cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp.
  • Khác với ADTT, một khay thức ăn của trẻ ADKN bao giờ cũng đủ ba nhóm thực phẩm; gồm tinh bột, vitamin và chất đạm theo tiêu chuẩn “vàng – đỏ – xanh”. Những loại thực phẩm này được chế biến riêng biệt và không trộn lẫn.
  • Để trẻ tập ăn nhạt, ăn dò từng loại thực phẩm từ rau củ đến thịt cá để làm quen dần.
  • Khi tiến hành ADKN, bé sẽ ngồi ăn trên ghế, không ăn rong, bật tivi. Khi trẻ không ăn nữa, tuyệt đối không thúc ép nhồi nhét.
Ăn dặm kiểu Nhật
Một “suất ăn kiểu Nhật” cho bé thường gồm nhiều món riêng biệt

2.2. Ưu điểm:

Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của phương pháp ADKN đó là:
  • Trẻ sẽ có khả năng ăn thô sớm hơn rất nhiều so với các bé theo phương pháp ADTT.
  • Việc ăn riêng từng loại thức ăn sẽ giúp bé làm quen tốt hơn với mùi vị của từng loại thực phẩm, không nảy sinh tâm lý ngán ăn.
  • Dùng vị ngọt tự nhiên từ rau củ nên bé sẽ được tạo thói quen ăn nhạt, tốt cho thận.
  • Không thúc ép trẻ ăn, không tạo tâm lý sợ hãi khi ăn uống.
  • Thiết lập cho bé thói quen ngồi ăn ngay từ tấm bé giúp trẻ ăn nhanh và tập trung hơn.

2.3. Nhược điểm:

Tuy nhiên, để cho bé theo hoàn toàn phương pháp ADKN, mẹ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức giai đoạn đầu. Chuẩn bị cho con từng món ăn riêng biệt, chế biến và bảo quản thường rất lỉnh kỉnh.
Bên cạnh đó, việc mẹ không bắt ép con ăn ngay khi con từ chối có thể khiến bé ngày càng lười ăn, biếng ăn. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống khi con lớn lên.

3. Ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW)

3.1. Đặc điểm nổi bật:

Ăn cùng bé, cùng lúc, cùng bàn là tinh thần chính của phương pháp ăn dặm này. Trẻ ăn theo phương pháp BLW sẽ tự ăn và ăn thô y như người lớn ngay từ lần ăn dặm đầu tiên. Các bà mẹ thường không quá chú trọng vào việc ban đầu con ăn được bao nhiêu; mà tập trung vào việc dạy bé tập nhai và cầm nắm thức ăn.
Đặc điểm thứ hai cực “lạ” của BLW, đó là không thìa, không xúc, không bát đũa. Mẹ sẽ chuẩn bị cho con những thức ăn nguyên miếng được hầm mềm và để trong khay ăn của trẻ. Bé sẽ ăn bốc, tự cầm tay những thức ăn mình yêu thích để cho vào miệng.
Thời gian đầu, trẻ có thể sẽ không ăn, cầm ném thức ăn lung tung, thậm chí bóp nát, cho vào miệng mút rồi vứt. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian làm quen với thực phẩm, con sẽ tự hình thành phản xạ cắn, nhai rồi nuốt. Từ đó, tiến thẳng đến giai đoạn tự mình xúc thìa.
Phương pháp ăn dặm BLW
BLW nghĩa là trẻ sẽ tự bốc thức ăn trên bàn để ăn

3.2. Ưu điểm:

Ưu điểm của phương pháp này có thể kể đến:
  • Tạo điều kiện cho bé khám phá mùi vị, kết cấu, màu sắc của mỗi loại thức ăn riêng biệt.
  • Giúp trẻ phát triển phối hợp tay-mắt, sự khéo léo của ngón tay và kỹ năng nhai.
  • Trẻ sẽ có khả năng tự cầm thìa xúc từ rất sớm.
  • Cho phép bé ăn với khối lượng bé cần, theo thời gian của riêng bé, do đó tạo được thói quen ăn uống tốt sau này.
  • Mẹ không cần tốn thời gian chuẩn bị đồ ăn riêng cho con; vì bé sẽ ăn ngay như một thành viên trong mâm cơm gia đình.

3.3. Nhược điểm:

  • Phương pháp này rất dễ vấp phải những phản đối từ quan niệm của các thế hệ đi trước. Nhất là với những gia đình có mục tiêu muốn trẻ tăng cân nhanh, tăng cân nhiều; phương pháp này sẽ rất dễ gây xung đột bởi trong vài tháng đầu tập ăn bốc BLW, trẻ sẽ chỉ làm quen với thức ăn và ăn được rất ít.
  • Trẻ mới ăn dặm nếu ăn ngay đồ ăn thô miếng rất có thể sẽ dẫn tới hóc nghẹn.
  • Thức ăn bốc để ngay trên bàn ăn đòi hỏi mẹ phải thường xuyên lau dọn vì mỗi lần trẻ ăn xong sẽ rất bừa bãi, nếu không chú ý vệ sinh còn có thể dẫn tới tiêu chảy.

Chuyên gia so sánh giữa các phương pháp ăn dặm

 

ThS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, về cơ bản phương pháp ADTT và ADKN có nhiều nét tương đồng. Điểm khác biệt là thời gian bắt đầu cho trẻ ăn thô theo phương pháp ANKN sớm hơn so với phương pháp ADTT. Theo đó, ADKN bắt đầu cho trẻ ăn cháo hạt khi bé được 7-8 tháng, ăn cơm khi trên 1 tuổi; ADTT là ăn cháo hạt trên 1 tuổi, ăn cơm trên 2 tuổi.

Theo ThS Hải nếu mẹ nào cho trẻ thực hiện theo phương pháp ADKN được rất tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, mẹ không nên cứng nhắc mà có thể kết hợp các phương pháp ăn dặm theo từng thời kỳ phát triển của con.

Do đó, chuyên gia dinh dưỡng này khuyến cáo các mẹ nên khéo léo, vừa cho con ăn dặm vừa chú ý đến sự hợp tác và nhu cầu của trẻ. Với trẻ không thích ăn thô, các mẹ không thể cứ cứng nhắc áp dụng theo phương pháp ANKN được, bởi trẻ có thể bị bỏ đói dài dẫn tới suy dinh dưỡng. Trong trường hợp này mẹ cần kiên trì, tập cho bé dần quen, có thể xen kẽ bữa ăn thô và ăn nhuyễn.

Còn với phương pháp ăn dặm chỉ huy (BLW), ThS Hải cho rằng, không nên bởi nếu với trẻ còn ít tháng việc ăn các thức ăn thô như người lớn ngay từ đầu là không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *